Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 20-06-2024 9:16am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Đặng Ngọc Minh Thư, ThS. Nguyễn Huyền Minh Thụy  IVF Tâm Anh
 
Tổng quan
Sự ra đời và phát triển của xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ sàng lọc thể lệch bội (Preimplantation genetic testing for aneuploidies – PGT-A) góp phần quan trọng vào thành công của thụ tinh trong ống nghiệm. Sàng lọc thể lệch bội có thể ngăn ngừa các kết quả lâm sàng bất lợi do lệch bội nhiễm sắc thể (NST), cải thiện tỉ lệ mang thai và trẻ sinh sống trên mỗi lần chuyển phôi.
 
Ngày nay, với kỹ thuật di truyền giải trình tự thế hệ mới (Next-generation sequencing – NGS) với độ nhạy cao, khi phân tích các tế bào sinh thiết từ tế bào lá nuôi phôi (Trophectoderm – TE), đã phát hiện không chỉ có phôi nguyên bội, lệch bội mà còn có cả phôi khảm. Đây là hiện tượng tồn tại đồng thời hai hoặc nhiều dòng tế bào khác nhau về NST trong cùng một phôi. Khác với thể lệch bội là kết quả của phân chia NST bị lỗi trong quá trình hình thành giao tử, thể khảm được tạo ra chủ yếu do sai sót trong quá trình nguyên phân của phôi do phân ly không đồng đều hoặc sai sót ở trung thể và trục phân bào. Phân tích bằng NGS còn phát hiện việc mất hoặc sao chép đoạn NST nhỏ (khoảng 10Mb). PGT-A hiện tại thực hiện trên 3-10 tế bào TE, thay vì dòng tế bào ICM được lập trình để hình thành cơ thể. Đây là hạn chế quan trọng liên quan đến kết quả chẩn đoán và thể khảm.
 
Hiện nay, còn nhiều tranh cãi về các yếu tố gây ra thể khảm. Một số nghiên cứu cho rằng kích thích buồng trứng, môi trường nuôi cấy, điều kiện phòng lab có thể làm tăng tỉ lệ khảm, tuy nhiên những kết quả nghiên cứu này vẫn chưa rõ ràng. Yếu tố kỹ thuật khuếch đại toàn bộ bộ gen, số bản sao và phân tích NST cũng ảnh hưởng đến kết quả khảm. Tỉ lệ khảm được báo cáo khác nhau (từ 2-40%) giữa các lab di truyền khác nhau. Điều này có thể do độ nhạy và độ đặc hiệu của các kỹ thuật phân tích, kỹ thuật sinh thiết và số phôi bào sinh thiết.
 
Tác động của phôi khảm đến khả năng làm tổ, kết cục thai kì vẫn chưa được biết rõ. Một số nghiên cứu cho thấy chuyển phôi bị khảm ở mức độ thấp vẫn có thể sinh ra em bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác chỉ ra rằng phôi khảm có liên quan đến giảm tỉ lệ làm tổ, tăng tỉ lệ sảy thai.
 
Nghiên cứu này tiến hành đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp các kết quả nghiên cứu đã công bố để xác định một số yếu tố cụ thể có liên quan đến tỉ lệ khảm.
 
Vật liệu và phương pháp
Nghiên cứu này tổng hợp, phân tích các kết quả nghiên cứu đã công bố từ tháng 1/2016 đến 11/2022. Tiêu chí lựa chọn bao gồm các nghiên cứu đề cập đến phôi thể khảm khi sinh thiết TE ngày 5, 6, 7 và phân tích bằng NGS. Các biến số được phân tích bao gồm: chất lượng phôi, tuổi mẹ, tuổi cha, ngày sinh thiết, chất lượng tinh dịch.
 
Phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm SPSS (phiên bản 23.0) và R (phiên bản 4.2.0).
 
Kết quả
Tổng cộng 320 bài báo đã được thu thập, trong đó 27 bài đủ điều kiện tham gia sàng lọc, cuối cùng 7 bài được đưa vào phân tích. Thêm vào đó, dữ liệu thu thập từ trung tâm của tác giả (gồm 2513 chu kỳ, 7242 phôi) cũng được phân tích trong nghiên cứu này.
 
Kết quả phân tích cho thấy, chất lượng tinh dịch không có mối tương quan với thể khảm (OR:1,10, 95%; KTC: 0,87-1,37). Chất lượng phôi tốt và kém (A+B so với C+D) không có mối tương quan nào với tỉ lệ khảm (OR:1,09, 95%; KTC: 0,94-1,28). Ngược lại, có mối liên hệ giữa tỉ lệ khảm và ngày sinh thiết phôi. Phôi được sinh thiết vào ngày thứ 6 hoặc thứ 7 của quá trình phát triển cho thấy tỉ lệ khảm tăng nhẹ so với những phôi được sinh thiết vào ngày 5 (OR:1,06, 95%; KTC: 1,01-1,11).
 
Xét về mối tương quan giữa độ tuổi cha mẹ và tỉ lệ khảm. Đối với độ tuổi người cha, xét ở nhóm <40 tuổi và nhóm ≥40 tuổi cho thấy không có ý nghĩa thống kê về độ tuổi người cha và số phôi, cũng như tỉ lệ phôi khảm (OR:1,04, 95%; KTC: 0,90-1,21). Ngược lại với kết quả trên, độ tuổi của người mẹ được nhận thấy có tương quan với tỉ lệ khảm. Tỉ lệ khảm ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi (<34 tuổi) cao hơn so với nhóm phụ nữ lớn tuổi (≥34 tuổi).
 
Bàn luận
Phôi khảm là một trong những thách thức đối với các trung tâm IVF, đặc biệt là khi không có phôi nguyên bội để chuyển. Hiện tại vẫn chưa có nhiều tài liệu về hiệu quả lâm sàng của việc chuyển phôi khảm, đây vẫn là chủ đề gây tranh cãi.
 
Đây là phân tích tổng hợp đầu tiên được thực hiện về các yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ khảm phôi. Kết quả nghiên cứu này kết hợp với các y văn hiện có cho thấy, các yếu tố liên quan đến tỉ lệ khảm ở phôi là ngày sinh thiết phôi và tuổi mẹ. Các yếu tố còn lại được nghiên cứu cho thấy không có mối quan hệ đáng kể nào với tỉ lệ khảm. Những kết quả này có tầm quan trọng lớn vì việc biết các nguyên nhân có thể dẫn đến thể khảm sẽ giúp cải thiện kết quả lâm sàng của điều trị hỗ trợ sinh sản.
 
Nguồn: Cascales et al., “Factors associated with embryo mosaicism: a systematic review and meta-analysis,” J. Assist. Reprod. Genet., vol. 40, no. 10, pp. 2317–2324, Oct. 2023, doi: 10.1007/s10815-023-02914-9.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK