Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 30-07-2024 9:24am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Đặng Ngọc Minh Thư, ThS. Nguyễn Huyền Minh Thụy  IVF Tâm Anh
 
Tổng quan
Khả năng sinh sản của phụ nữ giảm dần theo tuổi tác, bắt đầu giảm ở độ tuổi 30 và giảm mạnh hơn trong khoảng 35 đến 40 tuổi. Đối với phụ nữ trên 45 tuổi, khả năng sinh sản gần như bằng không. Với thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) thì tuổi mẹ vẫn là yếu tố quan trọng dẫn đến kết quả điều trị thành công trong điều trị IVF. Tuổi mẹ cao (Advanced maternal age - AMA) dẫn đến khả năng đáp ứng thuốc kích thích buồng trứng kém, ảnh hưởng kém đến kết quả IVF và tăng tỉ lệ hủy chu kỳ. Hơn nữa, chuyển phôi giai đoạn phân chia có tỉ lệ làm tổ thấp hơn và sảy thai cao hơn giai đoạn phôi nang. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng chuyển một phôi chất lượng tốt vào ngày 5 (D5) và ngày 6 (D6) có tỉ lệ sống cao hơn đáng kể so với so với ngày 3 (D3) trong chu kỳ chuyển phôi trữ. Một báo cáo khác cho rằng cơ hội thành công IVF ở nhóm phụ nữ AMA không chỉ dựa trên độ tuổi mà còn các yếu tố dự đoán khác: số lượng phôi chất lượng tốt vào D3, số lượng phôi chuyển, chuyển phôi giai đoạn phôi nang. Các kết quả nghiên cứu trên cho thấy lợi ích của việc chuyển phôi nang ở nhóm phụ nữ AMA. Tuy nhiên, rất khó để dự đoán phôi nào ở giai đoạn phân chia có tiềm năng phát triển thành phôi nang hữu dụng. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy chuyển phôi chất lượng thấp D3 là phương pháp khả thi hơn so với nuôi cấy và chuyển phôi D5.
 
Nghiên cứu này tiến hành đánh giá kết quả mang thai của việc chuyển phôi ở giai đoạn phôi phân chia và tối ưu số lượng phôi chất lượng tốt giai đoạn phôi phân chia để nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang ở nhóm phụ nữ AMA.
 
Phương pháp
 
Nghiên cứu thực hiện trên 1646 phụ nữ AMA ≥38 tuổi chuyển phôi tươi lần đầu từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2020 tại bệnh viện Northwest Women’s and Children’s, Trung Quốc. Nghiên cứu thực hiện 1111 chu kỳ chuyển phôi ở giai đoạn phôi phân chia và 535 chu kỳ chuyển phôi nang.
 
Các chu kỳ chuyển đơn phôi và đa phôi ở giai đoạn phân chia được chia thành các nhóm như sau:
  • SET-H: chuyển phôi với 1 phôi chất lượng tốt; n=221
  • SET-L: chuyển phôi với 1 phôi chất lượng kém; n=202
  • DET-HH: chuyển phôi với 2 phôi chất lượng tốt; n=262
  • DET-HL: chuyển phôi với 1 phôi chất lượng tốt và 1 phôi chất lượng kém; n=207
  • DET-LL: chuyển phôi với 2 phôi chất lượng kém; n=219
Các chu kỳ chuyển phôi nang được chia thành ba nhóm như sau:
  • D3-2H: phôi được nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang với 2 phôi D3 chất lượng tốt; n=52
  • D3-3H: phôi được nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang với 3 phôi D3 chất lượng tốt; n=109
  • D3≥4H: phôi được nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang với ≥4 phôi D3 chất lượng tốt; n=374
Bệnh nhân tham gia nghiên cứu ≥38 tuổi và có chu kỳ phôi tươi đầu tiên. Những bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung, chu kì IVM (In vitro maturation: nuôi trưởng thành noãn non trong ống nghiệm), dính tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, rescuse ICSI và không có phôi khả dụng bị loại khỏi nghiên cứu này.
 
Phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm SPSS (phiên bản 21.0).
 
Kết quả
Nghiên cứu cho thấy tổng liều Gonadotropin (Gn) sử dụng thấp hơn đáng kể ở nhóm SET-H so với nhóm SET-L (2789 ± 910 so với 3019 ± 1104; p=0,010). Không có sự khác biệt đáng kể về độ tuổi của phụ nữ, BMI, tổng liều Gn, thời gian kích thích Gn, liều FSH và độ dày nội mạc tử cung giữa các nhóm DET-HH, DET-HL và DET-LL (p>0,05). Nhóm DET-HH cho thấy số lượng noãn thu được cao hơn đáng kể so với nhóm DET-HL và DET-LL (7,14 ± 3,90 so với 6,22 ± 3,56 và 5,92 ± 3,63; p<0,001).
 
Kết quả chuyển phôi D3 ở nhóm SET-H có tỉ lệ mang thai lâm sàng cao hơn so với nhóm SET-L (25,79% so với 13,37%; p=0,001). Nhóm DET-HH có hiệu quả điều trị cao hơn nhóm DET-HL và DET-LL, dựa trên các tiêu chí: tỉ lệ thai lâm sàng (44,66% so với 31,89% và 31,05%; p=0,049), tỉ lệ thai diễn tiến (33,59% so với 23,19% và 22,37%; p=0,007), tỉ lệ trẻ sinh sống (31,30% so với 21,26% và 20,09%; p=0,005).
 
Nhóm D3-4H cho thấy FSH cơ bản thấp hơn đáng kể (7,01 ± 2,14 so với 7,62 ± 2,37 và 7,97 ± 2,91; p<0,001) và số lượng trứng thu được cao hơn (11,06 ± 4,40 so với 5,83 ± 2,79 và 6,74 ± 3,50; p<0,001) so với nhóm D3-2H và D3-3H. Tỉ lệ mang thai lâm sàng thấp hơn đáng kể ở nhóm D3-2H so với nhóm D3≥4H (34,62% so với 52,41%; p=0,016). Nhóm D3≥4H có tỉ lệ thai lâm sàng (52,41% so với 34,62%; p=0,016), tỉ lệ thai diễn tiến (41,98% so với 25,00% và 28,44%; p=0,004) và tỉ lệ trẻ sinh sống (39,30% so với 21,15% và 26,61%; p=0,011) cao hơn nhóm D3-2H và D3-3H.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ thai lâm sàng, thai diễn tiến và tỉ lệ trẻ sinh sống giữa ba nhóm DET-HH, D3-2H và D3-3H (p>0,05). Không có sự khác biệt về các tỉ lệ nói trên khi phân nhóm IVF và ICSI. Cụ thể, tỉ lệ thai lâm sàng giữa nhóm IVF và ICSI là 49,14% so với 45,07%; tỉ lệ song thai là 12,23% so với 9,38%; tỉ lệ thai diễn tiến là 37,77% so với 35,21%; tỉ lệ trẻ sinh sống là 35,62% so với 29,58%. Nhóm ICSI có tỉ lệ không phôi chất lượng tốt D5 cao hơn nhóm IVF (28,17% so với 14,81%). Có thể thấy, phôi chất lượng tốt D3 có mối tương quan đến hiệu quả chuyển phôi D5 (OR: 1,133, 95%; CI 1,023–1,256, p=0,017).
 
Bàn luận
Tuổi mẹ là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đồng thời cũng là yếu tố chính ảnh hưởng đến tỉ lệ thành công trong điều trị ART. Vì vậy, cần tối ưu hóa nhu cầu điều trị cho phụ nữ AMA. 

Trong nghiên cứu này, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ sinh sống đạt 36,54% và 24,75% đối với chuyển phôi D3 ở phụ nữ AMA. Đặc biệt, đối với phôi chất lượng tốt D3, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ trẻ sinh sống lần lượt là 44,66% và 31,30%. Tuy nhiên, tỉ lệ song thai đạt gần 20%, ngay cả khi chuyển hai phôi giai đoạn phôi phân chia chất lượng kém. 

Đối với những bệnh nhân có 2-3 phôi chất lượng tốt vào D3 và chuyển phôi vào D5, tỉ lệ thai lâm sàng; tỉ lệ thai diễn tiến và tỉ lệ trẻ sinh sống cao gấp đôi so với chuyển phôi D3. Bệnh nhân có trên 4 phôi chất lượng tốt vào D3 có tỉ lệ thai diễn tiến và tỉ lệ trẻ sinh sống cao hơn đáng kể so với bệnh nhân có 2-3 phôi tốt vào D3. Dựa trên nghiên cứu này, nhóm tác giả khuyến nghị chuyển phôi ở giai đoạn phôi nang cho phụ nữ AMA có ≥4 phôi chất lượng tốt vào D3. Ngoài ra, cần xem xét thêm chất lượng tinh trùng, quá trình thụ tinh và số lượng phôi chất lượng tốt ở D3. Nghiên cứu cũng cho thấy, nhóm ICSI và nhóm IVF có tỉ lệ thai lâm sàng, song thai, thai diễn tiến và trẻ sinh sống giữa nhóm IVF và ICSI tương đương nhau.
 
Tóm lại, việc nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang được khuyến nghị cho phụ nữ AMA có ≥4 phôi D3 chất lượng tốt. Tuy nhiên, cần xem xét thêm các thử nghiệm lâm sàng của đa trung tâm để lựa chọn chiến lược phù hợp.
 
 Nguồn: Xue X, Li W, Li M. Optimal number of high-quality cleavage-stage embryos for extended culture to blastocyst-stage for transfer in women 38 years and older. Gynecol Endocrinol. 2023;39(1):2181642. doi:10.1080/09513590.2023.2181642

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK