Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 18-09-2024 6:34am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 
Tiêu chuẩn tinh dịch đồ là dựa trên khuyến cáo kiêng xuất tinh 2-7 ngày của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Trong 40 năm WHO thiết lập các tiêu chuẩn phân tích tinh dịch, chưa có đánh giá nào xem khoảng thời gian kiêng xuất tinh cụ thể có tối ưu cho khả năng sinh sản của mỗi cá nhân hoặc nhóm bệnh nhân đang cố gắng thụ thai bằng giao hợp tự nhiên hoặc công nghệ hỗ trợ sinh sản (assisted reproductive technology – ART) hay không. Vì vậy, hầu hết các trung tâm IVF trên thế giới đã sử dụng các tiêu chuẩn kiêng xuất tinh của WHO để chỉ định thu nhận mẫu tinh dịch trong điều trị IVF/ICSI. Các báo cáo cho thấy yếu tố nam ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội điều trị thành công ngay cả khi sử dụng kỹ thuật ICSI. Những yếu tố này bao gồm mức độ sản xuất tinh trùng, nguyên nhân vô tinh, nguồn gốc tinh trùng, phân mảnh DNA tinh trùng, tuổi cha cao, chỉ số BMI/béo phì. Trong đó, sự chú ý tăng dần đến vai trò của ngày kiêng xuất tinh lên chất lượng tinh trùng và thành công IVF. Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên kết giữa giảm ngày kiêng xuất tinh và chất lượng tinh trùng tốt hơn cũng như tỉ lệ mang thai cao hơn. Do đó, bài tổng quan này sẽ tập trung chủ yếu vào các nghiên cứu gần đây chứng minh về ảnh hưởng của ngày kiêng xuất tinh đến kết cục thai kỳ.
 
28 nghiên cứu (NC) được chọn lọc và đánh giá. Các kết quả cho thấy ngày kiêng xuất tinh (KXT) lâu hơn tương quan với sự tăng thể tích tinh dịch và số lượng tinh trùng nhưng lại giảm độ di động và hình thái tinh trùng. Chỉ số pH tinh dịch không bị ảnh hưởng bởi ngày KXT. Khả năng sống của tinh trùng không bị ảnh hưởng bởi thời gian KXT khác nhau mặc dù tổng số tinh trùng sống sau xuất tinh tăng lên với thời gian KXT lâu hơn.
 
-8NC cho thấy mức độ phân mảnh DNA tinh trùng thấp nhất ở tinh dịch thu nhận có <24h KXT.
-4NC khẳng định chất lượng tinh trùng tốt hơn với ngày KXT ngắn hơn.
-1NC gần đây (2023) về những bệnh nhân nam có kết quả tinh dịch đồ là vài tinh trùng di động/bất động trong mẫu sau ly tâm (cryptozoospermia – crypto) với kết luận trước đó là vô tinh (azoospermia). Họ được yêu cầu lấy 3 mẫu tinh dịch, 2 mẫu sau được lấy trong vòng 24h sau mẫu đầu tiên. Khi tìm thấy tinh trùng di động trong mẫu thì 97% bệnh nhân có đủ tinh trùng được lấy ở 2 mẫu sau để sử dụng cho ICSI. Hai mẫu sau có thời gian KXT <24h lại cho độ di động tốt hơn mẫu đầu. Nghĩa là nguy cơ không có tinh trùng nếu KXT ngắn có thể rất thấp vì ngay cả mẫu crypto cũng vẫn thu nhận đủ mẫu và thậm chí có chất lượng tốt hơn.
 
-1 tổng quan hệ thống khác (2023) phân tích 7NC sử dụng thời gian KXT cực ngắn (<4h) so với ngày KXT dài (2-7 ngày hoặc 3-5 ngày). Các tác giả ghi nhận kết quả bằng cách phân tích tinh dịch đồ 2 lần, lần thứ hai là KXT 1h và phát hiện mật độ tinh trùng tăng đáng kể với tỉ lệ di động tiến tới cao hơn, mức độ phân mảnh DNA tinh trùng giảm đáng kể với tính toàn vẹn DNA nhiều hơn. Phân tích kết quả lâm sàng sau IVF/ICSI thì tỉ lệ thụ tinh không có khác biệt (OR=1,05; 0,67-1,64), tỉ lệ làm tổ ở nhóm KXT ngắn cải thiện hơn (OR=1,45; 1,45-1,80); tỉ lệ thai lâm sàng (OR=1,66; 1,22-2,26) và tỉ lệ trẻ sinh sống (OR=1,69; 1,19-2,39) ở nhóm này cũng tốt hơn đáng kể. Chỉ 2NC đánh giá nguy cơ sẩy thai cao hơn ở nhóm KXT ngắn nhưng không có ý nghĩa thống kê (OR=0,72; 0,44-1,18).
 
-1 tổng quan hệ thống của Sorenson (2023) trên 24NC có ngày KXT là 1h và 12-15 ngày:
+9NC nhận thấy tỉ lệ thai lâm sàng cao hơn có ý nghĩa thống kê với mẫu tinh dịch có thời gian KXT ngắn.
+3NC đánh giá tỉ lệ trẻ sinh sống cũng cao hơn đáng kể ở nhóm có thời gian KXT ngắn.
+11NC đánh giá tính toàn vẹn DNA tinh trùng tốt hơn ở mẫu tinh dịch với ngày KXT ngắn.
 
Như vậy, các bằng chứng của Sorenson đã khẳng định lần nữa lợi ích của thời gian KXT ngắn dựa trên các kết cục lâm sàng và khoảng tham chiếu là 1-3h KXT.
 
Liên quan đến sự phân mảnh DNA tinh trùng thấp hơn được quan sát thấy trong hầu hết các nghiên cứu xem xét các mẫu có thời gian KXT ngắn hơn, cơ chế của nó có thể là sự xuất tinh của quần thể tinh trùng “trẻ hơn” có thời gian tiếp xúc ngắn hơn với tác động độc hại của các phản ứng oxy hóa (reactive oxygen species – ROS). Tinh hoàn giàu enzyme chống oxy hóa có thể bảo vệ tinh trùng khỏi bị tổn thương do ROS gây ra; trong khi tinh trùng có nguy cơ bị tổn thương trong 6-10 ngày tiếp theo của quá trình vận chuyển đến mào tinh hoàn. Do đó, thời gian KXT ngắn hơn có thể làm giảm thời giận vận chuyển qua mào tinh hoàn nên giảm nguy cơ tổn thương DNA.
 
Tóm lại, các bằng chứng khoa học ở mức độ tin cậy cao đã kết luận rằng khoảng thời gian KXT được khuyến cáo là 2-7 ngày do WHO đề xuất để kiểm tra và xử lý tinh dịch người không phải là mẫu có chất lượng tinh trùng tốt nhất để sử dụng trong điều trị ART bằng kỹ thuật IVF/ICSI. Các mẫu tinh dịch thu nhận với thời gian kiêng xuất tinh 1 ngày hoặc ít hơn (và tốt nhất là <4h) có khả năng sinh sản tốt nhất cho ART. Vì vậy, các trung tâm IVF nên áp dụng các khuyến nghị mới này để tối ưu hóa kết cục lâm sàng trong IVF/ICSI.
 
 
Nguồn: Schlegel P.N. Abstinence for sperm sample collection and ART outcome: an unsubstantiated myth. 2024 Jun 1.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK