Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 24-09-2024 6:35am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Phạm Diệp Vũ Khang – IVF Tâm Anh
 
Giới thiệu
Vô sinh ảnh hưởng đến khoảng 14% các cặp vợ chồng, trong đó nam giới chiếm khoảng 37% trong số tất cả các trường hợp. Ở những cặp vợ chồng vô sinh được đánh giá, vô tinh chiếm khoảng 5%–10%. Việc ứng dụng thành công kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection - ICSI) ở người giúp các cặp vợ chồng vô sinh do yếu tố nam giới nghiêm trọng được điều trị.
 
Để cải thiện kết quả ICSI, pentoxifylline (PF) đã được nghiên cứu như một phương pháp điều trị tiềm năng cho tình trạng vô sinh ở nam giới. PF thuộc họ chất ức chế phosphodiesterase, hoạt động bằng cách tăng nồng độ của nucleotide vòng. PF kích hoạt khả năng di động của tinh trùng thông qua con đường adenosine monophosphate vòng, do đó gây ra sự phosphoryl hóa protein đuôi tinh trùng. Tuy nhiên, tính an toàn của PF vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, do đó cần phải tìm hiểu về việc sử dụng PF trong điều trị vô sinh do yếu tố nam giới và mục đích của nghiên cứu này là so sánh kết quả thai và sơ sinh giữa phương pháp điều trị ICSI tinh trùng đông lạnh từ chọc hút tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn qua da (Testicular Sperm Aspiration - TESA) sử dụng PF (PF-TESA ICSI), ICSI tinh trùng đông lạnh TESA không sử dụng PF (non-PF TESA ICSI) và ICSI tinh trùng tươi từ mẫu xuất tinh không sử dụng PF (non-PF ICSI) làm nhóm chứng.
 
Phương pháp
Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu từ tháng 4 năm 2013 đến tháng 6 năm 2021. Nghiên cứu này bao gồm hai phần: phần đầu tiên là so sánh kết quả thai kỳ giữa ba nhóm khác nhau: PF-TESA ICSI, non-PF TESA ICSI và non-PF ICSI; phần tiếp theo là phân tích kết quả sơ sinh ở ba nhóm này. Tổng cộng 5438 chu kỳ chuyển phôi trữ (Frozen Embryo Transfer – FET) đã được thực hiện trong nghiên cứu này, bao gồm 240 chu kỳ trong nhóm PF-TESA ICSI (nhóm nghiên cứu), 101 chu kỳ trong nhóm non-PF TESA ICSI (nhóm chứng 1) và 5097 chu kỳ trong nhóm non-PF ICSI (nhóm chứng 2). Phương pháp so sánh điểm xu hướng (Propensity score matching) được thực hiện để kiểm soát các đặc điểm khác nhau của bệnh nhân.
 
Phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm SPSS (phiên bản 26.0).
 
Kết quả
Kết quả thai cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa PF-TESA ICSI và non-PF TESA ICSI, trước và sau khi so sánh điểm xu hướng (P> 0,05). Khi so sánh với non-PF ICSI, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thai ngoài tử cung, đa thai, sẩy thai, sinh đôi, sinh non và tuổi thai trung bình (P> 0,05). Tuy nhiên, tỷ lệ thai sinh hóa, thai lâm sàng, làm tổ trong tử cung và trẻ sinh sống cao hơn đáng kể ở nhóm PF-TESA ICSI so với nhóm non-PF ICSI (57,92% so với 50,42%; 54,17% so với 46,34%; 40,10% so với 32,78%; 47,08% so với 38,41%; P < 0,05).
 
Để đánh giá tính an toàn của phương pháp điều trị PF, tổng cộng có 2572 trẻ sinh sống được đánh giá, bao gồm 136 trẻ sơ sinh từ nhóm PF-TESA ICSI, 61 trẻ từ nhóm non-PF TESA ICSI và 2375 trẻ từ nhóm non-PF ICSI. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào giữa ba nhóm về cân nặng khi sinh và sinh nhẹ cân (P> 0,05). Không quan sát thấy tử vong sơ sinh sớm ở nhóm PF-TESA ICSI và nhóm non-PF TESA ICSI, bốn trường hợp được ghi nhận ở nhóm non-PF ICSI mà không có sự khác biệt (P> 0,05). Không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kết quả sơ sinh giữa ba nhóm trước và sau khi bắt cặp.
 
Kết quả dị tật bẩm sinh cho thấy, 57 trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh trong nhóm đối chứng, 3 trong số 136 trẻ sơ sinh trong nhóm PF-TESA ICSI. Tuy nhiên, trước và sau khi bắt cặp, không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào về tỷ lệ dị tật giữa ba nhóm (P> 0,05).
 
Bàn luận
Nghiên cứu này cho thấy ICSI sử dụng tinh trùng đông lạnh từ tinh hoàn được hoạt hóa bằng PF có khả năng đạt được tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ mang thai lâm sàng và tỷ lệ sinh con sống tương đương so với nhóm non-PF TESA ICSI và nhóm non-PF ICSI. Hơn nữa, không có sự khác biệt về cân nặng khi sinh, tuổi thai hoặc dị tật bẩm sinh. Điều này cho thấy phương pháp điều trị PF-TESA ICSI có thể là phương pháp hiệu quả, nhanh chóng để xác định và lựa chọn tinh trùng sống khi thực hiện ICSI bằng tinh trùng TESA đông lạnh.
 
Tuy nhiên, nghiên cứu này có một số hạn chế. Đầu tiên, việc đánh giá kết quả sơ sinh ngắn hạn, do đó tính an toàn của PF vẫn là mối quan tâm trong hỗ trợ sinh sản. Điều quan trọng là phải làm sáng tỏ liệu PF có gây ra bất kỳ vấn đề an toàn nào không và xác định phác đồ, tác nhân, liều lượng và thời gian tiếp xúc tối ưu trong các nghiên cứu theo dõi dài hạn. Thứ hai, là một nghiên cứu hồi cứu từ một trung tâm duy nhất, một nghiên cứu ngẫu nhiên, được thiết kế tốt ở những bệnh nhân sử dụng PF-TESA ICSI nên được tiến hành trong tương lai. Thứ ba, thiếu thông tin liên quan đến dị tật bẩm sinh ở những phụ nữ bị sẩy thai liên quan đến bất thường của thai nhi.
 
Kết luận
Phương pháp PF-TESA ICSI cho thấy kết quả thai và sơ sinh tương đương với các nhóm chứng, điều này mang lại thêm một phương pháp điều trị mới cho những bệnh nhân sử dụng tinh trùng đông lạnh từ tinh hoàn.
 
Tài liệu tham khảo
DONG, Jing, et al. Pregnancy and neonatal outcomes of ICSI using pentoxifylline to identify viable spermatozoa in patients with frozen-thawed testicular spermatozoa. Frontiers in Endocrinology, 2024, 15: 1364285. https://doi.org/10.3389/fendo.2024.1364285
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK