Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 23-07-2024 7:35am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Duy Khang – IVF Vạn Hạnh
 
1. Giới thiệu
Các kỹ thuật thu nhận tinh trùng bằng thủ thuật, như chọc hút tinh trùng từ tinh hoàn (TESA) hoặc phân lập tinh trùng từ mô tinh hoàn (TESE) mang đến cơ hội cho các cặp vợ chồng vô sinh do vô tinh không do bế tắc (non-obstructive azoospermia  -NOA). Tuy nhiên, có mối liên hệ giữa tình trạng vô tinh với các vấn đề về nhiễm sắc thể, kết quả phôi và thai bất thường.
 
Mô hình hiến noãn cung cấp cơ hội để phân tích và đánh giá tác động của yếu tố nam đối với kết quả IVF–ICSI một cách độc lập. Tác động của NOA đối với tỷ lệ phôi nang nguyên bội và thai nhi có thể được đánh giá chính xác hơn khi noãn được thu nhận từ người hiến trẻ tuổi, giảm yếu tố gây nhiễu là chất lượng noãn kém.
 
Do đó, nghiên cứu của này nhằm đánh giá tác động của NOA so với thiểu tinh nặng (severe oligozoospermia - OS-S) và thiểu tinh nhẹ đến trung bình (mild-to-moderate oligozoospermia - OS-MM) lên kết quả lâm sàng trong các chu kỳ ICSI – hiến noãn. Kết quả chính: tỷ lệ trẻ sinh sống trên mỗi lần chuyển phôi. Kết quả phụ: tỷ lệ thụ tinh, hình thành phôi nang, phôi nang nguyên bội, thai lâm sàng, thai sinh hóa, sinh non và cân nặng trung bình khi sinh.

2. Phương pháp
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ theo thời gian trên 1594 bệnh nhân thực hiện ICSI trong các chu kỳ sử dụng noãn xin từ 01/2016 – 05/2020. Chỉ định xin noãn bao gồm: suy buồng trứng sớm, dự trữ buồng trứng thấp, đáp ứng kém với kích thích buồng trứng hoặc điều trị IVF thất bại nhiều lần. Người cho noãn ở độ tuổi từ 21 đến 30 tuổi và tuân thủ các tiêu chí do Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) nêu ra. Tất cả những người hiến đều khỏe mạnh và không có tiền sử bệnh lý đáng kể.
 
Đối tượng nghiên cứu được chia thành 3 nhóm theo các thông số tinh dịch đồ: (1) NOA, chiếm 479 bệnh nhân (30%); (2) OS-S, có số lượng tinh trùng <5×106 /mL, chiếm 442 bệnh nhân (27,8%); (3) OS-MM, có số lượng tinh trùng >5×10 6 và <15×106 /mL, chiếm 673 bệnh nhân (42,2%).
 
Trong trường hợp NOA, ban đầu, tinh trùng được thu nhận bằng TESA. TESE được sử dụng khi không thu được tinh trùng bằng TESA. Phân tích di truyền được thực hiện cho mọi bệnh nhân nam, bao gồm cả nhiễm sắc thể đồ và vi mất đoạn nhiễm sắc thể Y. Tiêu chí loại: PGT-M, vô tinh do bế tắc, NOA nhưng không tìm thấy tinh trùng bằng phẫu thuật.

3. Kết quả
Không có sự khác biệt thống kể về độ tuổi của bệnh nhân nam hoặc độ tuổi của người nhận noãn. Nồng độ FSH cao hơn đáng kể và nồng độ testosterone giảm đáng kể ở bệnh nhân nam nhóm OS-S và NOA so với nhóm OS-MM (p < 0,0001). Nhiễm sắc thể đồ bất thường cũng cao hơn đáng kể về mặt thống kê (p < 0,05) ở nhóm NOA so với nhóm OS-S và OS-MM.
 
Mất đoạn AZF ở 17,1% bệnh nhân NOA, cao hơn đáng kể so với nhóm OS-S, 10,6% (p < 0,05) và OS-MM, 2,7% (p < 0,05). Trong cả ba nhóm, phần lớn các trường hợp mất đoạn AZF là mất đoạn AZFc.
 
Không có sự khác biệt về số noãn MII được ICSI giữa ba nhóm: 13,05 ± 1,93 (n = 8788), 13,07 ± 2,01 (n = 5778) và 13,19 ± 2,1 (n = 6319) tương ứng ở OS-MM, OS-S và NOA. Tỷ lệ thụ tinh giảm đáng kể ở nhóm NOA so với nhóm OS-S và OS-MM: 30,3% so với 63% và 77,3% (p < 0,05).
 
Số lượng phôi nang trung bình thấp hơn đáng kể về mặt thống kê ở nhóm NOA so với nhóm OS-S và OS-MM (p > 0,0001). Tỷ lệ hình thành phôi nang trên mỗi noãn MII được ICSI giảm đáng kể ở nhóm NOA so với nhóm OS-S và OS-MM: 13% so với 20,4% và 43,4%, tương ứng (p < 0,0001). Không có sự khác biệt về hình thái phôi nang giữa các nhóm.
 
Tỷ lệ phôi nang nguyên bội trên mỗi noãn MII được ICSI giảm đáng kể ở NOA (8,4%) so với cả OS-S (14%) và OS-MM (29,3%) (p < 0,001). Tuy nhiên, tỷ lệ nguyên bội trên mỗi phôi nang được sinh thiết là tương tự nhau giữa ba nhóm nghiên cứu (65,7%, 68,9% và 67,5%).
 
Tỷ lệ thai sinh hóa cao hơn ở nhóm NOA so với nhóm OS-S và OS-MM (29,2% so với 15,1% và 8,9%; p < 0,05). Tỷ lệ sảy thai ở nhóm NOA là 11,8%, cao hơn nhóm OS-S và OS-MM (lần lượt là 7% và 2,7%; p < 0,05). Tỷ lệ mang thai lâm sàng tương tự ở nhóm OS-MM và OS-S, nhưng thấp hơn đáng kể ở nhóm NOA (lần lượt là 38,2% so với 36,3% và 29,5%; p < 0,05). Tỷ lệ trẻ sinh sống trên mỗi phôi chuyển thấp hơn đáng kể ở nhóm NOA so với nhóm OS-S và nhóm OS-MM (20,4% so với 30,3% và 35,4%; p < 0,05). Tỷ lệ trẻ sinh sống cũng thấp hơn đáng kể ở nhóm OS-S so với nhóm OS-MM ( p < 0,05).
 
Tỷ lệ hủy chu kỳ cao hơn đáng kể do không có phôi nang nguyên bội trong nhóm NOA so với nhóm OS-MM (3,7% so với 0,14%, p < 0,05). Không có sự khác biệt giữa nhóm NOA và nhóm OS-S (3,7% so với 2%).
 
Tỷ lệ sinh non tăng ở nhóm NOA so với nhóm OS-S và OS-MM (61,7% so với 45,8% và 17,6%; p < 0,001). Tuổi thai trung bình khi sinh ở nhóm NOA là 33,94 (±3,97) tuần, thấp hơn so với nhóm OS-S (36,8 ± 2,09) và nhóm OS-MM (37,82 ± 1,99). Xét về cân nặng trung bình khi sinh, số lượng trẻ sinh ra với cân nặng khi sinh < 2,5 kg cao hơn đáng kể ở nhóm NOA so với nhóm OS-S và OS-MM (34% so với 19,8% và 12,2%, p < 0,001).

Phân tích hồi quy đa biến cho thấy, nhiễm sắc thể đồ bất thường là một yếu tố tiên lượng đáng kể cho tỷ lệ thụ tinh và phôi nang nguyên bội (p < 0,001). Tuổi của nam giới cũng ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ thụ tinh (p = 0,024) và tỷ lệ phôi nang nguyên bội (p < 0,001).

4. Kết luận
Vô tinh không do bế tắc ảnh hưởng đáng kể đến tiềm năng phát triển phôi và tỷ lệ trẻ sinh sống. Bên cạnh đó, NOA cũng liên quan đến nguy cơ sinh non cao hơn. Cần có nghiên cứu đa trung tâm nhằm nổi bật tác động của chất lượng tinh trùng đến kết quả lâm sàng và thai kỳ.
 
Nguồn: Grammatis, A. L., Pappas, A., Kokkali, G., Pantos, K., & Vlahos, N. (2023). The impact of semen parameters on ICSI and pregnancy outcomes in egg recipient cycles with PGT‐A. Andrology, 11(7), 1326-1336

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK