Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 20-08-2024 3:35am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Đỗ Lê Đình Thiện – IVFMD Phú Nhuận
 
Mỗi năm, 400.000 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trên toàn thế giới. Các chiến lược điều trị đã được cải thiện đáng kể trong những thập kỷ qua, mang lại tỷ lệ sống sót >80% ở những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở trẻ em. Khi ngày càng có nhiều trẻ em sống sót sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và sống đến tuổi trưởng thành, những hậu quả không lường trước được của các phác đồ điều trị sẽ trở thành mối lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe. Các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị có thể có ảnh hưởng đến những cơ quan khác. Ở buồng trứng, những phương pháp điều trị này có thể dẫn đến suy giảm dự trữ buồng trứng dẫn đến suy buồng trứng sớm hoặc mãn kinh. Vì vậy, cần có các chiến lược phát triển để bảo tồn khả năng sinh sản và chức năng các tuyến sinh dục.
 
Một số phương pháp điều trị bảo tồn khả năng sinh sản bao gồm đông lạnh noãn, chuyển vị buồng trứng và che chắn tuyến sinh dục. Tuy nhiên, đối với những người chưa dậy thì, những người chống chỉ định với kích thích buồng trứng hoặc trong trường hợp những bệnh nhân tiếp xúc với hóa trị liệu gây độc tuyến sinh dục việc chuyển vị trí hoặc che chắn buồng trứng là không có lợi, do đó đông lạnh mô buồng trứng (ovarian tissue cryopreservation - OTC) là lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản duy nhất. OTC thực hiện bằng việc cắt bỏ toàn bộ buồng trứng hoặc thông qua sinh thiết bằng nội soi ổ bụng trước khi bắt đầu điều trị hóa xạ trị. Trong quá trình này, vỏ buồng trứng, nơi cư trú của các nang nguyên thủy được tách ra và đông lạnh để sử dụng trong tương lai. Khi bệnh nhân đã sẵn sàng để phục hồi chức năng nội tiết và/hoặc khả năng sinh sản, mô vỏ buồng trứng có thể được rã đông và sử dụng cho việc cấy ghép hoặc dị dưỡng. Năm 2015, nhóm bác sĩ quốc gia của Hiệp hội Ung thư (OC-NPC) đã báo cáo rằng từ năm 2007 đến năm 2014, số lượng người tham gia trẻ và trưởng thành trải qua OTC đã tăng từ <20 lên hơn 150. Một nghiên cứu hồi cứu đơn trung tâm được thực hiện trong 20 năm đã báo cáo rằng tỷ lệ bệnh nhân nhi điều trị OTC so với tổng số trường hợp OTC đã dao động từ 32% năm 1998 lên 125% vào năm 2018. Trong khi đó nghiên cứu vẫn cần thiết để tiêu chuẩn hóa việc thu nhận, xử lý, đông lạnh và cấy ghép mô buồng trứng, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng ổn định trong nhóm dân số trẻ, chỉ có hai báo cáo trường hợp sinh sống được ghi nhận trong đó OTC được thực hiện trong giai đoạn trẻ em.
 
Mặc dù quy trình OTC giúp bảo tồn dự trữ buồng trứng trong vỏ buồng trứng, nhưng bản thân kỹ thuật xử lý này đã phá vỡ các nang noãn nhỏ và dẫn đến giải phóng các phức hợp noãn–Cumulus (cumulus–oocyte complexes – COC) vào môi trường thường bị loại bỏ. Tuy nhiên, kỹ thuật trưởng thành noãn trong ống nghiệm (in vitro maturation – IVM) có thể được thực hiện trên các COC này như một kỹ thuật bổ trợ để tối đa hóa tiềm năng bảo tồn khả năng sinh sản của mô buồng trứng. Ở người trưởng thành đã thực hiện IVM thành công; 70% noãn được phân lập trong chu kỳ kích thích buồng trứng đã trưởng thành trở thành noãn MII. Tuy nhiên, noãn MII giảm xuống còn 39% khi thực hiện IVM với noãn thu nhận từ buồng trứng được xử lý OTC. Hơn nữa, đối với nhóm trước tuổi dậy thì, tỷ lệ noãn trưởng thành sau IVM được ước tính chỉ 5–20%. Nói cách khác, lượng noãn phân lập từ mô buồng trứng thay đổi tùy theo các yếu tố như tuổi bệnh nhân và tiền sử điều trị trước đó, đồng thời số lượng noãn chắc chắn thu được sau IVM trên mỗi người tham gia thường thấp.
 
Do đó, những nỗ lực cải thiện quy trình IVM tiêu chuẩn đang được tiến hành nhằm tăng cường sự trưởng thành của noãn phân lập từ mô buồng trứng và các nang nhỏ có hốc. Ngoài ra, việc bổ sung vào môi trường nuôi trưởng thành với các yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi 2 (FGF2), yếu tố ức chế bệnh bạch cầu (LIF) và yếu tố tăng trưởng giống Insulin-1 (IGF-1) (FLI), được tìm thấy trong dịch nang, dẫn đến sự cải thiện đáng kể về sự trưởng thành noãn ở động vật. Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu bổ sung FLI ở người. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này trước tiên là mô tả hiệu quả của COC và noãn đã tách từ vỏ buồng trứng thu được sau quá trình xử lý mô cho OTC ở nhóm trẻ em bao gồm trẻ em trước tuổi dậy thì và một phần nhỏ hơn là thanh thiếu niên và thanh niên, sau đó xác định liệu việc bổ sung FLI có cải thiện kết quả IVM trong nhóm dân số mà trong đó OTC là lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản chính và tỷ lệ thành công của IVM thấp.
 
Phương pháp nghiên cứu:
Nghiên cứu thực hiện từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 12 năm 2021 trên 75 người tham gia thực hiện OTC thông qua Chương trình Phục hồi & Bảo tồn khả năng sinh sản & Nội tiết tố tại Bệnh viện Nhi Ann & Robert H. Lurie ở Chicago. Người tham gia trải qua phẫu thuật cắt buồng trứng một bên bằng nội soi ổ bụng.
Tiêu chuẩn nhận:
  • Bệnh nhân đang được điều trị OTC
  • Tuổi bệnh nhân bao gồm trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh niên <22 tuổi.
Tất cả COC của người tham gia và noãn đã bị loại bỏ đã được thu hồi từ môi trường sau quá trình xử lý mô buồng trứng. IVM sau đó được thực hiện trong môi trường tiêu chuẩn (môi trường trưởng thành noãn) hoặc môi trường bổ sung FLI (FGF2; 40 ng/ml, LIF; 20 ng/ml và IGF1; 20 ng/ml). Các kết quả của IVM bao gồm sự tiến triển đến giai đoạn giảm phân, sự phát triển của tế bào Cumulus, sự rút lại các cấu trúc TZP (transzonal projection retraction) và phát hiện biểu hiện của protein MAPK.
 
Kết quả:
Các bệnh nhân tham gia nghiên cứu có độ tuổi từ 0,2 đến 22,8 tuổi, với độ tuổi trung bình là 6,3 tuổi. Có 49 (65%) bệnh nhân tham gia ở độ tuổi trước dậy thì thuộc giai đoạn 1 dựa trên phân loại của Tanner, những bệnh nhân tham gia này có độ tuổi từ 0,2 đến 11,7 tuổi. Có 26 (35%) người tham gia được phân loại là sau tuổi dậy thì (Tanner giai đoạn 2–5) với độ tuổi từ 11,1 đến 22,8 tuổi. Chỉ định OTC do ung thư bao gồm 54,8% trường hợp và bao gồm u hình que điển hình (34,3%), bệnh bạch cầu (12,3%) và khối u não (8,2%). Các chỉ định không liên quan đến ung thư bao gồm 15,0% các trường hợp và bao gồm thiếu máu bất sản (4,1%), thiếu máu hồng cầu hình liềm (2,7%), hội chứng thực bào máu (Hemophagocytic lymphohistiocytosis-HLH) (2,7%), beta-thalassemia (2,7%), lạc nội mạc tử cung tái phát (1,4%) và hội chứng Hurler (1,4%). Các tình trạng khác, chiếm 30,2% trường hợp, bao gồm các chẩn đoán không dễ dàng thống nhất thành một loại, chẳng hạn như u nguyên bào thần kinh (20,5%), khối u Wilm (8,2%) và u lympho Hodgkin (1,4%).
 
Có 39,4% bệnh nhân tham gia không điều trị trước thủ thuật OTC, 60,6% bệnh nhân tham gia đã được hóa trị (53,5%; N= 38) hoặc kết hợp cả hóa trị và xạ trị (7,1%; N= 5) trước OTC.
 
Xử lý FLI không ảnh hưởng đến sự trưởng thành ở giai đoạn giảm phân nhưng thúc đẩy sự mở rộng của cumulus và rút lại TZP:
Khoảng một phần tư noãn trong COC đã trưởng thành thành noãn MII khi được đánh giá bằng quá trình tống xuất thể cực thứ nhất và điều này không phụ thuộc vào việc môi trường có chứa FLI hay không (25% ở nhóm đối chứng và 28,8% ở nhóm FLI). Khả năng giảm phân của noãn được tách bị ảnh hưởng đáng kể và không có noãn nào đạt đến giai đoạn MII trong môi trường đối chứng.
 
Trong các mô hình động vật, FLI điều chỉnh kích hoạt MAPK và gia tăng việc rút lại TZP trong quá trình IVM. Để xác định xem các cơ chế tương tự có xảy ra ở COC của người trong IVM hay không, mức độ mở rộng cumulus và số lượng TZP được so sánh trong khoảng từ 0 đến 16 giờ sau khi bắt đầu IVM. Quan sát cho thấy sự gia tăng đáng kể về khả năng mở rộng tế bào Cumulus khi COC trưởng thành với nhóm có FLI so với nhóm đối chứng (155,9% FLI và 81,3% đối chứng); p= 0,015.
 
Số lượng TZP trung bình trên mỗi noãn bào được kiểm tra vào lúc 16 giờ sau khi bắt đầu IVM. Có ít TZP hơn trong COC trưởng thành khi có FLI so với đối chứng (FLI: 1,2 ± 0,8 (trung bình 1,3 ± 0,8) và đối chứng (2,5 ± 0,5 (trung bình 2,6 ± 0,5); p= 0,021).
 
Kết luận:
Nghiên cứu này thúc đẩy các chiến lược bảo tồn khả năng sinh sản cho trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ trưởng thành. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung vào môi trường IVM tiêu chuẩn bằng FLI không làm tăng số lượng noãn nhưng cải thiện đáng kể các dấu hiệu liên quan đến chất lượng noãn bao gồm sự phát triển của tế bào cumulus và sự rút lại TZP, do đó nhóm nghiên cứu đề xuất rằng môi trường IVM–FLI có thể làm tăng tiềm năng phát triển của noãn. Cách tiếp cận IVM mới này, mặc dù đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, sẽ mang lại cơ hội để cải thiện các lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản cho những cá nhân chọn OTC để bảo tồn khả năng sinh sản.
 
Nguồn: Amargant, F., Zhou, L. T., Yuan, Y., Nahar, A., Krisher, R. L., Spate, L. D., Roberts, R. M., Prather, R. S., Rowell, E. E., Laronda, M. M., & Duncan, F. E. (2023). FGF2, LIF, and IGF1 (FLI) supplementation during human in vitro maturation enhances markers of gamete competence. Human reproduction (Oxford, England), 38(10), 1938–1951.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK