Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 22-08-2024 2:03am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Đặng Ngọc Minh Thư IVF Tâm Anh

Tổng quan
Vô sinh do rối loạn chức năng sinh sản là một vấn đề phổ biến, được định nghĩa là không có thai sau một năm giao hợp mà không sử dụng biện pháp tránh thai. Hiện nay, nhu cầu sinh sản của các cặp vợ chồng ngày càng tăng, thúc đẩy sự phát triển của nhiều kỹ thuật khác nhau trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.
 
Chuyển phôi thường được thực hiện ở giai đoạn phân chia vào ngày 2-3 sau thụ tinh, hoặc giai đoạn phôi nang vào ngày 5-6. Việc chuyển phôi chậm từ ngày thứ 2 sang ngày thứ 3 cho phép phôi phát triển nhiều hơn trong ống nghiệm và có thể ảnh hưởng tích cực đến kết quả thai kỳ. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho rằng nuôi cấy phôi kéo dài có thể dẫn đến một số phôi không thể bước vào giai đoạn phôi nang. Vì vậy, cần có nhiều nghiên cứu hồi cứu và tiến cứu để xác định xem việc chuyển phôi ngày 2,3 hay 5 có khác biệt về kết quả mang thai hay không. Bài nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá kết quả mang thai của việc chuyển phôi tươi ở các giai đoạn phát triển phôi khác nhau.
 
Vật liệu và phương pháp
Nghiên cứu thực hiện trên 1246 phụ nữ có độ tuổi từ 20 đến 43 thực hiện chu kỳ IVF/ICSI từ tháng 7/2013 đến tháng 12/2020 tại Bệnh viện Ganjavian, Iran. Các chu kỳ chuyển phôi tươi được chia thành 4 nhóm dựa trên các giai đoạn phát triển của phôi: nhóm phôi ngày 2 (nhóm 1), nhóm phôi ngày 3 (nhóm 2), nhóm phôi ngày 4 (nhóm 3) và nhóm phôi ngày 5-6 (nhóm 4). Những bệnh nhân bất thường về tử cung, hội chứng nang trống (Empty follicle syndrome - EFS), phôi không phát triển, ≥3 lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại bị loại khỏi nghiên cứu này.
Phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm SPSS (phiên bản 25.0).
Kết quả
Tổng cộng 1246 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu, trong đó có 355 thuộc nhóm 1 (28,5%), 571 nhóm 2 (45,8%) , 191 nhóm 3 (15,3%) và 129 nhóm 4 (10,4%).
 
Không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm về tuổi nam và nữ, thời gian vô sinh, nguyên nhân vô sinh, tần suất chu kỳ IVF/ICSI và độ dày nội mạc tử cung. Những nguyên nhân dẫn đến vô sinh là yếu tố nam (n=426), yếu tố nữ (n=446), không rõ nguyên nhân (n=42), yếu tố nam và nữ (n=332). Các yếu tố liên quan đến nữ bao gồm yếu tố buồng trứng (n=107), buồng trứng đa nang (n=267), ống dẫn trứng (n=32), vô kinh vùng dưới đồi (n=40).
 
Theo kết quả nghiên cứu từ 2437 phôi, có 1175 phôi loại A (48,2%), 703 phôi loại B (28,8%), 480 phôi loại C (19,7%) và 79 phôi loại D (3,3%). Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ mang thai sinh hoá và tỉ lệ thai lâm sàng giữa các nhóm với p=0,96, p=0,89. Tỉ lệ thai diễn tiến và tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm 3 và 4 thấp hơn so với nhóm 1 và 2. Cụ thể, tỉ lệ thai diễn tiến nhóm 3, 4 là 14,1% và 14% so với 17,4% và 20,1% nhóm 1, 2; tỉ lệ trẻ sinh sống là 1à 14,1% và 14% so với 19,1% và 20% nhóm 1, 2, tuy nhiên khác biệt này không mang ý nghĩa thống kê với p=0,78 và p=0,4 tương ứng. Không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ đa thai giữa các nhóm (p=0,19). Kết quả cho thấy tỉ lệ sảy thai cao nhất ở nhóm 3, mặc dù tỉ lệ này không khác biệt đáng kể so với các nhóm khác (p=0,54).
 
Bàn luận
Những phát triển gần đây trong nuôi cấy phôi đã dẫn đến sự thay đổi trong IVF từ chuyển phôi giai đoạn phân chia đến chuyển phôi ở giai đoạn phôi nang. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, không có mối tương quan giữa kết quả mang thai và các giai đoạn phát triển của phôi trong chu kỳ chuyển phôi. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tỉ lệ thai diễn tiến và tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm phôi ngày 4 và ngày 5-6 thấp hơn so với nhóm phôi ngày 2 và ngày 3, mặc dù sự khác biệt không đáng kể. 
 
Tóm lại, chuyển phôi tươi ở giai đoạn phôi phân chia và phôi nang không có tác động tích cực hay tiêu cực đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu tương tự với cỡ mẫu lớn hơn để đánh giá quá trình chuyển phôi ở các giai đoạn phát triển khác nhau, kết quả mang thai và kết quả chu sinh.

Nguồn: Mahsa Poormoosavi S, Amin Behmanesh M, Aryannejad S, Janati S. Fresh embryo transfer in the cleavage and blastocyst stages and pregnancy outcomes: A retrospective cross-sectional study. Int J Reprod Biomed. 2023 May 12;21(5):425-432. doi: 10.18502/ijrm.v21i5.13477. PMID: 37362096; PMCID: PMC10285195.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK