Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 22-08-2024 2:11am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Đặng Ngọc Minh Thư IVF Tâm Anh
 
Tổng quan
Thất bại làm tổ nhiều lần (Recurrent implantation failure - RIF) được định nghĩa là bệnh nhân không có thai lâm sàng sau khi chuyển ít nhất ba phôi chất lượng tốt trong ba chu kỳ chuyển phôi tươi hoặc trữ lạnh (FET) ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến RIF, bao gồm: lối sống không lành mạnh (hút thuốc, béo phì), chất lượng phôi kém (đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi), huyết khối, các yếu tố liên quan đến tử cung (dị tật tử cung bẩm sinh, polyp nội mạc tử cung, u xơ, dính buồng tử cung), và nhiều nguyên nhân khác. Bệnh nhân RIF thường không thể thụ thai mặc dù đã khám lâm sàng rộng rãi và áp dụng tất cả các phương pháp điều trị có thể, điều này đặt ra thách thức lâm sàng.
 
Nghiên cứu này tiến hành nghiên cứu lợi ích của việc nuôi cấy kéo dài sau khi rã đông ở nhóm bệnh nhân RIF bằng cách so sánh ba chiến lược FET: chuyển phôi trữ ngày 3 (D3) (nhóm FET D3), chuyển phôi trữ ngày 5 (D5) (nhóm D5 FET), và chuyển phôi nang D5 nuôi lên từ phôi rã đông D3 (nhóm FET D3-D5).
 
Vật liệu và phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu về các cặp vợ chồng vô sinh đã thực hiện chu kỳ chuyển phôi trữ tại Trung tâm Maternal và Child Health Care, Trung Quốc từ tháng 1/2018 đến tháng 8/2020. Tiêu chí lựa chọn bao gồm: tuổi mẹ <38 tuổi, thất bại sau hơn ba lần liên tiếp chuyển phôi chất lượng tốt trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), và độ dày nội mạc tử cung ≥8 mm vào ngày chuyển phôi (ET).

Tổng cộng, 276 chu kỳ FET đã được thực hiện trên những bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí trên. Có 58 chu kỳ nuôi cấy kéo dài phôi rã đông D3, nhưng 10 chu kỳ bị huỷ do thất bại hình thành phôi nang. Nghiên cứu phân thành 3 nhóm, trong đó có 52 chu kỳ FET D3, 166 chu kỳ FET D5, và 48 chu kỳ FET D3-D5.
Phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm SPSS (phiên bản 25.0).

Kết quả
Nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ sống của phôi (phôi sống sau rã đông) và tỉ lệ sống nguyên của phôi ở nhóm FET D5 cao hơn nhóm FET D3 và FET D3-D5 (lần lượt 100% so với 95,3% và 95,0%; 99,2% so với 95,3% và 86,2%). Không có sự khác biệt về các tỉ lệ nói trên giữa hai nhóm FET D3 và FET D3-D5. Nhóm FET D3 cho thấy tỉ lệ phôi tốt sau rã đông cao hơn nhóm FET D3-D5 và FET D5 (50,6% so với 43,7% và 40,9%). Tỉ lệ phôi sử dụng sau rã và tỉ lệ phôi chuyển được ghi nhận thấp nhất ở nhóm FET D3-D5, chỉ có 44,5% phôi D3 rã đông có thể sử dụng sau khi nuôi đến phôi nang D5 và chỉ 28,6% phôi được chuyển vào nhóm này. Ngược lại, tỉ lệ phôi sử dụng sau rã (100%) và phôi chuyển (100%) cao nhất ở nhóm FET D5.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm FET D3-D5 có kết quả mang thai cao hơn nhóm FET D3 và FET D5, dựa trên các tiêu chí: tỉ lệ beta HCG dương (62,07% so với 50% và 62,05%; p<0,05), tỉ lệ làm tổ (57,35% so với 24,35% và 39,68%; p<0,05), tỉ lệ thai lâm sàng (66,67% so với 38,46% và 53,01%; p<0,05), tỉ lệ trẻ sinh sống (52,08% so với 26,92% và 45,95%; p<0,005). Ngoài ra, tỉ lệ đa thai ở nhóm FET D3-D5 cao hơn nhóm  FET D3 và FET D5 (12,5% so với 0% và 9,04%).
 
Phân tích hiệu quả điều trị của ba chiến lược FET cho thấy, nhóm FET D3-D5 có tỉ lệ beta HCG dương và tỉ lệ trẻ sinh sống cao hơn đáng kể so với nhóm FET D3 (62,07% so với 50%; p<0,05 và 43,10% so với 26,92%; p<0,05). Nhóm FET D3-D5 và FET D5 có kết quả mang thai tương tự nhau dựa trên các tiêu chí: tỉ lệ beta HCG dương (62,07% và 62,05%), tỉ lệ thai lâm sàng (55,17% và 53,01%) và tỉ lệ trẻ sinh sống (43,10% và 45,95%).
 
Bàn luận
Kết quả nghiên cứu hồi cứu cho thấy so với FET D3, chiến lược FET D3-D5 cải thiện tỉ lệ beta HCG dương và tỉ lệ trẻ sinh sống. Ngoài ra, FET D3-D5 có tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ trẻ sinh sống tương đương FET D5. Từ kết quả nghiên cứu gợi ý rằng, nuôi cấy kéo dài phôi D3 sau rã đông là chiến lược FET tối ưu cho bệnh nhân RIF. Tuy nhiên, nghiên cứu nhận thấy một số bệnh nhân trong nhóm FET D3-D5 bị huỷ chu kỳ FET do phôi D3 sau rã đông không phát triển thành phôi nang D5. 
 
Nghiên cứu này có một số hạn chế. Đầu tiên, đây là một nghiên cứu hồi cứu của một trung tâm, cần có các nghiên cứu và thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng để xác nhận thêm phát hiện của nghiên cứu này. Thứ hai, cỡ mẫu nhỏ so với các nghiên cứu trước đây. Thứ ba, nghiên cứu chỉ tập trung vào các chu kỳ FET, các phương pháp khác nhau được sử dụng để chuẩn bị nội mạc tử cung có thể sai lệch.
 
Tóm lại, việc nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang từ phôi D3 trữ lạnh được khuyến nghị cho nhóm bệnh nhân RIF. Tuy nhiên, chiến lược này có thể huỷ bỏ chu kỳ vì nguy cơ không có phôi nang, cần tư vấn bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
 
Nguồn: Li X, Zeng Y, He J, Luo B, Lu X, Zhu L, Yang Z, Cai F, Chen SA, Luo Y. The optimal frozen embryo transfer strategy for the recurrent implantation failure patient without blastocyst freezing: thawing day 3 embryos and culturing to day 5 blastocysts. Zygote. 2023 Dec;31(6):596-604. doi: 10.1017/S0967199423000503. Epub 2023 Nov 16. PMID: 37969109.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK