Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 19-09-2024 7:07am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Quảng Thị Phước Tín - IVFMD SIH - Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn
 
Với sự ra đời của kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection - ICSI), tỷ lệ thụ tinh đã được cải thiện đáng kể ở các cặp vợ chồng vô sinh do yếu tố nam và thất bại trong các chu kỳ IVF cổ điển. Ngày nay, ICSI còn được sử dụng rộng rãi trong những trường hợp vô sinh không do yếu tố nam như: vô sinh không rõ nguyên nhân, vô sinh do yếu tố nữ (chất lượng noãn kém và phụ nữ lớn tuổi). Việc sử dụng ICSI cho tất cả các trường hợp IVF (bất kể đặc điểm tinh trùng) tăng từ 36,4% (1996) lên 76,2% (2012), mặc dù Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) khuyến cáo không sử dụng ICSI thường quy cho trường hợp vô sinh không do yếu tố nam.
 
Có giả thuyết rằng ICSI làm tăng tỷ lệ thụ tinh, tuy nhiên các nghiên cứu so sánh ICSI và IVF cổ điển, đặc biệt trong các trường hợp vô sinh không do yếu tố nam, phần lớn không cho thấy cải thiện nào liên quan đến tỷ lệ thụ tinh, làm tổ hoặc mang thai. Một nghiên cứu hồi cứu lớn gần đây chứng minh ở những bệnh nhân (BN) vô sinh không do yếu tố nam, việc sử dụng ICSI là không cần thiết và không cải thiện được tỷ lệ sinh sống tích lũy, mặc khác còn làm tăng chi phí đáng kể so với IVF cổ điển. Mặc dù lợi ích của ICSI là không thể phủ nhận nhưng những lo ngại liên quan đến ICSI cần được cân nhắc khi kỹ thuật này không được chỉ định cụ thể.
 
Vì IVF cổ điển vẫn giữ lại một số bước của quá trình chọn lọc tinh trùng tự nhiên nên việc nghiên cứu xem kết quả sinh sản có khác nhau hay không giữa ICSI và IVF cổ điển trong các trường hợp vô sinh không do yếu tố nam là điều đáng quan tâm. Bên cạnh đó việc sử dụng PGT-A cũng có thể so sánh hiệu quả của 2 kỹ thuật này trong các trường hợp vô sinh không do yếu tố nam, cụ thể là sử dụng tỷ lệ phôi nguyên bội làm marker. Từ đó đưa ra suy luận các tác động đến kết quả sinh sản và mang thai trong tương lai.
 
Mục tiêu chính của nghiên cứu là so sánh tỷ lệ phôi nguyên bội giữa IVF cổ điển và ICSI, thứ hai là đánh giá sự khác biệt về tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ phôi nang trong các trường hợp vô sinh không do yếu tố nam. Từ đó xác định xem việc sử dụng ICSI trong các trường hợp vô sinh không do yếu tố nam có mang lại lợi ích nào ở mức độ phôi hay không.
 
Nghiên cứu phân tích dữ liệu hồi cứu được thực hiện tại Hoa Kỳ. Đối tượng nghiên cứu gồm những BN đã trải qua điều trị IVF tự thân từ tháng 1/2014 – 12/2021 và sử dụng 2 kỹ thuật IVF cổ điển hoặc ICSI. Các chu kỳ sử dụng noãn, tinh trùng hiến tặng hoặc noãn đông lạnh-rã đông bị loại trừ.
 
Những BN có tổng số tinh trùng di động (TTDĐ) <4 triệu/mL sau lọc rửa hoặc thất bại thụ tinh trước đó được khuyến cáo nên thực hiện ICSI. Ngưỡng cho IVF cổ điển được sử dụng trong nghiên cứu hiện tại (tổng số TTDĐ >4 triệu /mL sau lọc rửa) phù hợp với một số nghiên cứu khác. Bên cạnh đó những nghiên cứu này cho rằng tổng số TTDĐ <5 triệu/mL là tiên lượng của tình trạng vô sinh do yếu tố nam nghiêm trọng, bằng chứng là tỷ lệ thai diễn tiến thấp.
 
Đối với IVF cổ điển, trong mỗi giọt chứa 75-uL môi trường + 100.000 TTDĐ và tối đa 5 cụm noãn. Đối với ICSI, noãn được tách và sử dụng noãn MII để ICSI và nuôi cấy. Phôi được nuôi cấy trong tủ ấm với điều kiện: 7% CO2, 6% O2, 87% N2 và 36,8°C, sau đó đánh giá thụ tinh.  Phôi ngày 5, 6 hoặc 7 (phôi đạt độ nở rộng ≥3) và chất lượng ICM hoặc TE loại A & B theo phân loại Gardner sẽ được trữ đông.
 
PGT-A được thực hiện trên tất cả các phôi chất lượng tốt ( phôi độ 3 - 6 với ICM hoặc TE loại A hoặc B). Phôi được coi là bình thường về mặt nhiễm sắc thể theo ngưỡng số bản sao được xác định do mỗi phòng xét nghiệm di truyền thiết lập và bất kỳ phôi nào dưới ngưỡng bình thường sẽ không được sử dụng để chuyển. Tất cả các phôi được trữ đông bằng phương pháp thủy tinh hóa sau sinh thiết.
 
Kết cục chính là tỷ lệ phôi nguyên bội trên mỗi phôi được sinh thiết trong nhóm ICSI so với nhóm IVF cổ điển. Kết cục phụ gồm tỷ lệ thụ tinh và số lượng phôi được sinh thiết.
 
Một số kết quả ghi nhận được:
Tổng cộng có 3554 BN đáp ứng các tiêu chí tuyển chọn. Những BN này đã trải qua 4.897 chu kỳ IVF, trong đó có 1.858 chu kỳ (38%) sử dụng ICSI và 3.039 (62%) sử dụng IVF cổ điển (có 78 BN đã có ít nhất một chu kỳ ICSI và một chu kỳ IVF). Tất cả các chu kỳ đều có xét nghiệm PGT-A để phát hiện lệch bội và những trường hợp có tổng số TTDĐ sau lọc rửa >4 triệu/mL đều được đưa vào nghiên cứu.
 
Số lượng noãn thu được và số lượng phôi sinh thiết tương tự nhau ở cả 2 nhóm, trong khi tỷ lệ thụ tinh trên mỗi noãn thu được thấp hơn đáng kể ở nhóm ICSI so với IVF cổ điển (0,64 so với 0,66). Tỷ lệ phôi nguyên bội trong nhóm ICSI thấp hơn đáng kể so với IVF cổ điển (0,47 so với 0,52).
 
Một số hạn chế của nghiên cứu gồm: Thiết kế nghiên cứu hồi cứu thực hiện tại một trung tâm duy nhất do đó có thể hạn chế khả năng khái quát hóa. Vì nghiên cứu chỉ phân tích các chu kỳ có ít nhất một noãn đã thụ tinh sau đó phát triển lên phôi nang, thỏa tiêu chí nhận bệnh và được thực hiện PGT-A, trong khi các chu kỳ thất bại thụ tinh đã bị loại khỏi phân tích, do đó có thể tồn tại sai lệch trong việc phân tích tỷ lệ phôi nguyên bội.
 
Kết luận
ICSI đang được sử dụng ngày càng nhiều trên toàn cầu, ngay cả trong các trường hợp vô sinh không do yếu tố nam, đặt ra câu hỏi liệu ICSI có gây hại nhiều hơn là có lợi hay không. Kết quả trong nghiên cứu này cho thấy ICSI cho tỷ lệ thụ tinh thấp hơn ở mỗi noãn, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến số lượng phôi sinh thiết. Ngoài ra, tỷ lệ phôi nguyên bội khi thực hiện ICSI thấp hơn 11% so với IVF cổ điển. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong một nghiên cứu của Swearman và cộng sự (2018), có 31 chu kỳ ICSI được so sánh với 100 chu kỳ IVF cổ điển, kết quả cho thấy ICSI cho tỷ lệ phôi lệch bội cao hơn đáng kể (79,1% so với 70,9%). Từ những dữ liệu này nhóm tác giả khuyến nghị rằng IVF cổ điển nên là phương pháp được ưu tiên trong các trường hợp vô sinh không do yếu tố nam.
 
Nguồn: Compared with conventional insemination, intracytoplasmic sperm injection provides no benefit in cases of nonmale factor infertility as evidenced by comparable euploidy rate

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK