Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 01-08-2024 1:53pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Phan Thị Ngọc Linh – IVFMD Tân Bình
 
  1. GIỚI THIỆU
Sẩy thai liên tục (Recurrent pregnancy loss – RPL) là tình trạng mất thai hai lần hoặc ít nhất ba lần liên tiếp. Tỷ lệ này ảnh hưởng khoảng 2-3% các cặp vợ chồng đang cố gắng có con. Trước đây, người ta cho rằng RPL do thai nhi không sống được. Các đánh giá lâm sàng hiện nay chỉ thường tập trung vào phụ nữ hơn là đàn ông. Tuy nhiên, gần đây, với hướng dẫn mới về RPL của Hiệp hội Sinh sản và Phôi thai học châu Âu (European Society of Human Reproduction and Embryology – ESHRE) đã khuyến nghị nên xem xét phân tích phân mảnh DNA để chẩn đoán RPL. Đây là một thay đổi trong thực hành lâm sàng, vì trước đây chỉ khuyến nghị kiểm tra karyotype của đàn ông sau khi đã thực hiện các đánh giá khác. Các cặp vợ chồng bị RPL thường có thể mang thai nhưng không thể duy trì thai kỳ đến đủ tháng. Các nghiên cứu cho thấy, mặc dù tinh trùng của nam giới trong các cặp vợ chồng bị RPL thường có mật độ bình thường so với nhóm đối chứng, nhưng chất lượng tinh trùng, đặc biệt là phân mảnh DNA tinh trùng, có thể liên quan đến RPL.
 
Nghiên cứu này nhằm xác định mối liên hệ giữa sự phân mảnh DNA tinh trùng, hình thái và mật độ tinh trùng với kết quả lâm sàng sinh sản (chủ yếu là khả năng sinh con sống và nguy cơ sảy thai tiếp theo) ở các cặp vợ chồng bị RPL.
 
  1. PHƯƠNG PHÁP
Nghiên cứu này là một phần của nghiên cứu MiRPL (Krog và cs., 2022) được thực hiện tại đơn vị RPL bậc cao tại Bệnh viện Đại học Copenhagen, Bệnh viện Rigshospitalet và Bệnh viện Hvidovre, Đan Mạch.
 
Các cặp vợ chồng tham gia nghiên cứu sau khi trải qua ba lần sảy thai liên tiếp (bao gồm cả thai chết lưu sớm) hoặc hai lần sảy thai muộn (sảy thai sau khi sàng lọc tam cá nguyệt đầu tiên bình thường). Tất cả các cặp vợ chồng được mời tham gia tại cuộc tư vấn đầu tiên từ ngày 1 tháng 4 năm 2018 đến ngày 1 tháng 12 năm 2019 và được theo dõi ít nhất 1 năm sau khi tham gia. Các tiêu chí loại trừ bao gồm: tuổi phụ nữ trên 41 tuổi, có hơn một con chung, bất thường nhiễm sắc thể của bố mẹ (kiểm tra kiểu gen tiêu chuẩn của cặp vợ chồng được thực hiện thường quy tại phòng khám), sử dụng tinh trùng hoặc noãn hiến tặng, dị tật tử cung nghiêm trọng và sử dụng kháng sinh, kháng nấm hoặc kháng virus trong vòng 2 tuần trước đó (cả vợ hoặc chồng).
 
  1. KẾT QUẢ
Trong số 95 cặp vợ chồng, có 35,9% bệnh nhân nam có DFI (DNA fragmentation index) ≥15 trong nghiên cứu. Trong đó, 81 cặp (85,3%) đã mang thai sau khi được chuyển phôi. Trong lần mang thai đầu tiên sau khi chuyển phôi, 46 cặp (56,8%) sinh con sống và 35 cặp (43,2%) tiếp tục bị sảy thai.
 
Không có sự khác biệt đáng kể về chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) ban đầu giữa các cặp bị sảy thai (trung bình 11,7; IQR 9,1-17,3) và các cặp sinh con sống (trung bình 12,5; IQR 9,3-16,5; P = 0,971).
 
Cải thiện hình thái tinh trùng làm tăng khả năng sinh con sống (OR 1,26; khoảng tin cậy 95% 1,05-1,52; P = 0,014).
 
DFI và mật độ tinh trùng không liên quan đến kết quả của lần mang thai đầu tiên sau khi chuyển phôi. Các cặp không mang thai có DFI trung bình cao hơn là 17,7 (IQR 7,7-27,2) so với phần còn lại của nhóm nghiên cứu (trung bình 12,0, IQR 9,3-16,5; P = 0,041).
 
  1. THẢO LUẬN
Nghiên cứu này cho thấy chỉ số DFI cao ở bệnh nhân nam trong các cặp vợ chồng bị sảy thai liên tục (RPL). Tuy nhiên, DFI cao không liên quan đến nguy cơ sảy thai tiếp theo. Thay vào đó, DFI cao làm tăng khả năng các cặp vợ chồng bị RPL không thể mang thai sau khi được chuyển phôi. Các cặp vợ chồng này thường có mật độ và hình thái tinh trùng trong phạm vi bình thường, cho thấy các yếu tố nam giới riêng lẻ chưa được xác định có thể góp phần vào thất bại sinh sản hay không.
 
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hình thái tinh trùng tốt hơn liên quan đến khả năng sinh con sống, nhưng không ảnh hưởng đến nguy cơ sảy thai tiếp theo hoặc khả năng mang thai. Ngoài ra, không có mối liên hệ giữa mật độ tinh trùng và trẻ sinh sống. Các yếu tố khác như tuổi và giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng được xem xét, nhưng không có kết luận rõ ràng về mối liên hệ với DFI và kết quả sinh sản. Các hạn chế của nghiên cứu này bao gồm việc sử dụng phương pháp đo DFI không trực tiếp đo đứt gãy sợi DNA và thiếu thông tin về tình trạng di truyền của thai nhi bị mất.
 
Tổng kết lại, nghiên cứu này cho thấy vai trò quan trọng của yếu tố nam giới trong RPL và cần nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ giữa DFI, hình thái tinh trùng và kết quả sinh sản.
 
  1. KẾT LUẬN
Nghiên cứu này cho thấy, chỉ số DFI tăng cao được đo bằng SCSA ở nam giới trong các cặp đôi bị RPL, nhưng DFI cao không liên quan đến nguy cơ mất thai lần sau. Thay vào đó, DFI cao làm tăng đáng kể khả năng cặp đôi RPL không mang thai sau khi chuyển phôi. Những người đàn ông trong các cặp đôi này thường có mật độ tinh trùng và hình thái trong phạm vi bình thường, điều này cho thấy một yếu tố nam giới bất kì không xác định được tình trạng suy sinh sản.
 
TLTK: Krog, Maria Christine, et al. "Prospective reproductive outcomes according to sperm parameters, including DNA fragmentation, in recurrent pregnancy loss." Reproductive BioMedicine Online 49.2 (2024): 103773.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK