Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 11-09-2024 10:11am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Trần Hồ Khánh Duyên
Bệnh viện Đại Học Y Dược Buôn Ma Thuột
 
Hiện nay, bảo tồn khả năng sinh sản ở nữ giới bằng đông lạnh noãn được xem là phương pháp được sử dụng phổ biến và hiệu quả nhất. Đông lạnh noãn đã mở ra một kỷ nguyên mới cho điều trị hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên phải đến năm 2013, Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) phê duyệt việc sử dụng đông lạnh noãn để bảo tồn khả năng sinh sản, thì kỹ thuật này mới được chỉ định rộng rãi và đã tăng hơn gấp 10 lần trong mười năm qua. Hai phương pháp đông lạnh được sử dụng trong hỗ trợ sinh sản là đông lạnh chậm và thuỷ tinh hoá. Trong đó, đông lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa đang là một kỹ thuật được các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm lớn trong khu vực và thế giới đưa vào ứng dụng trong thực tiễn điều trị và đang dần thay thế phương pháp hạ nhiệt độ chậm trước đây. Theo nghiên cứu của Glujovsky và cộng sự (2014) các kết quả như tỷ lệ sống của noãn, tỷ lệ thụ tinh và chất lượng phôi đã được chứng minh là cao hơn ở phương pháp thủy tinh hóa so với đông lạnh chậm. Nguyên tắc cơ bản của thủy tinh hóa là hạ nhiệt độ và làm ấm cực nhanh với việc sử dụng nồng độ chất bảo vệ đông lạnh cao, tăng độ nhớt và tăng nhiệt độ chuyển thủy tinh, cho phép thủy tinh hóa ở nhiệt độ cao hơn. Điều này giúp quá trình khử nước bên trong tế bào xảy ra nhanh và hoàn toàn, loại bỏ hầu hết sự hình thành băng trong tế bào. Phôi, noãn người đã được bảo quản lạnh với nhiều thiết bị thủy tinh hóa hoặc dụng cụ trữ khác nhau có thể được phân loại là "hở" hoặc "kín". Các thiết bị thủy tinh hóa "hở" cho phép phôi, noãn tiếp xúc trực tiếp với nitơ lỏng. Các dụng cụ đầu tiên chứa noãn, phôi trữ của hệ thống thủy tinh hóa hở cho hiệu quả và có những trẻ sinh sống đầu tiên như cryoloop, lưới EM, Cryotop, và OPS. Mặc dù sử dụng thành công các dụng cụ trữ “hở” để thủy tinh hóa phôi, noãn nhưng sự tiếp xúc trực tiếp giữa phôi, noãn và nitơ lỏng có nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm chéo giữa các mẫu hoặc vô tình tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm có trong nito lỏng. Việc sử dụng các dụng cụ trữ thủy tinh hóa "kín" tránh được những rủi ro này, phôi và noãn sẽ được “cô lập” tránh khỏi nito lỏng. Các dụng cụ trữ phôi, noãn thủy tinh hóa kín hiện tại như: cryotips (Irvine Scientific, CA, USA), HSV (Cryo BioSystem, Paris, Pháp), VitriSafe (VitriMed, Áo) và Cryopette (Origio, Đan Mạch). Mặt khác, mặc dù tốc độ làm lạnh của các hệ thống thủy tinh hóa kín thấp hơn so với hệ thống hở, nhưng hiệu quả sử dụng các dụng cụ trữ này tương đối cao. Tuy nhiên, các bằng chứng so sánh những tác động có thể có của hai hệ thống thủy tinh hóa kín và hở đối với chất lượng noãn sau rã đông còn nhiều hạn chế. Do đó, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu tổng hợp các dữ liệu nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng tốc độ làm lạnh và rã đông của các hệ thống thủy tinh hóa hở so với kín đối với kết quả phôi và hiệu quả lâm sàng.

Nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu từ PubMed / MEDLINE và Thư viện Trung tâm Cochrane, với các từ khoá: “IVF, ICSI, phôi nang, phôi phân chia, thuỷ tinh hoá và đông lạnh”, tiêu chuẩn nhận bao gồm tất cả các bài báo được xuất bản bằng tiếng Anh cho đến tháng 1 năm 2023. Tác giả sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp tiến hành so sánh từng hệ thống thủy tinh hóa so với các noãn tươi. 

Tổng cộng có 27.204 noãn đã được đưa vào nghiên cứu phân tích tổng hợp. Trong đó, 15 nghiên cứu so sánh các hệ thống thủy tinh hóa hở với noãn tươi, 4 nghiên cứu so sánh hệ thống thủy tinh hóa kín với noãn tươi và 5 nghiên cứu so sánh hai hệ thống thủy tinh hóa kín so với hở.
Khi so sánh tỷ lệ thụ tinh của noãn MII, nhóm bệnh nhân sử dụng noãn tươi cho tỷ lệ thụ tinh cao hơn noãn đông lạnh ở cả 2 phương pháp thủy tinh hóa. So sánh hai hệ thống thủy tinh hóa về tỷ lệ sống của noãn sau rã đông, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê nào được quan sát thấy. Tuy nhiên, tỷ lệ phôi phân chia và phôi nang từ những noãn đã thụ tinh có 2 tiền nhân (2PN) thấp hơn so với các noãn tươi trên nhóm trữ bằng hệ thống thủy tinh hóa hở, đồng thời khi so sánh các hệ thống thủy tinh hóa kín với noãn tươi không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
Thủy tinh hóa cho thấy bảo quản lạnh hiệu quả hơn về cả lý do y tế và xã hội. Do đó, tính hữu dụng của nó không thể tranh cãi. Cả hai hệ thống thủy tinh hóa noãn hở và kín đều có tác động đến chất lượng noãn và quá trình hình thành phôi. Việc lựa chọn các hệ thống thủy tinh hóa hở hay kín tùy thuộc vào quyết định của mỗi trung tâm hỗ trợ sinh sản và các yếu tố chủ quan, khách quan khác.

Tóm lại, các hệ thống thủy tinh hóa kín dường như ít tác động bất lợi hơn đến chức năng của noãn, tỷ lệ hình thành phôi nang cao hơn. Đồng thời, việc sử dụng các thiết bị kín để ngăn ngừa và hạn chế lây nhiễm chéo trong quá trình bảo quản lạnh có thể được cân nhắc sử dụng. Bằng chứng về tính ưu việt của một hệ thống so với hệ thống khác có thể dẫn đến tiêu chuẩn hóa, giúp cuối cùng xác định thực hành tối ưu trong thủy tinh hóa noãn.
 
Nguồn: Pantos, K.; Maziotis, E.; Trypidi, A.; Grigoriadis, S.; Agapitou, K.; Pantou, A.; Nikolettos, K.; Kokkini, G.; Sfakianoudis, K.; Pomeroy, K.O.; et al. The Effect of Open and Closed Oocyte Vitrification Systems on Embryo Development: A Systematic Review and Network Meta-Analysis. J. Clin. Med. 202413, 2651.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK