Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 22-06-2024 2:41pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Cẩm Nhung – IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu
Azoospermia (Vô tinh) là thuật ngữ chỉ tình trạng không có tinh trùng trong tinh dịch, chiếm khoảng 1–2% tổng số nam giới và 10–15% nam giới vô sinh. Vô tinh không do tắc (NOA) là tình trạng vô sinh nam nghiêm trọng nhất, trong đó quá trình sản xuất tinh trùng ở tinh hoàn gần như không có hoặc bị suy giảm nghiêm trọng. Phẫu thuật thu nhận tinh trùng từ tinh hoàn kết hợp với tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) là phương pháp duy nhất để có thể hỗ trợ cho các cặp vợ chồng vô tinh không do tắc. Cuối những năm 90, những trường hợp mang thai đầu tiên của nam giới NOA đã được báo cáo. Hiện nay phương pháp thu nhận tinh trùng thành công với tỷ lệ biến chứng thấp nhất là vi phẫu thuật tinh hoàn (microTESE), phương pháp này đã được Schlegel mô tả lần đầu tiên vào năm 1999.
 
Tỷ lệ thai lâm sàng của microTESE dao động từ 20% đến 75%. Trong một phân tích tổng hợp năm 2019 với 42 nghiên cứu phân tích kết quả ICSI đối với TESE và microTESE cho thấy tỷ lệ mang thai tích lũy là 29% (cPR) và tỷ lệ sinh sống (LBR) là 24%. Không có sự khác biệt thống kê về LBR giữa tinh trùng tươi và tinh trùng đông lạnh. Trong một nghiên cứu so sánh ICSI sử dụng tinh trùng tươi và đông lạnh thu được bằng microTESE, tỷ lệ thụ tinh lần lượt là 66% và 60%, với tỷ lệ làm tổ từ 51% đến 53%. Kỹ thuật microTESE được giới thiệu ở Phần Lan vào năm 2008 tại Bệnh viện Đại học Turku. Đến tháng 4 năm 2023, kỹ thuật này đã được thực hiện ở 360 nam giới, với tỷ lệ thu nhận được tinh trùng là 45%.
 
Mục đích của nghiên cứu là so sánh kết quả ICSI của tinh trùng thu nhận từ microTESE, chọc hút tinh trùng từ tinh hoàn (TESA) và tinh trùng xuất tinh với nồng độ tinh trùng dưới 15 triệu mỗi ml.
 
Thiết kế nghiên cứu: Đây là nghiên cứu hồi cứu được thực hiện tại Bệnh viện Đại Học Turku từ tháng 01 2011 đến tháng 06 2023. Bệnh nhân được chia làm ba nhóm:
  • Nhóm microTESE: tinh trùng thu nhận từ vi phẫu thuật tinh hoàn.
  • Nhóm OAT: mật độ tinh trùng dưới 15 triệu/ml, có hoặc không có bất thường về độ tinh trùng (Oligozoospermia) và/hoặc hình dạng tinh trùng (teratozoospermia).
  • Nhóm TESA (Nhóm đối chứng 2): tinh trùng đông lạnh được thu nhận bằng kim sinh thiết tinh hoàn. BN TESA đều thuộc nhóm vô tinh do tắc (OA) nguyên nhân là do có tiền sử chấn thương, nhiễm trùng, chấn thương phẫu thuật, nguyên nhân di truyền hoặc không giải thích được. Không có bệnh nhân nào thắt ống dẫn tinh cũng như hút thuốc lá tại thời điểm thu nhận tinh trùng.
 
Kết quả Có tổng cộng 462 chu kỳ ICSI, trong đó 340 bệnh nhân thuộc nhóm OAT, 51 bệnh nhân TESA và 71 bệnh nhân micro-TESE. Các đặc điểm của bệnh nhân, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ mang thai và dữ liệu về kết quả mang thai là tương tự nhau giữa các nhóm. Tỷ lệ thụ tinh là 66,0% ở nhóm OAT, 68,3% ở nhóm TESA và 62,8% ở nhóm microTESE và tỷ lệ sinh sống trên mỗi lần chuyển phôi lần lượt là 23,7%, 28,9% và 25,0%, không có sự khác biệt thống kê. Kết quả sản khoa là tương tự ở tất cả các nhóm.
 
Kết luận: Nghiên cứu này chứng minh tinh trùng ở nhóm bệnh nhân NOA thu được bằng micro-TESE có thể thụ tinh với noãn bằng ICSI tương tự như nam giới vô tinh do tắc thực hiện thu nhận tinh trùng bằng TESA, hoặc tinh trùng xuất tinh của nam giới OAT nặng. MicroTESE kết hợp với ICSI là phương pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ nhóm bệnh nhân NOA có con của chính mình. Tuy nhiên sức khỏe của trẻ sinh ra từ microTESE cần được đánh giá trong các nghiên cứu tiếp theo với cỡ mẫu lớn hơn.
 
Nguồn: Klami, R., Tomás, C., Mankonen, H., & Perheentupa, A. (2024). ICSI outcome after microdissection testicular sperm extraction, testicular sperm aspiration and ejaculated sperm. Reproductive Biology, 24(1), 100825.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK