Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 04-06-2024 8:03am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thanh Chi - IVFMD Tân Bình

Phần lớn trường hợp phôi lệch bội là do tế bào noãn, gây ra bởi các sai sót trong quá trình giảm phân, và tỷ lệ này tăng dần theo tuổi mẹ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những bất thường về nhiễm sắc thể của tinh trùng và sự tổn hại đến tính toàn vẹn của DNA tinh trùng được coi là những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến sự phát triển phôi kém, cụ thể là phôi lệch bội. Từ đó, có thể suy luận rằng việc lựa chọn tinh trùng có chất lượng tốt nhất trong quá trình lọc rửa tinh trùng có thể cải thiện tỷ lệ phôi lệch bội.
 
Microfluidics (vi lỏng) là công nghệ đã được triển khai nhiều năm ở các ngành khác nhau như công nghệ nano, kỹ thuật hệ thống vi mô và ứng dụng y sinh. Gần đây, nó đã được áp dụng trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) như một giải pháp thay thế cho các phương pháp chuẩn bị tinh trùng phổ biến như phương pháp bơi lên “swim up” và ly tâm gradient nồng độ. Về mặt lý thuyết, Microfluidics làm giảm tổn thương DNA của tinh trùng đồng thời giảm các gốc oxy hóa tự do so với các phương pháp khác do không thực hiện ly tâm. Vậy nên, tinh trùng được chọn lọc thông qua Microfluidics được cho là có chất lượng tốt hơn các phương pháp tiêu chuẩn khác. Thêm vào đó, phương pháp này còn giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả cho các trung tâm IVF bởi quá trình thực hiện được chuẩn bị nhanh chóng và dễ dàng.
 
Mặc dù vậy, còn khá ít nghiên cứu đánh giá tỷ lệ phôi nang nguyên bội khi sử dụng Microfludics để chuẩn bị tinh trùng. Theo nghiên cứu của Parrella A và cộng sự (2019) khi so sánh phương pháp Microfludics và ly tâm gradient nồng độ ở nhóm bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần, kết quả cho thấy tỷ lệ phôi nguyên bội giữa 2 phương pháp này là tương đương nhau, trong khi đó nhóm sử dụng phương pháp Microfludics cải thiện tỷ lệ thai lâm sàng. Tương tự, một nghiên cứu hồi cứu gần đây (2022) cho thấy tỷ lệ phôi nang trên mỗi tế bào noãn thu được cao hơn đáng kể trong chu kỳ Microfludics, tuy nhiên sự khác biệt này có thể đến từ việc không có yếu tố vô sinh đến từ nam giới trong nghiên cứu. Tóm lại, tại thời điểm hiện tại vẫn chưa có tiến cứu trên nhóm bệnh nhân ngẫu nhiên nào để đánh giá ảnh hưởng của phương pháp Microfludics đến tỷ lệ hình thành phôi nang nguyên bội. Do đó, mục tiêu của báo cáo này là đánh giá tỷ lệ phôi nang nguyên bội mù đôi về tế bào noãn trong quần thể vô sinh nói chung giữa hai phương pháp Microfludics và ly tâm gradient nồng độ với giả thuyết được đặt ra là tỷ lệ phôi nang nguyên bội ở nhóm Microfludics sẽ cao hơn.
 
Cụ thể, nghiên cứu thực hiện tại một trung tâm sinh sản trực thuộc trường đại học từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022. Tiêu chí nhận bệnh bao gồm: tuổi 18-42, có thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT-A/ PGT-M/ PGT-SR), số noãn trưởng thành thu được từ 8 đến 30 noãn. Số noãn trưởng thành của từng bệnh nhân sẽ được chia làm 2 nhóm ngẫu nhiên. Nhóm 1 là nhóm đối chứng, tinh trùng được lọc rửa bằng phương pháp ly tâm gradient nồng độ và phương pháp bơi lên “swim up”. Trong khi đó, nhóm 2 là nhóm nghiên cứu, tinh trùng được chuẩn bị bằng phương pháp Microfludics. Phôi được nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang và được sinh thiết cho xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (phôi có hình thái tốt từ 3BB trở lên theo tiêu chuẩn hình thái của Gardner). Kết quả chính so sánh tỷ lệ phôi nguyên bội, bên cạnh kết quả phụ gồm tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ tạo phôi nang chất lượng tốt và tỷ lệ thai diễn tiến.
 
Sau quá trình sàng lọc, tổng cộng có 1442 noãn trưởng thành từ 106 bệnh nhân đạt tiêu chuẩn đánh giá. Kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ phôi nang nguyên bội trên số noãn trưởng thành ở nhóm nghiên cứu và nhóm đối chứng không có sự khác biệt (22,9% so với 20,5%, p=0,60). Tương tự, cả 2 nhóm đều không cho thấy khác biệt về tỷ lệ phôi nang nguyên bội trên mỗi phôi được sinh thiết (53,0% so với 45,7%, p=0,34). Ngược lại, tỷ lệ thụ tinh trên mỗi noãn trưởng thành được ICSI cao hơn đáng kể ở nhóm nghiên cứu (76,0% và 69,9%, p=0,03). Ngoài ra, tỷ lệ phôi nang chất lượng tốt, tổng số phôi đông lạnh, số lượng bệnh nhân có phôi nang sinh thiết và số lượng bệnh nhân không có phôi nguyên bội giữa hai nhóm không có sự khác biệt. Thêm vào đó, trong số các phân nhóm vô sinh do yếu tố nam và sẩy thai tái phát, không có sự khác biệt về tỷ lệ lệch bội, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi nang hoặc tổng số phôi nang đông lạnh, mặc dù nghiên cứu không đủ mạnh để phát hiện những khác biệt này. Hơn nữa, 77 bệnh nhân được chuyển phôi đông lạnh không có sự khác biệt đáng kể về kết quả mang thai giữa hai nhóm.
 
Tóm lại, trong nghiên cứu này, phương pháp Microfludics cho kết quả không cải thiện tỷ lệ phôi nang nguyên bội nhưng tỷ lệ thụ tinh lại cao hơn đáng kể khi so sánh với phương pháp ly tâm gradient nồng độ. Tuy nhiên, nghiên cứu này còn nhiều hạn chế như loại trừ các trường hợp có hơn 30 noãn trưởng thành hay thiết bị Microfludics khác nhau có thể cho kết quả khác nhau. Do đó, cần nhiều nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn trong tương lai để đánh giá mối quan hệ giữa mức độ đa bội của phôi, tỷ lệ phân mảnh DNA cũng như phương pháp chuẩn bị tinh trùng mới triển vọng.
 
Nguồn: Godiwala, P., Kwieraga, J., Almanza, E., Neuber, E., Grow, D., Benadiva, C., Makhijani, R., DiLuigi, A., Schmidt, D., Bartolucci, A., & Engmann, L. (2024). The impact of microfluidics sperm processing on blastocyst euploidy rates compared with density gradient centrifugation: a sibling oocyte double-blinded prospective randomized clinical trial. Fertility and sterility, S0015-0282(24)00109-2. Advance online publication. https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2024.02.021

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK