Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 30-07-2024 9:16am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thu Hương – IVFMD Phú Nhuận
 
Giới thiệu: Phương pháp thuỷ tinh hoá với các cải tiến mới đã được nhiều trung tâm áp dụng thành công trong đông lạnh phôi. Đây là quá trình làm lạnh phôi với thời gian rất nhanh và nồng độ chất bảo quản cao để toàn bộ khối tế bào chuyển thành dạng rắn mà không có sự hình thành tinh thể đá. Trước khi thuỷ tinh hoá phôi được đánh giá hình thái thông qua hệ thống Gardner dựa trên độ nở rộng khoang phôi, kích thước và độ nén của khối tế bào nội mô (Inner cell mass-ICM), sự liên kết và số lượng tế bào lá nuôi (Trophectoderm-TE). Bên cạnh sử dụng hệ thống phân loại Gardner đã cho thấy mối tương quan giữa hình thái phôi nang với tỷ lệ làm tổ và mang thai, đồng thời giúp lựa chọn phôi có điểm số chất lượng cao nhất để chuyển nhằm giảm tỷ lệ đa thai. Tại cơ sở nghiên cứu này, người ta sử dụng thêm công cụ tính điểm số được phát triển từ dữ liệu nội bộ về quá trình làm tổ, mang thai và tỷ lệ trẻ sinh sống. Công cụ này hỗ trợ chuyên viên phôi học lựa chọn phôi dựa trên tổng số điểm và xếp hạng chất lượng. Cả hai hệ thống phân loại này đều đánh giá tiềm năng phát triển của phôi tại thời điểm đông lạnh. Sau khi rã đông, phôi sử dụng năng lượng của nó để tiếp tục phát triển và phân chia tế bào. Tuy nhiên, mức độ phục hồi và phân loại có thể thay đổi sau rã. Vì vậy nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu đánh giá liệu sự thay đổi điểm số về hình thái phôi sau khi rã có liên quan đến tỷ lệ thành công trong các chu kỳ chuyển phôi đơn với phôi nguyên bội hay không.

Phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện trên 4613 phụ nữ chuyển phôi đông lạnh nguyên bội từ tháng 9 năm 2016 đến tháng 4 năm 2022. Phôi được tính điểm bằng công cụ hỗ trợ dựa trên hệ thống phân loại Gardner để xếp hạng chất lượng hình thái phôi, nhằm lựa chọn phôi chuyển có tiềm năng làm tổ cao nhất. Những điểm số của phôi trước khi trữ lạnh và sau rã đông được so sánh theo sự thay đổi của bốn nhóm:
  • Nhóm 1: Phôi có cùng số điểm trước trữ lạnh và sau rã đông
  • Nhóm 2: Phôi sau rã đông có số điểm cao hơn trước khi trữ lạnh
  • Nhóm 3: Phôi sau rã đông có số điểm thấp hơn trước khi trữ lạnh
  • Nhóm 4: Phôi không tái nở rộng sau khi rã đông
Tỷ lệ thai sinh hoá, thai lâm sàng, sẩy thai, trẻ sinh sống được so sánh giữa các nhóm.

Kết quả: Tổng cộng 7750 chu kỳ chuyển phôi đơn với phôi nguyên bội đã được thực hiện bao gồm: 5331 ca nhóm 1 (68,7%), 486 ca nhóm 2 (6,3%), 1726 ca nhóm 3 (22,3%) và 207 ca nhóm 4 (2,7%)
  • Thời gian trung bình từ lúc rã, phân loại đến chuyển phôi giữa các nhóm 1,2,3 và 4 không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (4 giờ 34 phút so với 4 giờ 32 phút, 4 giờ 37 phút và 4 giờ 30 phút, p=0,410)
  • Điểm số phôi trước trữ lạnh ở nhóm 1,2,3 và 4 lần lượt là 3,57±1,17; 2,29±0,89; 3,62±1,12 và 2,37±1,37; p£ 0,0001. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về điểm số phôi giữa nhóm 1 và 2; nhóm 1 và 4. Tuy nhiên, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm 1 và 3 (p=0,683) hoặc nhóm 2 và 4 (p=0,998)
  • Phân tích đơn biến cho thấy tỷ lệ trẻ sinh sống có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm 1,2,3 và 4 (55,8% so với 51,4%; 47,5% và 26,6%; p£ 0,00001)
  • Phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy tỷ lệ trẻ sinh sống giảm đáng kể khi phôi bị hạ bậc với OR=0,70 (KTC 95%: 0,62–0,79; p£ 0,0001) hoặc khi phôi không tái nở rộng với OR=0,36 (KTC 95%: 0,26–0,51; p£ 0,0001) so với phôi không thay đổi số điểm. Mặt khác, phôi có điểm số cao hơn sau rã và phôi không thay đổi số điểm cho thấy tỷ lệ trẻ sinh sống tăng với OR=1,42 (KTC 95%: 1,14–1,76; p=0,002)
  • Tỷ lệ sảy thai giữa nhóm 1,2,3 và 4 không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (15,4% so với 17,5%; 18,1% và 22,5%; p=0,079)
Kết luận: Sự thay đổi chất lượng phôi sau rã đông là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của việc chuyển phôi. Nghiên cứu này cho thấy những phôi bị giảm chất lượng hoặc không phát triển trở lại ghi nhận tỷ lệ thai sinh hoá, thai lâm sàng và trẻ sinh sống trên mỗi lần chuyển phôi giảm. Phôi có chất lượng cải thiện hơn sau rã có tỷ lệ trẻ sinh sống cao nhất. Tuy nhiên, cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để đưa ra kết luận chính xác về mối tương quan này.

Nguồn: Bergin, K., Borenzweig, W., Roger, S., Slifkin, R., Baird, M., Lee, J., ... & Buyuk, E. (2024). Effect of postthaw change in embryo score on single euploid embryo transfer success rates. Fertility and Sterility.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK