Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 30-07-2024 9:21am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Nguyễn Hoàng Bảo Ngân, Th.S Nguyễn Huyền Minh Thụy – IVF Tâm Anh

Đông lạnh phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa đã trở thành một chiến lược quan trọng của công nghệ hỗ trợ sinh sản. Mặc dù có ý kiến cho rằng trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh-rã đông có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển, nhưng các nghiên cứu không đồng nhất (về phương pháp đông lạnh và tuổi phôi) đưa ra kết luận không thuyết phục về ảnh hưởng bất lợi của quá trình thủy tinh hóa. Có rất ít các nghiên cứu lớn đánh giá kết quả sơ sinh sau quá trình thủy tinh hóa phôi. Việc nghiên cứu tác động của thủy tinh hóa phôi lên sự phát triển sau giai đoạn sơ sinh rất quan trọng vì có thể liên quan đến các bệnh mãn tính sau này. Những thay đổi về thượng di truyền do thủy tinh hóa, nội tiết tố trong quá trình kích thích buồng trứng trong chu kỳ chuyển phôi tươi, sự thiếu hụt hoàng thể cũng cho thấy có tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và tác động đến con cái. Thêm vào đó, việc so sánh nhóm bệnh nhân chuyển phôi tươi hoặc chuyển phôi trữ (frozen embryo transfer – FET) có thể gây ra sai lệch, vì những người phụ nữ có phôi đông lạnh thường trẻ tuổi, có tiên lượng tốt và phôi chất lượng cao hơn. Hơn nữa, việc thiếu kiểm soát các yếu tố như cân nặng, hút thuốc, số lần sinh và các điều kiện do mang thai của người mẹ có thể góp phần tạo ra sự khác biệt giữa kết quả tươi và FET.
 
Nghiên cứu này so sánh dữ liệu về trẻ sinh đơn sau khi chuyển phôi đông lạnh từ thủy tinh hóa với chuyển phôi tươi ở giai đoạn phôi phân chia hoặc phôi nang nhằm đánh giá ảnh hưởng của quá trình thủy tinh hóa đối với sức khỏe của trẻ, bao gồm sự tăng trưởng đến 2 tuổi.
 
Phương pháp nghiên cứu
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu trên 1237 và 2063 trẻ em sinh ra sau chuyển phôi thủy tinh hóa và chuyển phôi tươi ở giai đoạn phân chia hoặc phôi nang từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2018. Kết cục chính là so sánh sức khoẻ  trẻ sau sinh và sự tăng trưởng ở trẻ <1 tuổi và trẻ 2 tuổi từ phôi tươi so với phôi trữ. Kết quả nhân trắc học ở trẻ sơ sinh <1 tuổi và trẻ nhỏ 2 tuổi được thể hiện dưới dạng điểm SD (standard deviation scores – SDS).
 
Kết quả
Kết quả sơ sinh
  • Tuổi thai trung bình, tỷ lệ sinh non, số điểm Apgar thấp hoặc nhập viện chăm sóc tích cực sơ sinh, cũng như tỷ lệ tử vong chu sinh và sơ sinh tương đương giữa hai nhóm.
  • Tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sinh sống sau FET (3,07%) tương đương với chuyển phôi tươi (3,0%).
  • Giảm nguy cơ trẻ nhỏ so với tuổi thai (small for gestational age – SGA), tăng nguy cơ lớn so với tuổi thai (large for gestational age – LGA), thai to, và huyết áp do thai kỳ ở phôi thủy tinh hóa.
 
Đặc điểm nhân trắc học
  • Ở giai đoạn mới sinh (P ​​<0,001) và giai đoạn <1 tuổi (P <0,05), SDS về cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu đều cao hơn đáng kể ở nhóm chuyển phôi thủy tinh hóa so với nhóm chuyển phôi tươi 
  • Quá trình tăng cân và chiều cao từ khi mới sinh đến <1 tuổi và từ <1 đến 2 tuổi là tương đương giữa hai nhóm.
 
Đối với phôi nang thủy tinh hóa so với phôi tươi
  • SDS về cân nặng khi sinh cao hơn (B, 0,33; 95% KTC: 0,16–0,50; P <0,001).
  • Giảm nguy cơ mắc SGA và tăng nguy cơ mắc LGA và thai to, và rối loạn tăng huyết áp do mang thai.
 
Kết quả sức khỏe của trẻ ở giai đoạn 2 tuổi
  • Tình trạng rối loạn phát triển vận động, ngôn ngữ, số trẻ mắc các vấn đề phát triển, số trẻ nhập viện, sử dụng thuốc >3 tuần, cần can thiệp phẫu thuật không có sự khác biệt ở 2 nhóm.
 
Bàn luận
Nghiên cứu cho thấy kết quả về cân nặng, chiều cao, đặc điểm nhân trắc học của trẻ ở giai đoạn mới sinh, <1 tuổi, và tình trạng sức khỏe lúc 2 tuối là tương đương với các dữ liệu đã công bố trước đây. Mặc dù có giả thuyết cho rằng kết quả sẽ tốt hơn khi sử dụng chiến lược đông lạnh toàn bộ so với chu kỳ đông lạnh sau lần chuyển phôi tươi ban đầu, nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt nào về kết quả dựa trên chiến lược này. Trong nghiên cứu, việc điều chỉnh cân nặng khi sinh có thể tạo ra hiểu lầm rằng thủy tinh hóa không gây hậu quả có hại cho kết quả ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, so sánh giữa hai phân tích cho thấy cả hai nhóm có sự khác biệt trong thời kỳ <1 tuổi, khác biệt này xuất phát từ giai đoạn trước sinh. Hạn chế chính trong nghiên cứu là thiếu dữ liệu về tăng trưởng trong thai kỳ trước sinh vì quá trình đông lạnh – rã đông được cho rằng có liên quan đến sự phát triển quá mức của thai nhi từ tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ.

Kết luận
Tóm lại, kết quả trên cho thấy thủy tinh hóa phôi liên quan đến cân nặng khi sinh cao hơn và tăng nguy cơ tuổi thai lớn, nhưng giảm nguy cơ tuổi thai nhỏ. Thêm vào đó, trong giai đoạn đến 2 tuổi, các chỉ số nhân trắc học, sự tăng cân nặng và chiều cao không khác biệt giữa trẻ sinh ra từ phôi thủy tinh hóa và phôi tươi. Tuy nhiên cần thêm nghiên cứu thu thập kết quả phát triển của trẻ ở thời gian dài hơn để hiểu rõ hơn các tác động lên phôi của thủy tinh hóa.
 
Nguồn: Belva F, Blockeel C, Keymolen K, Buysse A, Bonduelle M, Verheyen G, Roelants M, Tournaye H, Hes F, Van Landuyt L. Impact of embryo vitrification on children's health, including growth up to two years of age, in comparison with results following a fresh embryo transfer. Fertil Steril. 2023 Jun;119(6):932-941. doi: 10.1016/j.fertnstert.2023.02.006. Epub 2023 Feb 10. PMID: 36774979.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Eastin Grand Hotel Saigon, thứ bảy 7.12.2024 và sáng chủ nhật ...

Năm 2020

Novotel Saigon Centre, Thứ Bảy ngày 2 . 11 . 2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK