Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 20-09-2024 7:38am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Lê Thị Quỳnh – IVFMD SIH - Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn

TỔNG QUAN
Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ lớn tuổi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) ở độ tuổi sinh sản rất muộn (Very advanced maternal age - VAMA), đã tăng đáng kể do những thay đổi trong xã hội và sự phát triển của công nghệ hỗ trợ sinh sản (HTSS). Sự suy giảm chức năng buồng trứng do tuổi tác khiến việc sử dụng noãn hiến tặng hoặc noãn tự thân đông lạnh trở thành lựa chọn khả thi và phổ biến. Mặc dù một số nghiên cứu đã báo cáo kết quả của các trường hợp này, tuy nhiên dữ liệu thu thập được từ các nhóm phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt ở giai đoạn tiền mãn kinh, vẫn còn hạn chế so với các nhóm trẻ tuổi hơn. Nhận thấy sự gia tăng số lượng các trường hợp này tại các trung tâm HTSS, nghiên cứu này nhằm mục tiêu cung cấp dữ liệu lớn hơn và phân tích sâu hơn về kết quả sinh sản ở nhóm đối tượng đặc biệt này.
 
Ngoài ra, tuổi sinh sản cao còn liên quan đến nguy cơ gia tăng các biến chứng sản khoa như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, sinh non và hạn chế tăng trưởng nội bào thai. Mức độ gia tăng các rủi ro này ở phụ nữ từ 45 tuổi trở lên cần được nghiên cứu thêm. Thông tin này rất quan trọng khi tư vấn IVF cho bệnh nhân (BN) và có thể trả lời câu hỏi quan trọng – “Liệu có giới hạn tuổi an toàn cho IVF hay không?”.
 
Nghiên cứu hiện tại tập trung vào kết quả có thai của nhóm phụ nữ VAMA đã loại trừ các trường hợp sử dụng noãn hiến tặng từ những người trẻ tuổi. Điều này giúp tập trung vào yếu tố lão hóa buồng trứng và giảm thiểu các yếu tố nhiễu. Ngoài ra, nghiên cứu nhằm xác định số lượng phôi tối ưu cần chuyển vào tử cung để đạt tỷ lệ trẻ sinh sống (Live birth rate – LBR) cao nhất và giảm thiểu nguy cơ đa thai ở nhóm phụ nữ này. Từ đó, cung cấp cơ sở khoa học cho việc tư vấn lâm sàng.
 
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
Nghiên cứu tiến hành phân tích dữ liệu từ một đăng ký IVF toàn quốc tại Đài Loan, tiến hành phân tích các chu kỳ IVF từ năm 2007-2016, tập trung vào nhóm phụ nữ từ 45 tuổi trở lên sử dụng noãn hiến tặng nhằm xác định rõ ràng tác động của lão hóa buồng trứng đối với kết quả sinh sản. Độ tuổi của người nhận noãn được chia thành ba nhóm tuổi: 45-46 tuổi, 47-49 tuổi và 50 tuổi trở lên, được xem là yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
 
Nhờ hệ thống bảo hiểm y tế toàn diện, các nhà nghiên cứu có thể thu thập dữ liệu chi tiết từ nhiều nguồn. Nghiên cứu đã được phê duyệt và tuân thủ các quy định về bảo mật dữ liệu.
 
Các chu kỳ IVF được phân tích để xác định LBR, các yếu tố ảnh hưởng và dữ liệu chi tiết cho mỗi chu kỳ, bao gồm phương pháp chuyển phôi (tươi hoặc đông lạnh), kỹ thuật thụ tinh, số lượng phôi chuyển, số lần thực hiện IVF và thời gian vô sinh.
 
Kết quả chính được đánh giá là tỷ lệ sinh trẻ sinh sống tích luỹ (Cumulative Live Birth Rate – CLBR) được tính bằng tỷ lệ giữa số trẻ sinh sống và số lần gom noãn. BN được phân nhóm theo độ tuổi tại lần chuyển phôi đầu tiên. Phương pháp này cho phép đánh giá hiệu quả điều trị sau một hoặc nhiều lần chuyển phôi từ một lần gom noãn.
 
Các kết quả khác bao gồm tỷ lệ thai lâm sàng (Clinical pregnancy rate – CPR), tỷ lệ sẩy thai (Miscarriage rate – MR), tỷ lệ sinh đơn thai (Single birth rate – SBR) và tỷ lệ sinh đôi (Twin birth rate – TBR). SBR được định nghĩa là có ít nhất một trẻ sinh sống sau một lần chuyển phôi. CPR được xác định bằng hình ảnh túi thai trên siêu âm. MR là tỷ lệ mất thai trước tuần thứ 20 của thai kỳ. TBR được tính bằng tỷ lệ giữa số cặp sinh đôi và tổng số ca sinh. Các định nghĩa này tuân theo báo cáo thường niên chính thức.
 
Đối với kết quả liên quan đến mẹ và trẻ sơ sinh, sinh non là tình trạng sinh trước 37 tuần của thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ và tiền sản giật được xác định dựa trên mã ICD của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO).
 
Các chu kỳ IVF sau đó được phân loại theo số lượng phôi chuyển để so sánh hiệu quả của các phương pháp chuyển phôi khác nhau.
 
Nghiên cứu sử dụng phần mềm R phiên bản 4.1.3 cùng với các gói R data.table, TableOne, stats và lubridate để phân tích dữ liệu. Các kiểm định bao gồm: chi-bình phương, phân tích phương sai, mô hình hồi quy tuyến tính và logistic được sử dụng để so sánh các biến giữa các nhóm tuổi, số lượng noãn, chất lượng phôi, số lượng phôi chuyển và đánh giá tác động của tuổi và các yếu tố khác đến kết quả sinh sản.
 
KẾT QUẢ
Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu đã tiến hành phân tích 1.226 chu kỳ chuyển phôi từ 745 phụ nữ VAMA trong độ tuổi 45-61, giai đoạn 2007-2016. Theo đăng ký IVF, có 509 trẻ sinh sống sau các chu kỳ chuyển phôi này.
 
Để phân tích sâu hơn về kết quả có thai và sức khỏe của mẹ và trẻ, nhóm tác giả sử dụng dữ liệu từ hồ sơ sinh quốc gia (2007-2016) cho 287 trường hợp. Trong đó, có 194 trường hợp SBR và 93 trường hợp TBR. Không có trường hợp sinh ba hoặc đa thai cao hơn được ghi nhận trong nhóm VAMA này.
 
IVF trong các trường hợp VAMA
Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2016, đã có những thay đổi đáng kể trong cách thực hiện IVF đối với nhóm phụ nữ VAMA. Tỷ lệ các chu kỳ IVF sử dụng noãn hiến tặng tăng từ 0,4% lên 1,6%. Đồng thời, số lượng phôi chuyển vào tử cung trung bình mỗi chu kỳ IVF giảm từ 3,59 xuống 1,89.
 
Mặc dù có những thay đổi này, tỷ lệ TBR và LBR sau mỗi chu kỳ IVF tương đối ổn định, lần lượt ở mức khoảng 30% và 40%.
 
Đặc điểm đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu được chia thành ba nhóm tuổi: 45-46 tuổi (443 chu kỳ), 47-49 tuổi (509 chu kỳ) và 50 tuổi trở lên (274 chu kỳ).
 
Kết quả cho thấy tỷ lệ thực hiện chuyển phôi tươi và ICSI không có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi. Số lượng phôi chuyển trung bình mỗi chu kỳ và số lần thực hiện IVF cũng không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm tuổi.
 
Tuy nhiên, thời gian vô sinh tăng theo độ tuổi (P = 0,001). Ở nhóm phụ nữ từ 45-46 tuổi có thời gian vô sinh ngắn hơn so với các nhóm tuổi lớn hơn. Số lượng noãn thu được từ người hiến không có sự thay đổi đáng kể giữa các nhóm tuổi.
 
Kết quả chính của nghiên cứu
CLBR không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm tuổi với tỷ lệ lần lượt là 58.0%, 55.3% và 54.2%. Điều này cho thấy khả năng sinh con thành công của phụ nữ VAMA khi sử dụng noãn hiến tặng là tương đương nhau.
 
Các chỉ số CPR, MR và TBR không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm tuổi. Mặc dù có xu hướng giảm nhẹ về tuổi thai và cân nặng sơ sinh ở các nhóm tuổi lớn hơn, nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Điều này cho thấy chất lượng thai kỳ và sức khỏe của trẻ sơ sinh không bị ảnh hưởng đáng kể bởi tuổi mẹ khi sử dụng noãn hiến tặng.
 
Các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ và xuất huyết sau sinh tương đương nhau giữa các nhóm tuổi.
 
THẢO LUẬN
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu tìm hiểu tuổi tác của người nhận noãn hiến tặng có ảnh hưởng đến kết quả IVF và quá trình mang thai hay không, đặc biệt ở phụ nữ độ tuổi trên 45.
 
Kết quả của nghiên cứu cho thấy tuổi tác không phải là yếu tố quyết định duy nhất ảnh hưởng đến kết quả IVF khi sử dụng noãn hiến tặng. Tuy nhiên, phụ nữ VAMA có thể đối mặt với một số rủi ro cao hơn, như tỷ lệ sinh non và tiền sản giật. Việc chuyển phôi đơn được khuyến nghị để giảm thiểu các biến chứng.
 
Hạn chế của nghiên cứu:
  • Kích thước mẫu nhỏ, đặc biệt ở nhóm tuổi lớn.
  • Thiếu thông tin về một số yếu tố quan trọng như tuổi bố, BMI của mẹ và các giai đoạn phát triển của phôi.
Mặc dù còn một vài hạn chế, tuy nhiên nghiên cứu đã cung cấp thông tin quan trọng cho bác sĩ, chuyên viên phôi học và BN về việc sử dụng noãn hiến tặng ở phụ nữ lớn tuổi. Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn về cơ chế sinh học và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả IVF.
 
KẾT LUẬN
Nghiên cứu cho thấy sự thành công và tiềm năng cao của phương pháp IVF sử dụng noãn hiến tặng ở phụ nữ lớn tuổi. Tuy nhiên, cần có sự theo dõi và quản lý chặt chẽ, đặc biệt là trong trường hợp đa thai, do nguy cơ xảy ra các biến chứng. Việc lựa chọn chuyển một phôi duy nhất nên được xem xét kỹ lưỡng để tối ưu hóa tỷ lệ thành công và giảm thiểu rủi ro. Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin hữu ích để bác sĩ và chuyên viên phôi học tư vấn cho nhóm phụ nữ VAMA mong muốn có con.
 
Tài liệu tham khảo: Chen et al (2024). IVF and obstetrics outcomes among women of very advanced maternal age (45+) using donor egg. Reproductive BioMedicine Online, 104291.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK