Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 19-07-2024 6:18am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 
Phôi nang thoát màng thành công rất quan trọng cho sự làm tổ của phôi trong quá trình phát triển. Màng trong suốt (zona pelluKTCda – ZP) bao phủ bên ngoài phôi có kích thước 13-15mm và việc nuôi cấy in vitro phôi dài ngày làm tăng mật độ ZP. Nếu phôi không thể thoát khỏi ZP hoặc ZP phát triển bất thường có thể gây thất bại làm tổ. Vì vậy, để phôi thoát màng thành công thì kỹ thuật hỗ trợ thoát màng (assisted hatching - AH) được sử dụng trong ART. Một số nghiên cứu cho thấy AH cải thiện tỉ lệ mang thai lâm sàng nhưng độ tin cậy thấp. Hiện tại, ảnh hưởng của AH đến tỉ lệ trẻ sinh sống (live birth rate – LBR) vẫn chưa rõ ràng. Tác động của AH có khả năng bị ảnh hưởng với các phương pháp AH khác nhau được các trung tâm ART áp dụng hoặc sự khác biệt trong quy trình vận hành. Trong số các kỹ thuật AH thì laser (laser AH – LAH) đang được sử dụng phổ biến vì tính đơn giản, dễ vận hành, chính xác, giảm thiểu ảnh hưởng đến phôi và hiệu quả hơn trong cải thiện tỉ lệ thai lâm sàng. Đặc biệt, phôi đông lạnh có sử dụng LAH cho LBR cao hơn so với không LAH. Gần đây có 2 phương pháp cơ bản sử dụng cho LAH là làm mỏng (thinning – T-LAH) hoặc khoan tạo lổ (drilling – D-LAH). Tuy nhiên, các nghiên cứu đưa ra những phát hiện còn tồn tại nhiều mâu thuẫn như một số khẳng định tính ưu việt của D-LAH, số khác ủng hộ T-LAH, trong khi những báo cáo khác lại không nhận thấy sự chênh lệch đáng kể. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là xem xét kỹ lưỡng tác động của T-LAH và D-LAH đối với kết cục thai kỳ thông qua tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp nhằm đưa ra những hiểu biết lý thuyết có giá trị cho phương pháp lâm sàng.

T-LAH sử dụng laser để loại bỏ lớp ngoài của ZP giữ lại lớp trong; trong khi D-LAH xâm nhập 2 lớp ZP tạo 1 lỗ khoan cho phôi. D-LAH có thể gây mất phôi bào trong phôi khi tiếp xúc với chất dinh dưỡng và kháng sinh cao, cản trở sự phát triển phôi nang, tăng nguy cơ gây sinh đôi cùng trứng. Nghiên cứu trên chuột cho thấy D-LAH cho tỉ lệ thoát màng cao hơn T-LAH trong phôi nang chuột nhưng không có sự khác biệt đáng kể về tốc độ hình thành phôi nang. Ngược lại, T-LAH ít gây hại cho phôi hơn mặc dù cản trở quá trình thoát màng in-vitro.
Trong số 491 nghiên cứu được khảo sát thì có 9 thử nghiệm thỏa điều kiện (4 RCT và 5 non-RCT).

Kết quả cho thấy:
-Không có sự khác biệt đáng kể giữa D-LAH và T-LAH (RR=0,93; 95% KTC: 0,79-1,10; I2=71%; P=0,41).
-6 báo cáo về tỉ lệ làm tổ của phôi nang: không có sự khác biệt giữa 2 phương pháp (RR=1,02; 95% KTC: 0,80-1,28; I2=89%; P=0,89).
-2 nghiên cứu về tỉ lệ đơn thai: D-LAH cho kết quả tốt hơn so với T-LAH (RR=2,28; 95% KTC: 1,08 – 4,82; I2=89%; P=0,03).
-7 nghiên cứu về tỉ lệ đa thai: tương đương nhau (RR=0,76; 95% KTC: 0,25-2,29; I2=94%; P=0,62).
-4 báo cáo về tỉ lệ thai lâm sàng diễn tiến: không thấy sự khác biệt (RR=1,25; 95% KTC: 0,89-1,77; I2=54%; P=0,20).
-Tương tự, 5 báo cáo về tỉ lệ sẩy thai, 2 báo cáo về về tỉ lệ sinh non và 3 nghiên cứu về tỉ lệ trẻ sinh sống đều cho kết quả tương đương nhau giữa D-LAH và T-LAH (P=0,07; 0,82; 0,37).

Nhìn chung, phân tích tổng hợp cho thấy không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê trong kết cục lâm sàng (tỉ lệ làm tổ, thai, trẻ sinh sống) giữa D-LAH và T-LAH. Như vậy, kỹ thuật LAH không ảnh hưởng bất lợi đến kết quả thai lâm sàng. Trong đó, D-LAH có thể có lợi vì cho tỉ lệ hình thành phôi nang và tỉ lệ đơn thai cao hơn nhưng nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để đưa thêm bằng chứng với độ tin cậy cao. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là sự tương tác giữa mẹ và bào thai, môi trường bên trong cơ thể, chất lượng phôi,… để phôi có thể làm tổ thành công và có thai kỳ ổn định. Do đó, LAH là yếu tố ảnh hưởng kết quả phôi học-thai kỳ nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất. Đặc biệt, những yếu tố ảnh hưởng khác cần xem xét là đặc điểm nền của bệnh nhân, chất lượng phôi nang và thiết kế nghiên cứu.
 
Nguồn: Chen K, Gao M, Wu Y, Hu Z, Tang L, Li M, Tian M, Cui H, Huang Y, Han Y, Li L, Li YG, Li YX, Wu Z, Tang Z, Zhang RH, Wu YR, Guo Y, Zhang HQ, Xiang LF, Yan JC. Two laser-assisted hatching methods of embryos in ART: a systematic review and meta-analysis. 2024.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK