Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 10-07-2024 3:02pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thị Thanh Loan - IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu
Với sự gia tăng mức sống và cải thiện điều kiện vệ sinh đã dẫn đến nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm chăm sóc cá nhân (Personal Care Products - PCP). Tuy nhiên,  PCP thường chứa nhiều hóa chất gây rối loạn nội tiết (Endocrine-Disrupting Chemicals - EDC) như: bisphenol A (BPA), phthalate (PAE), paraben và triclosan (TCS), làm suy giảm khả năng sinh sản. Nhiều loại EDC có thể xâm nhập vào cơ thể bằng con đường hấp thụ qua da trong quá trình tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với PCP. Cụ thể, bisphenol A (BPA) và phthalate (PAE) thường được tìm thấy trong sữa tắm và dầu gội đầu, có liên quan đến việc giảm chất lượng tinh dịch, noãn MII, tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ mang thai. Triclosan (TCS) và triclocarban (TCC) có thể được sử dụng làm chất kháng khuẩn trong các sản phẩm chăm sóc da và được báo cáo có tác động tiêu cực đến tỷ lệ làm tổ. Benzophenone (BP), glycol ether và axit perfluorooctanoic (PFOA) thường có mặt trong mỹ phẩm và khởi phát các rối loạn phụ thuộc vào hormone, làm giảm tỷ lệ làm tổ, mang thai và trẻ sinh sống. p–Phenylenediamine (PPD) chủ yếu được sử dụng trong các sản phẩm nhuộm tóc, làm giảm nồng độ hormone sinh dục và ảnh hưởng đến chất lượng noãn ở chuột, gây ra những bất thường trong quá trình phát triển phôi sớm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với EDC và giảm khả năng sinh sản tự nhiên. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu về tác động của PCP đối với kết quả điều trị IVF/ICSI vẫn còn hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá mối tương quan giữa việc sử dụng PCP và kết quả điều trị IVF/ICSI.
 
Đối tượng và phương pháp
Tổng cộng 1.500 phụ nữ trên 20 tuổi điều trị IVF/ICSI từ tháng 12/2018 đến tháng 01/2020 được đưa vào nghiên cứu. Mỗi bệnh nhân (BN) tham gia phải hoàn thành bảng câu hỏi về đặc điểm nhân khẩu học và cung cấp các đặc điểm sử dụng PCP trong ba tháng trước đó. Cụ thể:
  • Tần suất sử dụng xà phòng mỗi tuần được phân loại thành bốn nhóm: 0; 1 đến <3; 3 đến <7 và ≥7 lần.
  • Tần suất sử dụng dầu gội mỗi tuần được phân loại thành bốn nhóm: ≤1; 2 đến ≤3; 4 đến <7 và ≥7 lần.
  • Tần suất sử dụng các sản phẩm chăm sóc da mỗi tuần được phân loại thành bốn nhóm: 0; 1 đến <7; 7 đến <14 và ≥14 lần.
  • Tần suất sử dụng mỹ phẩm trong một tuần được chia thành bốn nhóm: 0 lần, 1 đến < 2 lần; 3 đến < 7 lần và ≥ 7 lần. 
Bên cạnh đó, một số đặc điểm khác như chẩn đoán vô sinh, tuổi, chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI), trình độ học vấn, thu nhập, mức tiêu thụ rượu và hút thuốc lá thụ động cũng được ghi nhận. Các kết quả về số lượng noãn thu được, số lượng noãn trưởng thành, số lượng hợp tử 2PN, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi phân chia, tỷ lệ phôi nang, làm tổ, thai lâm sàng, sảy thai và trẻ sinh sống là các tiêu chí đánh giá về kết quả điều trị IVF/ICSI sẽ được theo dõi và so sánh kết hợp với đặc điểm sử dụng PCP.
 
Kết quả
  1. Đặc điểm nhân khẩu học và tần suất sử dụng PCP
Nhân khẩu học: Độ tuổi trung bình của BN tham gia nghiên cứu là 30,9 tuổi và BMI trung bình 22,1 kg/m2. Đa số BN đến từ nông thôn (64,4%) và thất nghiệp (51,5%). Tổng cộng có 94,3% BN tham gia chưa bao giờ hút thuốc; 76,9% BN chưa bao giờ uống rượu; 55,3% BN chưa mang thai và 56,8% BN được chẩn đoán vô sinh do yếu tố nữ.
Tần suất sử dụng PCP: Tổng cộng có 50,3% BN sử dụng xà phòng >7 lần/tuần và 54,7% BN sử dụng dầu gội từ 4 đến <7 lần/tuần. Hầu hết BN sử dụng các sản phẩm chăm sóc da từ 7 đến <14 lần/tuần (45,2%) và không sử dụng mỹ phẩm (43,2%). Trong ba tháng trước khi tham gia nghiên cứu, có 83,7% BN không uốn hoặc nhuộm tóc.
  1. Đặc điểm lâm sàng
Với nhóm sử dụng xà phòng ≥7 lần/tuần giảm lần lượt 3,2%; 6,2%; 12,3% và 4,7% về số lượng noãn thu được, số lượng noãn MII, tỷ lệ noãn trưởng thành và hợp tử 2PN. Đặc biệt, ở nhóm sử dụng sản phẩm chăm sóc da ≥14 lần/tuần có tỷ lệ noãn trưởng thành và tỷ lệ phôi phân chia giảm lần lượt là 22,4% và 23,1% so với nhóm không sử dụng sản phẩm chăm sóc da.
Sau khi chuyển phôi tươi, nhóm sử dụng mỹ phẩm 1–2 lần/tuần hoặc 3–7 lần/tuần có khả năng sảy thai cao hơn nhóm không sử dụng mỹ phẩm.
Khi phân tích sâu hơn về tác động tương tác của tuổi, BMI, đặc điểm sử dụng PCP và kết quả điều trị nhận thấy:
  • Có mối liên quan tiêu cực giữa việc sử dụng xà phòng và tỷ lệ phôi phân chia ở nhóm BN < 30 tuổi.
  • Ở nhóm BN có BMI ≥ 24 kg/m2, việc sử dụng xà phòng có tương quan tiêu cực đến tỷ lệ hình thành phôi nang, và việc sử dụng mỹ phẩm có ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ noãn trưởng thành.
 
Kết luận
Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy tác động tiềm tàng của việc tiếp xúc hỗn hợp EDC có trong PCP đến khả năng sinh sản của phụ nữ đang điều trị IVF/ICSI. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu làm rõ cơ chế tác động của EDC. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đặt ra những vấn đề quan trọng về sức khỏe cộng đồng. Sự hiện diện tràn lan của EDC trong môi trường và các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày khiến con người dễ dàng tiếp xúc. Do đó, cần có những biện pháp để giảm thiểu tiếp xúc với EDC, đặc biệt là đối với phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai.
 
Nguồn: Guo, Q. C., Yao, W., Liu, C., Deng, T. R., Li, J., Liao, H. M., ... & Li, Y. F. (2024). Associations of personal care products use with reproductive outcomes of IVF/ICSI treatment. Frontiers in Endocrinology, 14, 1320893.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK