Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 04-08-2024 6:04am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Phan Thị Ngọc Linh – IVFMD Tân Bình

  1. Giới thiệu:
Vô sinh là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ảnh hưởng đến mọi người trên toàn thế giới. Mỗi năm, có 12,7% phụ nữ Mỹ trong độ tuổi sinh sản tìm kiếm sự hỗ trợ về vấn đề vô sinh. Tuổi cao là một yếu tố nguy cơ không thể phòng ngừa được. Ngoài tuổi tác, một số yếu tố môi trường và lối sống có thể thay đổi được như hút thuốc, dinh dưỡng và béo phì, tuy nhiên vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm.

Chức năng sinh sản của phụ nữ được điều hòa bởi một số hormone sinh dục theo nhịp sinh học của cơ thể. Ngủ đủ giấc là điều cần thiết để duy trì nhịp sinh học bình thường. Ngày càng nhiều người làm việc theo ca vào buổi đêm, điều này có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Những ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ có thể phân thành ba loại: buồn ngủ quá mức (chứng mất ngủ), ngủ không đủ giấc (mất ngủ, hội chứng ngủ không đủ giấc, rối loạn nhịp sinh học) và chất lượng giấc ngủ kém (rối loạn nhịp thở khi ngủ, chứng mất ngủ, rối loạn vận động). Trong đó, rối loạn giấc ngủ là nhóm có nguy cơ cao nhất. Rối loạn giấc ngủ có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, thần kinh nội tiết và tim mạch dẫn đến rối loạn hệ nội tiết và do đó làm tăng nguy cơ bất thường của trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (HPA), dẫn đến vô sinh, sẩy thai sớm, phôi không làm tổ và vô kinh. Tuy nhiên ít ai biết được rối loạn giấc ngủ có liên quan chặt chẽ đến khả năng sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản như thế nào.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive sleep apnea syndrome - OSAS) là một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến. OSAS đã được báo cáo là có liên quan đến rối loạn sinh sản như PCOS. Một số nghiên cứu gần đây từ các quốc gia khác nhau đã báo cáo sự phổ biến của OSAS trong cộng đồng. Các nghiên cứu từ Hy Lạp cho thấy tỷ lệ mắc OSAS dao động từ 6,3% đến 26,8%. Các nghiên cứu từ Síp và Lebanon cũng báo cáo nguy cơ mắc OSAS lần lượt là 12,3% và 31%. Các nghiên cứu ở Hoa Kỳ, cũng cho thấy 21% phụ nữ có nguy cơ cao mắc OSAS. Tương tự, các nghiên cứu từ Thụy Điển, Na Uy và tổng quan hệ thống đã báo cáo tỷ lệ mắc OSAS dao động từ 23% đến 38% và xác nhận rằng tuổi càng lớn đi kèm với chỉ số khối cơ thể càng cao thì nguy cơ càng cao. Mục đích của bài báo này là đánh giá mối liên quan giữa rối loạn giấc ngủ và vô sinh ở nhóm bệnh nhân vô sinh ở Hoa Kỳ trong độ tuổi sinh sản.
  1. Phương pháp
Dữ liệu về rối loạn giấc ngủ và tiền sử sinh sản được lấy từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia năm 2013–2018. Những phụ nữ tham gia vào nghiên cứu có độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Các mô hình hồi quy tuyến tính đa biến có trọng số và phân tích phân tầng theo độ tuổi, người hút thuốc và bảng câu hỏi sức khỏe bệnh nhân-9 (patient health questionnaire-9 - PHQ-9) đã được tiến hành để ước tính ảnh hưởng của rối loạn giấc ngủ đối với vô sinh nữ.
  1. Kết quả
Trong số 1820 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, có 248 người bị vô sinh và 430 người bị rối loạn giấc ngủ. Hai mô hình hồi quy có trọng số cho thấy rối loạn giấc ngủ là một yếu tố nguy cơ độc lập gây vô sinh. Sau khi điều chỉnh các biến (tuổi, chủng tộc/dân tộc, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, thu nhập, chỉ số khối cơ thể (BMI), chu vi vòng eo, điểm PHQ-9, người hút thuốc, người uống rượu và số giờ ngủ), nguy cơ vô sinh ở những người bị rối loạn giấc ngủ cao gấp 2,14 lần so với những người không mắc chứng này. Phân tích phân tầng sâu hơn vẫn thấy mối liên hệ giữa rối loạn giấc ngủ với nguy cơ vô sinh và nguy cơ cao hơn đặc biệt ở phụ nữ vô sinh ở độ tuổi 40–44, có điểm PHQ-9 lớn hơn 10.
  1. Thảo luận
Hiện tại, những nghiên cứu liên quan đến rối loạn giấc ngủ và vô sinh còn hạn chế, cũng như ít thông tin về mức độ và cơ chế mà giấc ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến vô sinh thông qua ba con đường. Đầu tiên, hoạt động bất thường của trục HPA có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi hormone sinh dục và sự tiết melatonin, cũng như làm giảm khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung. Những thay đổi này có thể làm gián đoạn các giai đoạn quan trọng như kinh nguyệt, sự rụng trứng, sự làm tổ hay sự phát triển của bánh nhau. Thứ hai, chứng rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến sinh sản bằng cách ức chế hoặc tăng hormone sinh dục và phản ứng viêm. Thứ ba, rối loạn giấc ngủ cản trở khả năng sinh sản thông qua rối loạn nhịp sinh học, liên quan đến việc thay đổi thời điểm tiết hormone sinh dục và gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản. Nghiên cứu liên quan đến tác động của rối loạn giấc ngủ đến khả năng sinh sản của phụ nữ chủ yếu tập trung vào phụ nữ mắc PCOS, đây được coi là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh nữ. Một hướng dẫn thực hành lâm sàng về PCOS đã tuyên bố rằng khi đánh giá phụ nữ mắc PCOS, nên loại trừ OSAS. OSAS được cho là góp phần gây ra những bất thường về chuyển hóa của PCOS. Cả OSAS và thời gian ngủ ngắn đều có thể là yếu tố gây sẩy thai ở phụ nữ. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng 5% phụ nữ vô sinh được chẩn đoán mắc OSAS, trong khi 42% phụ nữ cho biết có nguy cơ cao mắc OSAS trong ít nhất một bảng câu hỏi OSAS (Berlin, SA-SDQ hoặc STOP). Ngoài ra, việc không quản lý hoặc điều trị OSAS có liên quan đến nguy cơ vô sinh cao hơn.

Một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu đã chứng minh rằng những phụ nữ vô sinh có thời gian ngủ giảm. Phụ nữ bị thất bại làm tổ tái phát và sẩy thai tái phát ngủ ít hơn mỗi ngày lần lượt là 53 phút và 36 phút so với những phụ nữ có khả năng sinh sản bình thường. Phụ nữ bị vô sinh do PCOS thường bị rối loạn giấc ngủ hơn những người vô sinh không rõ nguyên nhân, và phụ nữ mắc PCOS thường có thời gian ngủ dưới 6 giờ, thường xuyên ngáy và buồn ngủ.

Nghiên cứu này có những hạn chế cần phải lưu ý. Đầu tiên, nghiên cứu đã phân tích thông tin từ cơ sở dữ liệu có giới hạn về thu thập thông tin chi tiết về từng cá nhân như nguyên nhân và loại rối loạn giấc ngủ. Mặc dù bảng câu hỏi cung cấp một số chi tiết về rối loạn giấc ngủ, nhưng dữ liệu giữa các chu kỳ nhiều năm không thể được đối chiếu hoàn toàn do những thay đổi trong bộ câu hỏi. Thứ hai, nghiên cứu sử dụng thiết kế cắt ngang, do đó không thể rút ra mối liên hệ nhân quả giữa rối loạn giấc ngủ và vô sinh. Tóm lại, nghiên cứu này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa rối loạn giấc ngủ và vô sinh ở phụ nữ.

TLTK: Zhao J, Chen Q, Xue X. Relationship between sleep disorders and female infertility among US reproductive-aged women. Sleep Breath. 2023;27(5):1875-1882. doi:10.1007/s11325-023-02802-7

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK