Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 13-08-2024 4:22am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Phan Thị Ngọc Linh – IVFMD TÂN BÌNH
 
  1. Giới thiệu:
Tuổi mẹ là yếu tố tiên lượng quan trọng đối với khả năng sinh con bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Tuổi mẹ càng cao thì số lượng noãn thu được càng thấp và tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể càng cao. Mặc dù khả năng sinh sản giảm theo tuổi, nhưng xu hướng gần đây lại cho thấy ngày càng nhiều phụ nữ trì hoãn việc sinh con đến sau 35 tuổi vì nhiều lý do cá nhân, tài chính và nghề nghiệp. Việc lập gia đình muộn có thể dẫn đến nhiều hậu quả, bao gồm khó thụ thai hoặc vô sinh, không đạt được số con mong muốn và các biến chứng thai kỳ.
Đông lạnh noãn tự thân là một phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản phổ biến và hiệu quả, cho phép phụ nữ có thể trì hoãn sinh con mà vẫn giữ được cơ hội có con di truyền của mình trong tương lai. Các nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ phôi bình thường và tỷ lệ mang thai từ noãn đông lạnh tương đương với noãn tươi. Hơn nữa, một nghiên cứu gần đây về bệnh nhân đông lạnh noãn ở độ tuổi trung bình 38 tuổi và sau đó quay lại rã đông noãn trong vòng 4 năm sau đó đã báo cáo tỷ lệ trẻ sinh sống là 39% - tương đương với dữ liệu IVF cùng độ tuổi từ cơ sở dữ liệu quốc gia SART. Đáng chú ý, nghiên cứu này báo cáo tỷ lệ sinh sống là 70% ở những bệnh nhân đông lạnh noãn ở độ tuổi dưới 38 (ít nhất 20 trứng giai đoạn MII), không có mối liên quan giữa thời gian bảo quản và tỷ lệ trẻ sinh sống từ noãn đông lạnh.
Khái niệm bảo tồn khả năng sinh sản và đông lạnh noãn dựa trên ý tưởng rằng tuổi của noãn được giữ nguyên ở thời điểm lấy trứng và giả định rằng tuổi mẹ tại thời điểm chuyển phôi không ảnh hưởng đến tỷ lệ trẻ sinh sống. Tuy nhiên, có những tranh cãi từ các chu kỳ chuyển phôi hiến tặng cho thấy tác động của lão hóa tử cung đối với kết quả chu kỳ. Các nghiên cứu này báo cáo rằng, khả năng hỗ trợ quá trình làm tổ và phát triển của phôi ở tử cung giảm dần và cho thấy khả năng tiếp nhận của tử cung liên quan đến tuổi tác. Các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ sinh sống thấp hơn sau chuyển phôi bình thường ở phụ nữ trên 35 tuổi và tỷ lệ mang thai giảm ở người nhận noãn hiến tặng trên 40 tuổi. Tuy nhiên, các báo cáo khác lại không tìm thấy mối liên quan giữa tuổi mẹ và khả năng tiếp nhận của tử cung. Các nghiên cứu chức năng đã báo cáo những thay đổi về chức năng tử cung ở phụ nữ lớn tuổi, một số trong số đó liên quan đến những thay đổi về sức khỏe của bệnh nhân cũng xảy ra theo tuổi và có liên quan đến nhóm bệnh nhân trì hoãn mang thai. Mặc dù nghiên cứu đã tìm cách hiểu tác động của khả năng tiếp nhận tử cung liên quan đến tuổi tác bằng cách đánh giá bệnh nhân hiến tặng noãn và IVF, nhưng tác động của tuổi mẹ tại thời điểm chuyển phôi sau đông lạnh noãn vẫn chưa được biết. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu đặc biệt quan trọng vì hầu hết phụ nữ thực hiện đông lạnh noãn dự định trì hoãn sinh con cho đến khi họ đạt đến độ tuổi cao. Liệu có mối quan hệ tiêu cực nào giữa khả năng tiếp nhận của tử cung và tuổi tác, thì tuổi chuyển phôi có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân đông lạnh noãn hay không. Vì thế mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá xem tuổi mẹ tại thời điểm chuyển phôi sau đông lạnh noãn có liên quan đến tỷ lệ sinh sống hay không.
 
  1. Phương pháp
Một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện đối với tất cả các bệnh nhân đã rã đông noãn tự thân và sau đó được chuyển phôi trữ đơn phôi nguyên bội (single frozen euploid embryo transfer - STEET) với phôi được tạo ra từ noãn đã rã đông từ ngày 1 tháng 1 năm 2011 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 tại Trung tâm sinh sản Langone của Đại học New York.
Tiêu chí:
  • Tiêu chuẩn loại:
  • Noãn đông lạnh dưới 1 năm
  • Phôi khảm, phôi lệch bội hoặc phôi chưa sinh thiết
  • Noãn được bảo quản bằng phương pháp đông lạnh chậm
  • Chuyển phôi tươi
Mỗi bệnh nhân rã đông trứng tự thân được ghép ngẫu nhiên với hai bệnh nhân IVF đã trải qua STEET đông lạnh từ ngày 1 tháng 1 năm 2011 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo độ tuổi. Loại trừ các STEET từ các noãn không tự thân hoặc noãn đã đông lạnh trước đó, các STEET có phôi khảm, dị bội hoặc chưa được sinh thiết, các chu kỳ chuyển phôi tươi và các STEET xảy ra sau hơn 1 năm kể từ khi chọc hút.
 
  1. Kết quả:
Tổng cộng có 169 bệnh nhân rã đông noãn được ghép với 338 bệnh nhân IVF. Độ tuổi trung bình khi chuyển phôi là 42,5 tuổi (dao động từ 32,3–52,3 tuổi) ở bệnh nhân rã noãn và 37,6 tuổi (dao động từ 29,3–43,8 tuổi) ở nhóm đối chứng IVF.
Tỉ lệ phôi tốt của nhóm đối chứng là 73% cao hơn đáng kể so với nhóm bệnh nhân sử dụng noãn rã 52% (p < 0,001). Kết quả chuyển phôi cũng có sự khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm bệnh nhân. Tỉ lệ làm tổ (implantation rate – IR) và tỉ lệ trẻ sinh sống (live birth rate – LBR) của nhóm đối chứng lần lượt là 77% và 67%, cao hơn đáng kể so với nhóm sử dụng noãn rã là 66% và 59% (p < 0,05). Tỉ lệ sảy thai (spontaneous abortions rate – SABR) không có sự khác biệt giữa 2 nhóm (p > 0,57).
Khi xét riêng nhóm bệnh nhân sử dụng noãn rã và phân chia theo 4 nhóm tuổi (< 40 tuổi, 40–42 tuổi, 42,1 đến 44 tuổi và ≥ 44 tuổi), kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào về IR (p  = 0,18), SABR (p  = 0,12) hoặc LBR (p  = 0,24). Phân tích đơn biến so sánh độ tuổi lấy noãn (< 37 tuổi so với ≥ 37 tuổi) cũng cho thấy độ tuổi chuyển phôi không liên quan đến IR, SABR hoặc LBR trong bốn nhóm tuổi chuyển phôi.
 
  1. Thảo luận:
Nghiên cứu này đánh giá mối liên hệ giữa tuổi tác khi chuyển phôi và kết quả sau khi trữ noãn. Kết quả cho thấy tuổi tác không ảnh hưởng đến LBR sau khi chuyển phôi từ noãn trữ. Điều này cho phép phụ nữ có thể quay lại thực hiện quá trình chuyển phôi khi sẵn sàng sinh con. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chất lượng phôi từ noãn trữ thấp hơn so với noãn tươi. Do đó, cần tư vấn kỹ cho phụ nữ về lợi ích và hạn chế của việc trữ noãn.
Mặc dù tuổi tác không ảnh hưởng đến LBR, nhưng tuổi mẹ cao vẫn liên quan đến nhiều rủi ro trong thai kỳ. Phụ nữ nên được tư vấn về những rủi ro này và có thể cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa sản trước khi chuyển phôi ở độ tuổi từ 45 trở lên. Nghiên cứu này có những hạn chế như số lượng mẫu nhỏ, thiết kế hồi cứu và thời gian nghiên cứu dài. Cần thêm nghiên cứu với mẫu lớn hơn để xác định rõ hơn ảnh hưởng của tuổi tác đến tỷ lệ sinh sống tích lũy.
  1. Kết luận:
Tuổi mẹ tại thời điểm chuyển phôi sau trữ noãn không ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh sống. Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá mối liên hệ này. Kết quả cho thấy tử cung ở phụ nữ lớn tuổi không làm giảm LBR sau trữ noãn, giúp phụ nữ tự tin hơn khi quyết định thời điểm quay lại thực hiện quá trình chuyển phôi.

TLTK: Barrett, F.G., Cascante, S.D., McCulloh, D. et al. Maternal age at transfer following autologous oocyte cryopreservation is not associated with live birth rates. J Assist Reprod Genet (2024). https://doi.org/10.1007/s10815-024-03149-y

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK