Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 11-06-2024 10:03am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNXN. Nguyễn Thị Thanh Huệ, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột
 
Công nghệ hỗ trợ sinh sản đã có những tiến bộ lớn trong việc giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có cơ hội mang thai thành công, nhưng đó vẫn là một thách thức trên nhóm bệnh nhân có đáp ứng kích thích buồng trứng kém. Đáp ứng kích thích buồng trứng được đo bằng số lượng noãn được lấy ra sau khi kích thích tối đa, và là một yếu tố dự báo chính của chu kỳ thành công. Số lượng noãn ít hơn dẫn đến phôi chất lượng tốt được hình thành ít hơn, do đó tỷ lệ mang thai thấp hơn so với những người bình thường. Vì vậy, kết quả của chu kỳ phụ thuộc vào một số yếu tố độc lập bao gồm tuổi của cặp vợ chồng, đặc biệt là tuổi vợ, thời gian vô sinh, đáp ứng kích thích buồng trứng, số lượng noãn thu được và các yếu tố tinh dịch. Dựa và phân loại Bologna (không được áp dụng nhiều trong các nghiên cứu) và tiêu chí Poseidon có thể xác định được các trường hợp đáp ứng kích thích buồng trứng kém. Trong tiêu chí Poseidon, lấy ra < 4 noãn được xem là đáp ứng buồng trứng kém. Đáp ứng buồng trứng kém chủ yếu gặp ở phụ nữ lớn tuổi (>35 tuổi), trong đó dự trữ buồng trứng giảm do tăng teo nang noãn và giảm độ nhạy cảm của nang noãn với FSH. Tuy nhiên, bệnh nhân có dự trữ buồng trứng tốt cũng có thể biểu hiện đáp ứng dưới mức tối ưu, có thể là do liều gonadotropin dưới mức tối ưu hoặc đa dạng di truyền ảnh hưởng đến gonadotropin nội sinh hoặc thụ thể của chúng. Trong số các chiến lược điều trị khác nhau được áp dụng để cải thiện tỷ lệ thành công ở những người có đáp ứng buồng trứng kém, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intra-Cytoplasmic Sperm Injection – ICSI) là một bước đột phá lớn, nhưng thất bại thụ tinh có thể xảy ra mặc dù các thông số tinh dịch bình thường. Điều này là do sự thiếu hụt các yếu tố liên quan đến noãn bào, tức là khiếm khuyết trong kích hoạt noãn bào. So với thụ tinh bình thường, nhiều bước tương tác giữa tinh trùng và noãn bào được bỏ qua trong ICSI. Các dao động canxi đầu tiên bắt đầu sau khoảng 30 phút đến vài giờ. Sự chậm trễ này là do thời gian cần thiết của noãn bào để phá vỡ màng của tinh trùng, bộc lộ acrosome và giải phóng yếu tố hoạt hóa noãn (PLC zeta) với tế bào chất noãn bào. Trong quá trình này, vào thời điểm dao động canxi bắt đầu noãn bào có thể già đi, làm giảm tiềm năng sinh sản. Sự ngưng tụ nhiễm sắc thể của tinh trùng cũng bị trì hoãn gây thất bại trong quá trình thụ tinh. Khiếm khuyết yếu tố kích hoạt tế bào noãn dẫn đến ICSI thất bại có thể được điều trị bằng cách hoạt hóa noãn nhân tạo. Hiện nay, có 3 phương pháp để hoạt hóa noãn nhân tạo gồm cơ học, điện và hóa học. Kích hoạt noãn bào hóa học là phương pháp được sử dụng phổ biến, các chất thường được sử dụng là canxi ionophore A213187, ionomycin, stronti clorua, ethanol, puromycin, phorbol ester và thimerosal,…. Nghiên cứu được nhóm tác giả thực hiện với mục đích đánh giá vai trò của hoạt hóa noãn nhân tạo sau ICSI (ICSI-AOA) sử dụng canxi ionophore A213187 trong việc cải thiện tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ mang thai ở phụ nữ đáp ứng kích thích buồng trứng kém.
 
Nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu đơn trung tâm được thực hiện từ 08/2019 đến 03/2020 trên 120 phụ nữ được chẩn đoán đáp ứng buồng trứng kém theo tiêu chí Poseidon. Nghiên cứu chia làm hai nhóm: nhóm nghiên cứu – ICSI-AOA (n=50) và nhóm đối chứng chỉ ICSI (n=57).
 
Kết quả cho thấy, tỷ lệ thụ tinh trung bình trong nhóm nghiên cứu và đối chứng lần lượt là 89,00 (17,37%) so với 83,04 (18,93%) (p = 0,093). Tỷ lệ phôi phân chia trung bình ở hai nhóm là 96,33 (11,33%) so với 92,55 (15,56%) (p = 0,165). Tỷ lệ hình thành phôi nang trung bình là 47,92% (nhóm nghiên cứu) và 44,44% (nhóm đối chứng). Số lượng phôi trung bình được chuyển trong hai nhóm là tương đương nhau lần lượt nhóm nghiên cứu và nhóm đối chứng là 2,14 so với 2,00. Tỷ lệ làm tổ trung bình ở nhóm ICSI-AOA và nhóm ICSI là 27,14 (41,04%) so với 11,74 (26,06%). Tỷ lệ mang thai lâm sàng được phát hiện ở 34,3% phụ nữ trải qua ICSI-AOA so với 20,5% ở nhóm ICSI.
 
Tóm lại, ICSI-AOA không cải thiện về tỷ lệ thụ tinh, phôi phân chia, tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ mang thai lâm sàng trên đối tượng đáp ứng kích thích buồng trứng kém. Đây là nghiên cứu tiến cứu đầu tiên đánh giá hiệu quả của canxi ionophores ở phụ nữ đáp ứng kích thích buồng trứng kém, tuy nhiên cỡ mẫu nghiên cứu nhỏ, cần có nhiều nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn để tăng độ tin cậy.
 
TLTK: Kaur B, Malik S, Prakash V, Bhatia V, Gupta D. Efficacy of Artificial Oocyte Activation in Improving the Reproductive Outcome in Poor Responders: A Single Centre Cohort Study. J Family Reprod Health. 2023 Mar;17(1):45-53. doi: 10.18502/jfrh.v17i1.11977. PMID: 37538231; PMCID: PMC10394489.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK