Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 31-07-2024 8:29am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Đặng Ngọc Minh Thư IVF Tâm Anh

Tổng quan
Trong điều kiện nuôi cấy in vitro, thời gian tối ưu để đạt đến giai đoạn phôi nang nở rộng hoàn toàn vào khoảng 116 ± 2 giờ sau thụ tinh. Tuy nhiên, một số phôi có tốc độ phát triển chậm hơn và đạt giai đoạn phôi nang vào ngày 6 hoặc ngày 7 (≥140 ± 2 giờ sau thụ tinh). Nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang mang lại lợi thế cho việc lựa chọn phôi. Chuyển phôi nang nguyên bội ngày 5 (D5) thường là tiêu chuẩn lựa chọn hàng đầu trong chu kỳ chuyển phôi trữ (frozen embryo transfer – FET), tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy phôi nang ngày 6 (D6) và ngày 7 (D7) có kết quả lâm sàng tương tự.
 
Đến hiện tại, chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của chuyển phôi D7, và kết quả vẫn gây tranh cãi, dẫn đến không nhất quán về lợi ích của việc nuôi cấy kéo dài đến D7 và nhóm bệnh nhân nào sẽ được hưởng lợi từ phương pháp này. Do đó, nghiên cứu này tiến hành đánh giá tỉ lệ thai diễn tiến (Ongoing pregnancy rate - OPR) của chuyển phôi nang D7 so với phôi nang D5 và D6 trong các chu kỳ FET.
 
Phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu tổng hợp, phân tích tất cả các chu kỳ chuyển phôi nang nguyên bội từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2022. Tiêu chí lựa chọn bao gồm những bệnh nhân có tinh trùng tươi hoặc tinh trùng trữ, noãn tươi hoặc noãn rã và có phôi nang được phân loại  ≥ BL3CC (theo tiêu chuẩn Gardner) và đã sinh thiết để thực hiện PGT-A.
Phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm STATA (phiên bản 17.0).

Kết quả
Tổng cộng 1527 chu kỳ FET từ 1243 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu, trong đó có 855 phôi nang sinh thiết D5, 636 phôi D6 và 36 phôi D7. 
 
Nghiên cứu cho thấy, chuyển phôi nang nguyên bội D7 có kết quả lâm sàng thấp hơn so với D5 và D6. Cụ thể, dựa trên các tiêu chí: tỉ lệ mang thai là 70,4%; 59,3% và 16,7%; p<0,001, tỉ lệ thai lâm sàng là 64,7%; 51,6% và 16,7%; p<0,001, tỉ lệ thai diễn tiến là 56,0%; 45,3% và 11,1%; p<0,001, tỉ lệ trẻ sinh sống là 48,7%; 35,5% và 11,1%; p<0,001 lần lượt đối với chu kì chuyển phôi nang nguyên bội D5, D6 và D7. Tỉ lệ sảy thai không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm.
Ngoài ra, kết quả OPR được so sánh giữa chuyển phôi nang được nuôi cấy từ noãn tươi và noãn trữ lạnh. Trong số 1527 chu kỳ FET, có 191 chu kỳ sử dụng noãn trữ lạnh với OPR là 50,3% và 1336 chu kỳ sử dụng noãn tươi với OPR là 50,5%. Không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm noãn tươi và noãn trữ lạnh (p=0,946). Dựa vào các kết quả lâm sàng cho thấy, chu kỳ FET của phôi nang nguyên bội D5 có hiệu quả điều trị cao hơn phôi nguyên bội D6. 
 
Phôi phát triển chậm có mối tương quan đến chất lượng phôi kém. Do đó, phôi nang nguyên bội D7 chất lượng kém cao hơn đáng kể so với phôi nang nguyên bội D5 và D6. Nghiên cứu phân tích sâu hơn được thực hiện để so sánh kết quả OPR theo chất lượng phôi nang (tốt, trung bình, kém). Kết quả cho thấy, ở nhóm phôi nang chất lượng tốt, không có sự khác biệt đáng kể giữa D5, D6 và D7. Tuy nhiên, với nhóm phôi nang chất lượng trung bình và kém, tỉ lệ phôi nang nguyên bội khác nhau đáng kể giữa D5, D6 và D7 (lần lượt là 12,5%; 34,3% và 83,3% đối với nhóm phôi chất lượng kém). Từ kết quả trên cho thấy, chất lượng phôi ảnh hưởng đến kết quả OPR.
 
Nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của tuổi bệnh nhân và ngày sinh thiết phôi nang đến kết quả OPR bằng việc phân các nhóm phụ (bệnh nhân <38 tuổi chuyển phôi nang nguyên bội D7 là nhóm tham chiếu). Cụ thể, không có sự khác biệt đáng kể về kết quả chuyển phôi nguyên bội D7 ở nhóm ≥38 tuổi so với <38 tuổi (OR=2,56 [0,32–20,77]; P=0,379). Đối với nhóm bệnh nhân <38 tuổi, chuyển phôi nguyên bội D5/D6 có tỉ lệ thai diễn tiến cao hơn D7 (OR=12,37 [2,21–69,18]; P=0,004). Kết quả OPR cũng tăng đối với nhóm bệnh nhân ≥38 tuổi chuyển phôi D5/D6 so với nhóm tham chiếu (OR=14,24 [2,52– 80,34]; P=0,003). Dựa vào kết quả nghiên cứu, một mô hình xác suất dự đoán của OPR phân tích rằng, ở bệnh nhân <38 tuổi có xác xuất đạt 8% khi chuyển phôi nang nguyên bội D7. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân ≥38 tuổi, xác suất dự đoán tăng lên 18%. Chuyển phôi nang nguyên bội D5/D6 có xác suất dự đoán kết quả OPR cao hơn đáng kể so với D7 (52% và 56%) ở cả hai nhóm tuổi.

Bàn luận
Việc lựa chọn phôi nang chất lượng tốt để chuyển vẫn là một thử thách trong điều trị IVF. Ngày sinh thiết phôi nang là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng làm tổ của phôi. Các nghiên cứu trước kia cho rằng phôi nang phát triển chậm D7 vẫn chưa được kết luận rõ ràng về tiềm năng của chúng so với D5 và D6. Các báo cáo đã chứng minh phôi D7 tiên lượng lâm sàng kém hơn so với D5 và D6 trong các chu kỳ FET. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tỉ lệ thai diễn tiến giảm dần theo ngày sinh thiết (D5: 56,0%; D6: 45,3% và D7: 11,1%). Hiện tại còn nhiều tranh cãi về hiệu quả lâm sàng của việc chuyển phôi nang nguyên bội D7. 

Tỉ lệ nguyên bội của phôi giảm dần theo tuổi mẹ cao. Tuy nhiên, nuôi cấy phôi nang đến D7 có thể là một chiến lược để tối ưu hoá kết quả tiên lượng xấu của người bệnh. Cách tiếp cận này có thể phù hợp đối với bệnh nhân ≥38 tuổi, có xác suất dự đoán kết quả OPR là 18%. Vì vậy, những bệnh nhân này vẫn có cơ hội mang thai nếu có phôi nang nguyên bội D7 thay vì bắt đầu một chu kì điều trị mới. Phôi nang nguyên bội D7 có khả năng làm tổ với tỉ lệ mang thai ở ngưỡng chấp nhận được (16,7%). Tuy nhiên, cần có sự tư vấn phù hợp cho bệnh nhân. 
Mặt khác, yếu tố tuổi cha cũng ảnh hưởng đến sự hình thành phôi nang chậm ngoài yếu tố tuổi mẹ và giá trị AMH thấp. Ngoài ra các nghiên cứu khác cho thấy tuổi cha cao và sự phẩn mảnh DNA tinh trùng ảnh hưởng đến quá trình thụ tinh, sự phát triển của phôi, chất lượng phôi và kết quả lâm sàng. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để tìm ra mức độ ảnh hưởng của yếu tố nam giới đến phát triển chậm của phôi. 

Tóm lại, nuôi cấy phôi nang D7 được xem là tăng số lượng phôi nang có thể chuyển, chủ yếu ở nhóm tuổi mẹ cao. Tuy nhiên cần xem xét thêm đặc điểm của từng bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
 
Nguồn: Abdala A, Elkhatib I, Bayram A, El-Damen A, Melado L, Nogueira D, Lawrenz B, Fatemi HM. Reproductive outcomes with delayed blastocyst development: the clinical value of day 7 euploid blastocysts in frozen embryo transfer cycles. Zygote. 2023 Dec;31(6):588-595. doi: 10.1017/S0967199423000485. Epub 2023 Nov 13. PMID: 37955175.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK