Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 18-09-2024 6:32am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 

Sự phát triển vượt trội trong công nghệ hỗ trợ sinh sản (assisted reproductive technology – ART) được thể hiện ở sự cải thiện đáng kể trong việc mang thai thành công. Một trong những sự tiến bộ này là nuôi cấy phôi lên giai đoạn phôi nang cho phép chọn lọc tốt hơn những phôi có tiềm năng phát triển, loại bỏ những phôi bất thường nhiễm sắc thể, dẫn đến tiềm năng làm tổ cao hơn. Tuy nhiên, việc nuôi cấy này dễ làm mất một số phôi vốn có thể sống sót trong tử cung nên nhiều trung tâm IVF vẫn chỉ định chuyển phôi giai đoạn phân chia đối với những trường hợp có ít phôi hữu dụng nhằm làm giảm xác suất hủy chu kỳ nếu không có phôi nang cũng như là cho bệnh nhân thất bại nhiều lần sau chuyển phôi nang. Và việc chuyển phôi nang không làm tăng thêm tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn so với chuyển phôi phân chia. Mặc dù vậy, chuyển phôi nang có thể giúp chúng tự chọn lọc phôi khả dụng, cải thiện sự đồng bộ giữa tử cung và phôi, vì vậy mà tỉ lệ trẻ sinh sống cũng cao hơn. Phôi nang và nội mạc của người mẹ tiếp nhận trong vòng 48 giờ sau 7-10 ngày rụng trứng. Sự làm tổ thành công đòi hỏi phải có sự tiếp nhận của nội mạc, phôi tiềm năng và sự đồng bộ giữa chúng; do đó, sự bất thường nào xảy ra trong quá trình liên kết chặt chẽ này đều tác động xấu đến kết cục thai kỳ. Nghiên cứu này được tiến hành để đánh giá tỉ lệ phôi nang hữu dụng và dự đoán kết quả thai lâm sàng ở những chu kỳ IVF/ICSI nhằm cung cấp thông tin lâm sàng trong việc sử dụng phôi nang để chuyển.
 
Đây là nghiên cứu hồi cứu trên 512 bệnh nhân có chuyển phôi tươi từ T11/2019 – T8/2021. Tiêu chí nhận là vợ <35 tuổi thực hiện chu kỳ IVF tươi đầu tiên, số noãn thu nhận sau chọc hút ≥5, tỉ lệ noãn trưởng thành ≥60%. Tiêu chí loại là những bệnh nhân sẩy thai liên tiếp ≥2 lần, bất thường tử cung, bất thường nhiễm sắc thể, bất thường noãn, hoặc sử dụng noãn hiến tặng, vô sinh do yếu tố nam nặng. Bệnh nhân được chia thành 2 nhóm, nhóm 1 thực hiện chuyển phôi tươi N3 (những phôi còn lại nuôi cấy lên phôi nang) và nhóm 2 chuyển phôi tươi N5/N6. Mỗi nhóm đều có hai nhóm nhỏ về kết quả thai lâm sàng là A (clinical pregnancy rate – CPR+) và B (CPR-). Phôi N3 hữu dụng có từ 6-12 phôi bào với <30% phân mảnh. Phôi N5/N6 hữu dụng là phôi có độ nở rộng ≥3, khối tế bào bên trong (inner cell mass – ICM) không là loại C. Mối tương quan giữa tỉ lệ thai lâm sàng (clinical pregnancy rate – CPR) sau chuyển phôi tươi N3 hoặc N5/N6 và tỉ lệ hình thành phôi nang hữu dụng được đánh giá. Kết quả cho thấy:
 
Nhóm 1:
-Nhóm 1A so với nhóm 1B cho tỉ lệ 2PN cao hơn (69,32% so với 66,05%; P=0,041), phôi hữu dụng (82,44% so với 78,49%; P=0,016) và nhiều phôi hơn để chuyển (P=0,016).
-Nhóm 1A sử dụng GnRH đồng vận thường xuyên hơn so với nhóm 1B khi kích thích rụng trứng (P=0,002).
-Tỉ lệ hình thành phôi nang và tỉ lệ phôi nang hữu dụng không có sự khác biệt giữa 2 nhóm 1A và 1B (P>0,05).
- Nguyên nhân vô sinh, tỉ lệ phôi N3 có chất lượng tốt để chuyển và những yếu tố khác cũng không ghi nhận sự khác biệt (P>0,05).
 
Nhóm 2A so với 2B:
-Tỉ lệ hình thành phôi nang thấp hơn nhưng không có ý nghĩa thống kê (77,03% so với 81,06%; P=0,083).
-Tỉ lệ phôi nang hữu dụng thấp hơn đáng kể (60,79% so với 66,19%; P=0,014).
-Tỉ lệ phôi nang hữu dụng N5 cũng thấp hơn có ý nghĩa thống kê (46,98% so với 54,58%; P=0,007).
-Nguyên nhân vô sinh, chất kích thích rụng trứng, tỉ lệ phôi chất lượng tốt để chuyển và những yếu tố khác không ghi nhận sự khác biệt đáng kể (P>0,05).
 
Tỉ lệ phôi nang hữu dụng cao cho thấy tiềm năng phát triển của phôi tốt nhưng điều trị IVF không thành công khi phôi chất lượng tốt hoặc thậm chí phôi nguyên bội được chuyển vào tử cung thì nhiều khả năng là do yếu tố nội mạc. Nhiều báo cáo trước đây đánh giá trên bệnh nhân bị thất bại làm tổ liên tiếp, khi được cá thể hóa thời gian chuyển phôi lại cho CPR cao hơn so với quy trình thường quy. Do đó, mặc dù chuyển phôi nang tươi có lợi nhưng vẫn chưa rõ là ngày chuyển phôi có tác động đến tỉ lệ thai không. Cửa sổ làm tổ (window of implantation – WOI) xảy ra giữa ngày thứ 20 và 24 của chu kỳ kinh nguyệt hoặc 6-10 ngày sau đỉnh LH. Tuy nhiên, phôi phát triển chậm sẽ cần thời gian tiếp xúc với Progesterone dài hơn để đồng bộ hóa tối ưu với nội mạc tử cung. Vì vậy, từ kết quả của nghiên cứu trên, các tác giả đưa ra giả thuyết rằng các phôi nang phát triển tốt bám dính trước hoặc sau WOI và sau đó bỏ lỡ WOI. Nhìn chung, chất lượng phôi là yếu tố chính quyết định thai kỳ và các yếu tố khác, bao gồm tiếp nhận của nội mạc tử cung, cũng được xem là có tính dự đoán. Ngoài tiềm năng phát triển phôi, nồng độ Progesterone và Estrogen cũng là những yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng CPR trong IVF; nồng độ Progesterone bất thường trước khi chuyển phôi có liên quan đến tỉ lệ trẻ sinh sống và sẩy thai ngay cả sau xét nghiệm lệch bội di truyền tiền làm tổ (aneuploidy preimplantation genetic testing – PGT-A).
 
Điểm mạnh của nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên tìm thấy tỉ lệ phôi nang hữu dụng không có tương quan thuận với kết cục thai lâm sàng sau chuyển phôi nang tươi. Tuy nhiên, dữ liệu cũng chưa bao gồm nồng độ hormone của Estrogen và Progesterone nên nghiên cứu sâu hơn là cần thiết.
 
Tóm lại, tỉ lệ hình thành phôi nang hữu dụng không liên quan đến kết quả thai lâm sàng của những bệnh nhân chuyển phôi tươi N3 và tỉ lệ này không tương quan thuận với kết quả lâm sàng bệnh nhân chuyển phôi tươi N5/N6. Vì vậy, đối với những bệnh nhân chuyển phôi tươi thì cần thiết phải có 1 phôi nang đủ tiêu chuẩn đồng bộ với sự tiếp nhận của nội mạc tử cung để có thai lâm sàng thành công ở chu kỳ IVF. Điều này cho thấy cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện quá trình làm tổ bằng cách cá nhân hóa, chẩn đoán và đồng bộ hóa các yếu tố nội mạc tử cung.
 
Nguồn: Wang LM, Qiu PP, Jiang LZ, Li P, Jiang YF. Competent blastocyst and receptivitiy endometrium improved clinical pregnancy in fresh embryo transfer cycles: a retrospective cohort study. 2024 Apr 11.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK