Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 03-09-2024 2:53pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trần Tiến Ninh, Ths. Lê Thị Bích Phượng – Olea Fertility Nha Trang - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang
 
Giới thiệu
Vô tinh không do tắc (Non-obstructive azoospermia - NOA) là dạng vô sinh nam nghiêm trọng nhất, đặc trưng bởi việc tinh hoàn không có khả năng sản xuất tinh trùng trưởng thành. Ứng dụng kỹ thuật vi phẫu ly trích tinh trùng từ tinh hoàn (Microdissection testicular sperm extraction – micro-TESE) trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản được báo cáo lần đầu tiên vào năm 1999 bởi Schlegel đã cho thấy tiềm năng lớn trong việc điều trị cho bệnh nhân NOA.
 
So với nam giới có tinh trùng bình thường, bệnh nhân NOA có tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ thai thấp hơn đáng kể khi sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn cho chu kỳ tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intra-Cytoplasmic Sperm Injection - ICSI). Việc sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn có thể làm giảm tỉ lệ thụ tinh sau ICSI do tinh trùng chưa trưởng thành, hoặc thất bại thụ tinh do tinh trùng không thể hoạt hóa noãn. Trong trường hợp này, các phương pháp hỗ trợ hoạt hóa noãn (Assisted oocyte activation - AOA) được áp dụng nhằm mục đích làm tăng Ca2+ nhân tạo trong bào tương noãn. Hiện tại, Ca2+ ionophores như ionomycin và calcimycin đang được ứng dụng rộng rãi để hoạt hóa noãn và đã được báo cáo thành công trên những bệnh nhân vô sinh có tỉ lệ thụ tinh kém, thất bại thụ tinh và vô sinh do yếu tố nam nặng.
 
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh AOA có thể cải thiện tỉ lệ thụ tinh ở những bệnh nhân có tinh trùng dị dạng đầu, có ít nhất một lần thất bại thụ tinh và tỉ lệ thụ tinh kém (<30%) trong chu kỳ ICSI. Một số trung tâm sinh sản cũng đã phát hiện rằng AOA có thể cải thiện chất lượng phôi sau khi ICSI bằng tinh trùng thu nhận từ mào tinh ở bệnh nhân vô tinh do tắc. Tuy nhiên, làm thế nào để lựa chọn tinh trùng từ micro-TESE cho ICSI và liệu AOA có cần thiết sau khi tiêm tinh trùng di động/bất động từ tinh hoàn hay không vẫn chưa được nghiên cứu rộng rãi. Do đó, Xi Zhang và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả của AOA lên kết quả điều trị và kết quả trẻ sơ sinh ở những bệnh nhân NOA thực hiện micro TESE- ICSI, với mục đích cung cấp thêm thông tin cho việc lựa chọn tinh trùng và sử dụng phương pháp phù hợp cho những bệnh nhân này.
 
Phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 12 năm 2020 trên 235 bệnh nhân NOA được thu nhận tinh trùng bằng phương pháp micro-TESE. Tổng cộng có 331 chu kỳ ICSI, được chia thành 3 nhóm: nhóm 1 gồm các chu kỳ tiêm tinh trùng di động và thực hiện AOA để ngăn thụ tinh kém (129 chu kỳ). Nhóm 2 là các chu kỳ tiêm tinh trùng di động không thực hiện AOA (101 chu kỳ), và nhóm 3 là các chu kỳ tiêm tinh trùng bất động có thực hiện AOA (101 chu kỳ).
 
Kết quả
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm 1 có tỉ lệ thụ tinh (72,77% so với 67,59%, p = 0,005) và tỉ lệ thụ tinh 2PN (64,33% so với 60,22%, p = 0,036) cao hơn so với nhóm 2. Tỉ lệ thụ tinh 1PN (7,49% so với 5,89%, p = 0,117), tỉ lệ thụ tinh đa PN (0,94% so với 1,47%, p = 0,218), tỉ lệ phôi hữu dụng (41,29% so với 40,74%, p = 0,817), tỉ lệ phôi tốt (13,44% so với 15,44%, p = 0,265) và tỉ lệ chu kỳ không có phôi chuyển (10,85% so với 9,90%, p = 0,815) không có sự khác biệt giữa hai nhóm.
 
So với nhóm 2, nhóm 3 có tỉ lệ thụ tinh (78,56% so với 67,59%, p = 0,000), tỉ lệ thụ tinh 2PN (67,36% so với 60,22%, p = 0,001) và tỉ lệ chu kỳ không có phôi chuyển (23,76% so với 9,90%, p = 0,008) cao hơn. Tuy nhiên, tỉ lệ phôi hữu dụng (26,63% so với 40,74%, p = 0,000) và tỉ lệ phôi tốt (6,99% so với 15,44%, p = 0,000) thấp hơn so với nhóm 2.
 
Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ chuyển phôi nang (24,37%; 24,84% và 19,20%; p = 0,464), tỉ lệ làm tổ (34,87%; 31,85% và 28,00%; p = 0,408), tỉ lệ thai lâm sàng (43,87%; 41,00% và 34,48%; p = 0,360) và tỉ lệ sinh sống (36,13%; 40,00% và 27,59%; p = 0,194) giữa 3 nhóm. Tuy nhiên, ở nhóm 3 có tỉ lệ sẩy thai cao hơn so với nhóm 2 (20,00% so với 2,44%, p = 0,014).
 
Thảo luận
Trong nghiên cứu này, không có sự khác biệt có ý nghĩa về tỉ lệ phôi hữu dụng, tỉ lệ phôi tốt, tỉ lệ chuyển phôi nang, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ sinh sống giữa bệnh nhân được tiêm tinh trùng di động có và không thực hiện AOA. Hơn nữa, so với nhóm tinh trùng bất động, ICSI bằng tinh trùng di động có số lượng phôi hữu dụng và phôi tốt cao hơn và khả năng không có phôi để chuyển thấp hơn. Do đó, nhóm tác giả đề xuất không cần thực hiện AOA sau khi ICSI nếu sử dụng tinh trùng di động từ micro-TESE.
 
Trong trường hợp những bệnh nhân NOA chỉ có tinh trùng bất động, sau khi thực hiện AOA, tỉ lệ thụ tinh 2PN cao hơn có ý nghĩa thống kê so với những bệnh nhân được tiêm tinh trùng di động không AOA. Tuy nhiên, tỉ lệ phôi hữu dụng và phôi tốt thấp hơn so với nhóm bệnh nhân có tinh trùng di động. Ngoài ra, tỉ lệ không có phôi để chuyển vẫn còn cao. Mặc dù chất lượng phôi của bệnh nhân được tiêm tinh trùng bất động kết hợp AOA thấp hơn so với tiêm tinh trùng di động không AOA, nhưng có sự tương đương về tỉ lệ thai và tỉ lệ sinh sống giữa 2 nhóm. Hơn nữa, việc áp dụng AOA cho một số bệnh nhân NOA sử dụng tinh trùng di động/bất động, giúp cải thiện đáng kể tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ sinh sống. Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất nên thực hiện AOA cho những bệnh nhân ICSI bằng tinh trùng micro-TESE bất động.
 
Kết luận
Tóm lại, bệnh nhân NOA không cần thực hiện AOA sau khi tiêm tinh trùng di động từ micro-TESE, tỉ lệ thụ tinh 2PN có thể đạt 60,22%, trong khi tỉ lệ sinh sống có thể đạt 40%. Đối với trường hợp chỉ có tinh trùng bất động với hình dạng bình thường, có thể được sử dụng ICSI kết hợp với AOA. Bằng cách này, tỉ lệ sinh sống có thể đạt 27,59%, và không khác biệt có ý nghĩa thống kê so với tiêm tinh trùng di động và tỉ lệ thụ tinh 2PN có thể đạt 67,36%. Nhưng cần lưu ý rằng, có sự gia tăng đáng kể tỉ lệ sẩy thai sau khi thực hiện AOA đối với trường hợp sử dụng tinh trùng di động và bất động.
 
Nguồn: Zhang X, Li L, Zhang W, Luo Y, Mao Y, Du H, Li L. Embryo development and live birth resulted from artificial oocyte activation after microdissection testicular sperm extraction with ICSI in patients with non-obstructive azoospermia. Front Endocrinol (Lausanne). 2023 Feb 21; 14:1123541.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK