Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 30-07-2024 2:24am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Lê Ngọc Quế Anh, ThS. Nguyễn Huyền Minh Thụy – IVFTA
 
Giới thiệu
Nuôi cấy phôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chuẩn bị giao tử (noãn, tinh trùng), môi trường nuôi cấy, đĩa nuôi cấy và phương pháp nuôi cấy. Trong những năm gần đây, có nhiều phương pháp được thực hiện để cải thiện chất lượng phôi nuôi cấy: nuôi cấy đơn bước hoặc liên tục; nuôi cấy đơn hoặc nhóm và gần đây nhất là nuôi cấy trong giếng nuôi microwell kết hợp với hệ thống theo dõi phôi liên tục. Một yếu tố quan trọng khác có lợi cho sự phát triển của phôi là thể tích môi trường nuôi cấy được sử dụng cho mỗi phôi còn được gọi là mật độ phôi.
 
Nuôi cấy nhóm, phôi có thể giao tiếp với nhau thông qua các yếu tố tín hiệu cận tiết như protein, lipid, sacarit, microRNA… giúp cải thiện chất lượng phôi. Tuy nhiên, nghiên cứu của Kleijkers SH và cộng sự (2016) cho thấy phôi có chất lượng kém tiết ra các sản phẩm dư thừa như amoni và các gốc tự do ảnh hưởng đến quá trình phát triển phôi nang, chất lượng phôi kém.
 
Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là so sánh giữa hai phương pháp nuôi cấy phôi là nuôi cấy đơn và nuôi cấy nhóm nhằm xác định phương pháp có tỉ lệ phôi nang cao hơn, chất lượng phôi nang tốt hơn.
 
Phương pháp
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng tháng 11 năm 2020 đến tháng 12 năm 2021 tại viện Bernabeu. Tiêu chí lựa chọn nghiên cứu gồm: không có bất thường về khoang tử cung, noãn tươi, tinh trùng tươi hoặc trữ có chất lượng bình thường (theo tiêu chuẩn WHO), sử dụng môi trường nuôi cấy liên tục đến ngày 5 và chỉ những chu kì có tối thiếu là 5 noãn thụ tinh. Dữ liệu được ghi nhận trên 830 phôi từ 103 trường hợp hiến noãn. Các hợp tử sau khi kiểm tra thụ tinh được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm. Nhóm 1: Nuôi cấy riêng lẻ (399 hợp tử), Nhóm 2: Nuôi cấy nhóm (431 hợp tử), trong đó 2-5 hợp tử (tùy theo số noãn thụ tinh) được nuôi cấy cùng một giọt môi trường nuôi cấy. Phôi được nuôi cấy trong các giọt môi trường thể tích 35µl, trong tủ cấy planer BT37 (CooperSurgical; Trumbull, CT, USA) hoặc tủ cấy benchtop (Cook Medical; Bloomington, IN, USA) với điều kiện 6% O2, 7%CO2, 370C và độ ẩm. Giai đoạn phôi nang ngày 5 được đánh giá dựa theo tiêu chuẩn Gardner, đồng thời tỉ lệ hình thành phôi nang, tỉ lệ phôi hữu dụng cũng được ghi nhận lại. Bên cạnh đó, tỉ lệ mang thai và tỉ lệ làm tổ sau khi chuyển một phôi nang cũng được đánh giá.
 
Kết quả
Kết quả cho thấy tỉ lệ hình thành phôi nang ngày 5 ở nhóm 1 cao hơn nhóm 2 (65,7 % so với 58,7%, p=0,048). Bên cạnh đó, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ phần trăm phôi hữu dụng của nhóm 1 và nhóm 2 (63,9% so với 56,4%, p=0,028).
 
Về kết quả lâm sàng, có 94,1% (97/103) người bệnh thực hiện chuyển một phôi nang. Tỉ lệ làm tổ (61% so với 62,5%, p=0,879) và tỉ lệ thai lâm sàng (46,3% so với 56,3%, p=0,541) giữa nhóm 1 và nhóm 2 là tương tự nhau, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
 
Thảo luận
Các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng nuôi cấy đơn làm tăng tỉ lệ hình thành phôi nang, và tỉ lệ phôi hữu dụng cao hơn so với nuôi cấy nhóm. Kết quả này có thể giải thích rằng các thành phần được phôi giải phóng vào môi trường nuôi cấy có thể gây hại nhiều hơn là có lợi cho sự phát triển của phôi khác. Ngoài ra, nuôi cấy đơn giúp phôi nhận được toàn bộ nguồn dinh dưỡng trong một giọt môi trường nuôi cấy.
 
Về kết quả lâm sàng, không có sự khác biệt nào được ghi nhận. Tuy nhiên, việc có được nhiều phôi nang chất lượng tốt có thể làm tăng tỉ lệ có thai tích lũy. Điểm mạnh chính của nghiên cứu này là thiết kế nghiên cứu theo thời gian với sự phân chia ngẫu nhiên từ giai đoạn hợp tử và sử dụng noãn hiến với các tiêu chí lựa chọn và loại trừ được xác định. Điểm yếu của nghiên cứu là việc sử dụng noãn hiến và kết quả lâm sàng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Vì vậy, cần phải thực hiện các nghiên cứu theo thời gian để xác định liệu có sự khác biệt về kết quả lâm sàng hay không.
 
Kết luận
Nuôi cấy đơn có thể làm tăng tỉ lệ hình thành phôi nang và cải thiện chất lượng phôi ngày 5.
 
Nguồn: Herreros, M., Martí, L., Díaz, N., Tió, M. C., Rodríguez-Arnedo, A., Guerrero, J., ... & Ten, J. (2024). Impact of Group vs Individual Embryo Culture Strategies on Blastocyst and Clinical Outcomes. Reproductive Sciences, 1-7. https://doi.org/10.1007/s43032-024-01480-4

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK