Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 14-06-2024 1:39am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Phạm Diệp Vũ Khang, ThS. Nguyễn Huyền Minh Thụy – IVF Tâm Anh
 
Tổng quan
Phân mảnh DNA tinh trùng (Sperm DNA fragmentation - SDF) là một phương pháp xét nghiệm bổ sung được thực hiện để đánh giá tính nguyên vẹn cấu trúc nhiễm sắc thể tinh trùng. Cấu trúc nhiễm sắc thể tinh trùng bất thường và SDF có liên quan đến vô sinh nam, sẩy thai liên tiếp và kết quả bất lợi trong điều trị hỗ trợ sinh sản. Mức độ tổn thương DNA tinh trùng cao có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành phôi nang, giảm tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai cũng như tăng tỉ lệ sẩy thai. Một trong những phương pháp điều trị được khuyến nghị cho nam giới bị tổn thương DNA tinh trùng là sử dụng trùng từ tinh hoàn để thụ tinh. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn rằng tinh trùng từ tinh hoàn có biểu hiện SDF thấp hơn so với tinh trùng xuất tinh. Do đó, nghiên cứu này được tiến hành để đánh giá mức độ phân mảnh DNA tinh trùng và kết quả lâm sàng khi sử dụng nguồn tinh trùng từ tinh hoàn và tinh trùng từ tinh dịch cho ICSI.
 
Phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu này được thực hiện từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 12 năm 2018 tại Trung tâm Y học Sinh sản, Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Ôn Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. 73 chu kỳ ISCI được thực hiện với những bệnh nhân nam có chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DNA Fragmentation Index - DFI) cao (≥25%), trong đó: 37 chu kỳ sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn (Nhóm T-ICSI) và 36 chu kỳ sử dụng tinh trùng từ tinh dịch (Nhóm E-ICSI). Một phần tinh trùng thu được sử dụng cho ICSI, phần còn lại được sử dụng để đánh giá SDF. Xét nghiệm phân tán chất nhiễm sắc tinh trùng (sperm chromatin dispersion – SCD) bằng bộ Halosperm được thực hiện để đánh giá mức độ tổn thương DNA tinh trùng.
 
Kết quả
Kết quả đánh giá DFI cho thấy DFI của tinh trùng từ tinh hoàn thấp hơn đáng kể so với DFI tinh trùng từ tinh dịch (16,81 ± 17,51 so với 56,96 ± 17,56, p < 0,001).
 
Trong khi tỉ lệ hình thành phôi nang ở nhóm T-ICSI cao hơn đáng kể so với nhóm E-ICSI (33,85% so với 21,56%, p < 0,05). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm T-ICSI và E-ICSI ở tỉ lệ thụ tinh (72,15% so với 77,23%, p > 0,05), tỉ lệ hình thành phôi tốt (47,17% so với 46,53%, p > 0,05), tỉ lệ thai lâm sàng (50% so với 56,52%, p > 0,05), tỉ lệ thai cộng dồn (70,2% so với 55,6%, p > 0,05) hoặc tỉ lệ trẻ sinh sống (43,75% so với 43,48%, p > 0,05).
 
Bàn luận
Nghiên cứu cho thấy mặc dù kết quả DFI trong tinh trùng xuất tinh cao hơn trong tinh hoàn nhưng tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ hình thành phôi nang chất lượng cao, thai lâm sàng, trẻ sinh sống lại không khác biệt giữa hai nhóm. Các nhược điểm của nghiên cứu này có thể kể đến: là nghiên cứu hồi cứu không có lựa chọn ngẫu nhiên dẫn đến sai lệch trong chọn mẫu. Cỡ mẫu nhỏ, thực hiện đơn trung tâm. Cần nghiên cứu RCT chất lượng tốt theo dõi so sánh trẻ sinh ra từ tinh trùng có độ phân mảnh DNA cao điều trị bằng ICSI sử dụng tinh trùng từ xuất tinh so với tinh hoàn.
 
Kết luận
Mặc dù tinh trùng từ tinh hoàn có SDF thấp hơn đáng kể so với tinh trùng từ tinh dịch, nhưng để chứng minh sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn tốt hơn thì cần có thiết kế nghiên cứu phù hợp. Việc sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn cho chu kỳ ICSI đầu tiên ở bệnh nhân vô sinh nam có SDF cao nên được xem xét kỹ.
 
Tài liệu tham khảo
ZHOU, Haisu, et al. Reproductive outcomes in patients with high levels of sperm DNA fragmentation using testicular sperm for intracytoplasmic injection: a retrospective analysis. Human Fertility, 2024, 27.1: 2338290. https://doi.org/10.1080/14647273.2024.2338290

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK