Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 23-07-2024 7:28am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Đỗ Lê Đình Thiện - IVFMD Phú Nhuận.
 
Trên thế giới, chuyển nhiều phôi thường được sử dụng để đạt được tỷ lệ đậu thai tốt nhất. Tác dụng phụ của chiến lược này là tỷ lệ đa thai cao và có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em. Lý do cho việc chuyển nhiều phôi là do thiếu phương pháp để chọn phôi tốt nhất. Với những trung tâm thực hiện chuyển phôi đơn thường được yêu cầu chuyển kèm với phôi đông lạnh có nguồn gốc từ cùng một chu kỳ IVF tươi để có thể đạt được một ca sinh sống.
 
Sự thành công của các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh-rã đông này cho thấy rằng phôi có khả năng sinh sống có thể nằm trong cùng một đoàn hệ nhưng không được chọn trước tiên. Như vậy, các phương pháp chọn lọc, có thể đảm bảo rằng những phôi tốt nhất được chọn trước, từ đó sẽ thúc đẩy chiến lược chuyển đơn phôi (single embryo transfer – SET), có thể rút ngắn thời gian mang thai và giảm thiểu các vấn đề liên quan đến đa thai.
 
Hiện nay, các phương pháp đánh giá phôi không xâm lấn dựa trên tốc độ phát triển và phân loại hình thái được đánh giá tại các thời điểm khác nhau bằng kính hiển vi quang học. Phương pháp này bị hạn chế bởi khả năng của một số lượng nhỏ các quan sát để cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh về quá trình phát triển động học của phôi và bởi tính chủ quan của người đánh giá khi phân loại phôi. Để so sánh, hệ thống time-lapse (TL), ghi lại hình ảnh liên tục theo thời gian, giúp quan sát các thay đổi hình thái và xác định chính xác hơn thời gian phát triển trong khi vẫn duy trì phôi trong môi trường ổn định. Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối tương quan giữa thời gian của các sự kiện quan trọng và khả năng làm tổ hoặc các kết quả khác, chẳng hạn như sự phát triển phôi nang tốt và tình trạng lệch bội.
 
Các mô hình dự đoán sử dụng các thông số TL này để cải thiện khả năng phân biệt giữa phôi sống và phôi không sống sót đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong các nghiên cứu hồi cứu. Tuy nhiên, hầu hết tất cả các nghiên cứu tiến cứu đều chưa đủ mạnh, không được chọn ngẫu nhiên hoặc có nguy cơ sai lệch cao. Cho đến nay, chỉ có một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (randomized controlled trial – RCT) có đủ độ mạnh được công bố bởi Rubio và cộng sự (2014). Các tác giả kết luận rằng việc sử dụng TL làm tăng đáng kể khả năng mang thai. Tuy nhiên, thiết kế của nghiên cứu không thể phân biệt giữa lợi ích của việc cải thiện điều kiện nuôi cấy và mô hình lựa chọn theo thứ bậc được sử dụng.
 
Mục đích của RCT này là để xác định xem liệu khi thực hiện lựa chọn và chuyển phôi ngày 5, thuật toán TL có thể nâng cao khả năng dự đoán về khả năng sinh sản của phôi so với chỉ đánh giá hình thái phôi hay không.
 
Phương pháp nghiên cứu:
Đây là một RCT mù đôi đã được tiến hành tại 10 trung tâm IVF ở Bắc Âu trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2018 đến tháng 3 năm 2021.
Tiêu chuẩn nhận:
  • Các cặp vợ chồng đang điều trị IVF hoặc ICSI
Tiêu chuẩn loại:
  • Các chu kỳ thực hiện chuyển hai phôi
  • Các chu kỳ điều trị xét nghiệm di truyền trước khi làm tổ
  • Các chu kỳ chuyển phôi bất kỳ ngày nào khác ngoài ngày 5 hoặc phôi đông lạnh
  • Chu kỳ điều trị sử dụng noãn đông lạnh
 
Ngẫu nhiên hóa và làm mù:
Những bệnh nhân đáp ứng tiêu chí thu nhận và có ít nhất hai phôi nang chất lượng tốt (good quality blastocyst – GQB) vào ngày thứ 5 được chọn ngẫu nhiên. Việc chọn ngẫu nhiên vào nhóm đối chứng hoặc nhóm TL theo tỷ lệ 1:1 được thực hiện vào ngày chuyển phôi bằng chương trình chọn ngẫu nhiên trên máy tính.
 
Chiến lược lựa chọn phôi chuyển:
Vào ngày thứ 5 (115 ± 2 giờ sau ICSI/thụ tinh), phôi được đánh giá dưới kính hiển vi đảo ngược theo hệ thống phân loại của Gardner và Schoolcraft (1999). Phôi có điểm ≥3 BB được coi là phôi chất lượng tốt (GQB). Sau đó, quyết định sơ bộ được đưa ra để chọn phôi chuyển. Nếu có sẵn hai GQB trở lên, bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên vào nhóm đối chứng hoặc nhóm TL.
 
Đối với những bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên vào nhóm đối chứng sẽ không có thông tin nào từ hình ảnh TL được sử dụng để đánh giá hoặc lựa chọn phôi trong nhóm đối chứng.
 
Đối với những bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên vào nhóm TL, GQB có KIDScore™ D5 cao nhất đã được chọn để chuyển phôi. Để đảm bảo đạt được điểm số đáng tin cậy, các thông số hình thái như; thời gian đạt được hai, ba, bốn và năm tế bào, thời điểm bắt đầu hình thành phôi (tSB) và điểm số hình thái khối tế bào bên trong (ICM) và tế bào lá nuôi (TE) được đánh giá bằng cách sử dụng hình ảnh TL được chụp trong vòng 120 giờ sau khi thụ tinh.
 
Kết cục chính của nghiên cứu này là tỷ lệ thai diễn tiến. Các kết cục phụ là mang thai (được xác định bằng xét nghiệm beta-hCG dương tính được thực hiện 16 ngày sau khi chuyển phôi), sảy thai sớm và sự đồng thuận (Y/N) giữa các quyết định sơ bộ dựa trên hình thái và quyết định cuối cùng khi áp dụng xếp hạng KIDScore (chỉ nhóm TL).
 
Kết quả nghiên cứu:
Từ tháng 6 năm 2018 đến tháng 3 năm 2021, tổng cộng 2254 bệnh nhân được đánh giá đủ điều kiện và 776 bệnh nhân đáp ứng tiêu chuẩn nhận và được chọn ngẫu nhiên theo hình 1.
 
 
Hình 1. Lưu đồ CONSORT. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đa trung tâm nhằm đánh giá hiệu quả tương đối của thuật toán công nghệ time-lapse và đánh giá hình thái học thông thường trong việc dự đoán tỷ lệ thai diễn tiến trong điều trị ART.
 
Sau khi phân nhóm ngẫu nhiên, 31 bệnh nhân không nhận được sự can thiệp được phân bổ. Trong một trường hợp, bệnh nhân đã rút lại sự đồng ý, trong các trường hợp còn lại, việc chuyển phôi bị hủy bỏ và tất cả GQB đều được bảo quản lạnh.
 
Trong tập hợp phân tích đầy đủ (Full analysis set - FAS), tỷ lệ mang thai tiếp diễn là như nhau ở hai nhóm: 47,4% (175/369) ở nhóm TL và 48,1% (181/376) ở nhóm đối chứng (chênh lệch trung bình 0,7%, 95% KTC -8,2 - 6,7, p=0,9), RR 0,99, 95% KTC 0,85 - 1,15 và OR 0,97, 95% KTC 0,73 - 1,30.
 
Không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê đối với kết cục phụ: tỷ lệ mang thai là 60,2% (222/369) ở nhóm TL và 59,0% (222/376) ở nhóm đối chứng (chênh lệch trung bình 1,1%, 95% KTC -6,2, 8,4; p=0,81) và sẩy thai sớm là 21,2% (47/222) ở nhóm TL và 18,5% (41/222) ở nhóm đối chứng (chênh lệch trung bình 2,7%, KTC 95% −5,2,10,6; p=0,55).
 
Khi điều chỉnh các biến phân bổ tối ưu trong phân tích độ nhạy bằng phân tích hồi quy logistic đa biến, OR cho tỷ lệ thai diễn tiến là 0,91 (95% KTC 0,68 - 1,23, p=0,9) giữa nhóm TL và nhóm đối chứng. OR cho thai kỳ là 0,99 (95% KTC 0,73- 1,34, p=0,94) và 1,26 (95% KTC 0,77 - 2,06, p=0,56) đối với sảy thai sớm giữa nhóm TL và nhóm đối chứng. Từ phân tích hồi quy logistic, không tìm thấy tương tác đáng kể nào giữa các biến số ban đầu và nhóm nghiên cứu để dự đoán thai kỳ tiếp diễn.
 
Đối với nhóm TL, tỷ lệ mang thai liên tục đối với phiên bản 2 (46,8%, 95% KTC 40,5 - 53,2) và phiên bản 3 (47,8%, 95% KTC 38,3 - 57,4) của thuật toán KIDScore D5 là như nhau (chênh lệch trung bình 1,0%, 95% KTC -12,7 - 10,7; p=0,95). KIDScore D5 phiên bản 1 không được đưa vào so sánh vì nó chỉ được sử dụng cho một số bệnh nhân (n = 6).
 
Kết luận:
Tóm lại, nghiên cứu RCT lớn này cho thấy việc lựa chọn TL không cải thiện tỷ lệ thai diễn tiến sau khi chuyển đơn phôi nang ngày 5 khi so sánh với việc lựa chọn chỉ bằng đánh giá hình thái học.
 
Nguồn: A. Ahlström et al., “A double-blind randomized controlled trial investigating a time-lapse algorithm for selecting Day 5 blastocysts for transfer,” Human Reproduction, vol. 37, no. 4, pp. 708–717, Feb. 2022, doi: 10.1093/humrep/deac020.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK