Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 10-07-2024 3:00pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Phan Thị Thanh Loan - IVFMD TB
 
Giới thiệu
Chất lượng noãn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả thụ tinh và sự phát triển phôi. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự phát triển của noãn bị ảnh hưởng bởi môi trường dịch nang (Follicular Fluid - FF), đây là vi môi trường dịch lỏng của nang noãn, được tạo ra bởi sự chế tiết của tế bào vỏ, tế bào hạt cũng như từ noãn. Các thành phần sinh hóa trong FF bao gồm cytokine, chemokine, yếu tố tăng trưởng và hormone steroid. Dịch nang thay đổi linh hoạt trong quá trình phát triển nang noãn, kiểm soát bởi hormone trong hệ trục vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục, tín hiệu cận tiết và chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi các bệnh lý khác nhau. Do đó, FF có thể phản ánh quá trình trao đổi chất và nội tiết xảy ra trong quá trình trưởng thành noãn. Sự mất cân bằng giữa các thành phần trong dịch nang, cụ thể là các yếu tố liên quan đến stress oxy hóa và chất chống oxy hóa có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của noãn, khả năng thụ tinh và hình thành phôi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về ảnh hưởng của stress oxy hóa và các tác nhân gây viêm đến quá trình phát triển phôi và làm tổ. Trên cơ sở đó, mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định nồng độ các interleukin (IL), phân tử liên quan đến stress oxy hóa trong FF thu được từ các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization - IVF) và xác định mối tương quan của chúng đến tỷ lệ thụ tinh, chất lượng phôi và tỷ lệ thai.
 
Phương pháp
Dữ liệu thu thập từ nghiên cứu tiến cứu của 55 bệnh nhân vô sinh ít nhất một năm, điều trị IVF từ tháng 6/2019 đến tháng 12/2020 tại Trung tâm Vô sinh và Hỗ trợ Sinh sản thuộc Khoa Y học Lâm sàng và Thực nghiệm Pisa. Với tiêu chí loại trừ:
  • Bệnh nhân trên 37 tuổi.
  • Có thói quen hút thuốc.
  • Bất thường về nhiễm sắc thể.
  • Có tiền sử lạc nội mạc tử cung, hội chứng quá kích buồng trứng, khối u buồng trứng lành tính hoặc ác tính.
  • Rối loạn chức năng nội tiết như hội chứng buồng trứng đa năng, tăng prolactin máu, rối loạn chức năng tuyến giáp, vô kinh, hội chứng Cushing, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh.
Mẫu dịch nang được thu nhận vào ngày chọc hút và bảo quản ở -80°C đến ngày phân tích. Các mẫu sẽ được chia thành hai nhóm gồm F (FF của noãn thụ tinh) và NF (FF của noãn thụ tinh bất thường hoặc không thụ tinh). Trong số FF từ noãn thụ tinh, các mẫu sẽ được chia theo chất lượng phôi ngày 3 gồm TQ (FF ở phôi có chất lượng tốt) và NTQ (FF ở phôi có chất lượng kém). Mẫu dịch nang sẽ được đánh giá sinh hóa như định lượng nồng độ NF-kB, ILs (IL-6, IL-8, IL-12, IL-10), TGF-β, HIF-1α, đánh giá khả năng chống oxy hóa tổng thể thông qua xác định giá trị TOSC (Total Oxyradical Scavenging Capacity). Các thông số sinh hóa xác định được giữa nhóm noãn thụ tinh (F) và noãn không thụ tinh bình thường (NF), cũng như giữa phôi chất lượng tốt (TQ) và phôi chất lượng kém (NTQ) sẽ được so sánh.
 
Kết quả
Tổng cộng 107 mẫu FF đã được thu thập từ các noãn trưởng thành gồm 92 mẫu (85,9%) thụ tinh thành công. Trong số noãn được thụ tinh, 55 mẫu (59,8%) phát triển thành phôi tốt (51,4% tổng số noãn bào).
  • Phân tích FF ở nhóm noãn đã thụ tinh (F) cho thấy:
  • Nồng độ của các cytokine tiền viêm IL-6, IL-8, IL-12,  HIF-1α và TGF-β thấp hơn đáng kể so với nhóm NF lần lượt là 1171,53 ± 665,56; 63,37 ± 32,08; 20,48 ± 17,82; 108,39 ± 80,79; 39,40 ± 9,96 (pg/5 µg tổng số protein trong FF).
  • Nồng độ NF-kB ghi nhận được là 303,31 ± 266,35 (pg/5 µg tổng số protein trong FF) không có sự khác biệt với nhóm NF.
  • Ngược lại, nồng độ của cytokine IL-10 là 48,97 ± 40,77 (pg/5 µg tổng số protein trong FF) cao hơn đáng kể so với nhóm NF.
  • Khả năng chống oxy hóa cao hơn đáng kể so với nhóm NF với giá trị TOSC gốc peroxyl và gốc hydroxyl lần lượt là 14,03 ± 4,70 và 8,08 ± 3,65.
  • Trong số các noãn đã thụ tinh, đánh giá chất lượng của phôi ngày 3 nhận thấy
  • Nhóm TQ biểu hiện mức IL-6, IL-8, IL-12, HIF-1α, TGF-β, NF-kB thấp hơn đáng kể so với nhóm NTQ lần lượt là 1010,32 ± 646,47; 53,68 ± 28,56; 15,22 ± 8,67; 74,06 ± 38,52; 36,02 ± 8,39; 237,02 ± 229,11 (pg/5 µg tổng số protein trong FF).
  • Khả năng chống oxy hóa ở nhóm TQ cao hơn đáng kể so với nhóm NTQ với giá trị TOSC gốc peroxyl và gốc hydroxyl lần lượt là 14,94 ± 5,24 và 9,03 ± 3,97.
  • Đánh giá tỷ lệ thai thông qua xét nghiệm beta - hCG giữa nhóm noãn thụ tinh bình thường, cho thấy tỷ lệ beta - hCG dương tính ở nhóm TQ đạt 34,55% cao hơn đáng kể so với nhóm NTQ.
  • Phân tích hồi quy logistic đã xác định được IL-10, TOSC gốc peroxyl và gốc hydroxyl đo được trong dịch nang có liên quan trực tiếp đến kết quả thụ tinh và chất lượng phôi tốt. Đánh giá độ chính xác của từng dấu ấn sinh học FF này trong việc dự đoán kết quả thụ tinh và chất lượng phôi nhận thấy:
  • Về kết quả thụ tinh:
  • Độ nhạy của IL-10, TOSC gốc peroxyl và TOSC gốc hydroxyl lần lượt là 87%, 81% và 72%.
  • Độ đặc hiệu của IL-10, TOSC gốc peroxyl và TOSC gốc hydroxyl lần lượt là 74%, 70% và 64%.
  • Về chất lượng phôi:
  • Độ nhạy của IL-10, TOSC gốc peroxyl và TOSC gốc hydroxyl lần lượt là 85%, 72% và 78%.
  • Độ đặc hiệu của IL-10, TOSC gốc peroxyl và TOSC gốc hydroxyl lần lượt là 70%, 61% và 67%.
Nhìn chung, dịch nang ở nhóm noãn được thụ tinh bình thường cho thấy khả năng chống oxy hóa cao, nồng độ IL-10 cao và nồng độ các phân tử gây viêm (IL-6, IL-8, IL-12, TGF-β và HIF-1α) thấp. Trong số các mẫu FF từ noãn được thụ tinh, nhóm TQ cho thấy khả năng chống oxy hóa cao và nồng độ các phân tử gây viêm giảm so với nhóm NTQ. Bên cạnh đó, tỷ lệ thai cao cũng nhận thấy ở nhóm TQ. Thông qua phân tích dữ liệu từ nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của stress oxy hóa đến quá trình thụ tinh của noãn và làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc kiểm soát các yếu tố gây viêm và stress oxy hóa trong FF đến chất lượng phôi và tiềm năng làm tổ.
 
Kết luận
Nghiên cứu này đã chỉ ra mối tương quan giữa stress oxy hóa và hệ thống chống oxy hóa trong FF đến kết quả IVF. Việc xác định các dấu ấn sinh học FF, áp dụng các chiến lược chống stress oxy hóa có thể giúp cải thiện kết quả IVF và mang lại hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
 
Nguồn: Artini, P. G., Scarfò, G., Marzi, I., Fusi, J., Obino, M. E., Franzoni, F., ... & Daniele, S. (2022). Oxidative stress-related signaling pathways predict oocytes’ fertilization in vitro and embryo quality. International Journal of Molecular Sciences23(21), 13442.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK