Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 18-09-2024 6:36am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 
Nhiều báo cáo về tác động tiêu cực của chu kỳ chuyển phôi tươi đối với thai kỳ và kết quả chu sinh trong điều trị hiếm muộn sử dụng hormone, bao gồm kích thích buồng trứng bằng FSH, gây mê và chọc hút noãn trong IVF. Chuyển phôi đông lạnh – rã đông (frozen embryo transfer – FET) cho phép tích lũy, bảo quản và chuyển phôi sau; do đó làm tăng tỉ lệ mang thai tích lũy và giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Những năm gần đây, việc nuôi cấy phôi từ giai đoạn phân chia lên phôi nang rồi mới chuyển phôi đã được chỉ định nhiều vì những cải tiến trong môi trường nuôi cấy phôi. Mặc dù nuôi cấy phôi nang có những ưu điểm như tự chọn lọc và tiềm năng phát triển tốt hơn đối với phôi nguyên bội và cải thiện về tỉ lệ trẻ sinh sống (live birth rate – LBR), nhưng các đánh giá hệ thống gần đây cho thấy không có lợi ích bổ sung nào đối với việc chuyển phôi nang so với phôi phân chia trong thực hành lâm sàng. Vì vậy, việc lựa chọn chuyển phôi giai đoạn phân chia hay phôi nang cho các chu kỳ FET luôn là một chủ đề gây tranh cãi. Hiện tại, chỉ mới có 2 nghiên cứu tập trung vào kết quả lâm sàng của chuyển phôi nang sau nuôi cấy phôi rã đông ở giai đoạn phân chia ngày 3 (N3). Do đó, mục đích của nghiên cứu này là đánh giá kết quả sinh sản của việc chuyển phôi đông lạnh giai đoạn phân chia so với chuyển phôi nang nuôi cấy từ phôi phân chia rã đông.
 
Đây là nghiên cứu nhãn mở (open-label randomised) trên 182 bệnh nhân ≤37 tuổi, có ít nhất 4 phôi đông lạnh chất lượng tốt và có chuyển phôi đông lạnh từ T11/2015 đến T6/2020. Trong đó, nhóm đối chứng (1) gồm 110 bệnh nhân thực hiện FET N3 và nhóm can thiệp (2) là 72 bệnh nhân chuyển phôi nang sau rã nuôi phôi N3. Cỡ mẫu của nghiên cứu này được tính dựa trên 20 mẫu thử nghiệm sơ bộ (pilot study) và phân tích ban đầu là 110 bệnh nhân cho mỗi nhóm với tỉ lệ mất mẫu (dropout rate) là 10%. Kết cục chính là tỉ lệ thai lâm sàng; kết cục phụ là tỉ lệ làm tổ, LBR và sẩy thai.  
Kết quả cho thấy:
- Tỉ lệ tạo phôi nang ở chu kỳ rã nuôi N3 là 49,46%.
-Cả 2 nhóm đều không có khác biệt đáng kể về thời gian đông lạnh, lượng hormone cơ bản vào N3, lượng Oestradiol tối đa, độ dày nội mạc vào ngày tiêm Progesterone và ngày chuyển phôi.
-Nhóm 2 cho tỉ lệ làm tổ, phôi lâm sàng và LBR đều cao hơn đáng kể so với nhóm 1 với tỉ lệ lần lượt là 34,43%; 56,94% và 49,29% so với 19,84%; 40,91% và 33,63% (P=0,001; 0,034 và 0,036).
-Không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê ở tỉ lệ sẩy thai, sinh đôi và các kết cục khác (P>0,05).
-Cả 2 nhóm đều không có trẻ dị tật bẩm sinh.
 
-Tỉ lệ phôi được thực hiện hỗ trợ thoát màng bằng phương pháp bắn laser (laser-assisted hatching – LAH) cao hơn đáng kể ở nhóm rã nuôi N3 lên phôi nang so với LAH ở nhóm phôi đông lạnh N3 (75% so với 20,91%; P<0,001). Tuy nhiên, không ghi nhận sự khác biệt ở tỉ lệ thai lâm sàng giữa những chu kỳ có LAH và không LAH ở cả 2 nhóm.
 
Như vậy, số liệu cho thấy tỉ lệ thai lâm sàng cao hơn đáng kể nhưng không làm tăng tỉ lệ đa thai ở chu kỳ chuyển phôi rã nuôi N3 lên phôi nang so với chu kỳ FET N3. Tương tự với dữ liệu trên thì đã từng có 1 nghiên cứu hồi cứu với cỡ mẫu rất lớn (n=150367) ở Úc cũng kết luận rằng chu kỳ rã nuôi phôi N3 lên phôi nang có kết cục lâm sàng cải thiện đáng kể so với chu kỳ FET N3/phôi nang. Nghiên cứu hiện tại đã thể hiện được lợi ích của việc chuyển phôi nang từ phôi rã nuôi N3. Hơn nữa, nhiều báo cáo đã chứng minh tỉ lệ bất thường nhiễm sắc thể (NST) ở phôi N3 chất lượng tốt là 59%; trong khi tỉ lệ này ở phôi nang chất lượng tốt chỉ có 35%. Nghĩa là xác suất bất thường NST ở phôi nang thấp hơn nhiều so với phôi N3.
 
Ngoài ra, sự không đồng bộ giữa phôi giai đoạn phân chia và đường sinh sản có thể làm giảm khả năng sống của phôi vì môi trường dinh dưỡng do ống dẫn trứng và tử cung cung cấp không phù hợp với phôi đang phát triển ở giai đoạn này; do đó, chuyển phôi N3 có thể bị căng thẳng về chuyển hóa (metabolic stress). Trong khi đó, phôi nang lại đồng bộ hóa tốt hơn với đường sinh sản nữ trong quá trình mang thai tự nhiên và do đó được bảo vệ khỏi áp lực này. Mặc dù số lượng chuyển phôi nang từ phôi rã nuôi N3 thấp hơn đáng kể nhưng lại cho kết quả lâm sàng tốt hơn nhiều so với FET N3.
 
Tóm lại, phôi nang từ nuôi cấy phôi rã đông N3 cho kết cục lâm sàng hiệu quả hơn so với chỉ chuyển phôi đông lạnh N3. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn còn hạn chế là tỉ lệ thai lâm sàng bị ảnh hưởng bởi thêm một yếu tố từ chuyên viên phôi học trong việc xếp loại phôi, lựa chọn và chuyển phôi. Vì vậy cần đề xuất thêm các thử nghiện ngẫu nhiên có đối chứng với cỡ mẫu lớn để đưa ra các bằng chứng mang tính thuyết phục hơn. 
 
Nguồn: Madani T, Jahangiri N, Yahyaei A, Vesali S, Zarei M, Yazdi PE. Does culture of post-thawed cleavage-stage embryos to blastocysts improve infertility treatment outcomes of frozen-thawed embryo transfer cycles? A randomised clinical trial. 2024 June.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK