Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 03-06-2024 12:32am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Đỗ Lê Đình Thiện - IVFMD Phú Nhuận
 
Cứ sáu cặp vợ chồng sẽ có một cặp vợ chồng bị vô sinh, được định nghĩa là không thể có con sau một năm quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ. Chụp X-quang tử cung vòi trứng (HSG) nổi lên như một phương pháp tiềm năng giúp nâng cao khả năng sinh sản của phụ nữ. Ban đầu HSG được sử dụng để sàng lọc và chẩn đoán vô sinh, việc sử dụng rộng rãi HSG trong các bệnh nhân vô sinh đã làm nổi bật tiềm năng của nó trong việc cải thiện kết cục sinh sản. Tuy nhiên, hiệu quả của việc tác động tăng cường khả năng sinh sản này là khác nhau tùy thuộc vào thuốc cản quang được sử dụng trong HSG. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thuốc cản quang gốc dầu có ưu điểm hơn thuốc cản quang gốc nước trong việc tăng khả năng sinh sản ở bệnh nhân vô sinh, có thể thông qua các cơ chế như điều chỉnh khả năng miễn dịch tế bào T, thay đổi độ phân cực của màng, độ nhớt và hiện tượng rửa trôi.
 
Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng ảnh hưởng đến 1/10 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên toàn cầu. Đây là một bệnh phụ khoa phổ biến, tỷ lệ mắc lạc nội mạc tử cung tăng đáng kể lên đến 10% vào năm 2020 và khoảng 50% phụ nữ từng bị lạc nội mạc tử cung gặp phải các triệu chứng tái diễn trong vòng 5 năm trở lại, bất kể là phương pháp điều trị nào. Viêm và xơ hóa do lạc nội mạc tử cung dẫn đến sự phát triển của mô nội mạc tử cung bên ngoài tử cung, gây chảy máu tái phát. Điều này dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi mãn tính, đau bụng kinh, đau khi quan hệ, lạc nội mạc tử cung ở bàng quang, ruột và khó chịu vùng chậu mãn tính. Lạc nội mạc tử cung được ước tính xuất hiện từ 30-50% các trường hợp vô sinh mãn tính, gây ra nhiều lo ngại ở những bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản. Tỷ lệ vô sinh đã tăng đều đặn trong vài thập kỷ qua, dao động từ 13,00 đến 24,58% ở những phụ nữ mong con. Thông thường, do chẩn đoán muộn, dạng vô sinh này vẫn không giải thích được, khiến bệnh nhân phải chịu áp lực đáng kể về mặt xã hội, tâm lý và sinh sản. Vì vậy, cần có một chiến lược mới để giải quyết các vấn đề vô sinh do lạc nội mạc tử cung.
 
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc sử dụng thuốc cản quang gốc dầu có thể cải thiện khả năng sinh sản của phụ nữ bị vô sinh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi liệu việc sử dụng thuốc cản quang gốc dầu trước khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm có làm tăng tỷ lệ thành công cho phụ nữ mắc các bệnh như lạc nội mạc tử cung hoặc thất bại làm tổ nhiều lần hay không. Những thử nghiệm này có sức mạnh thống kê hạn chế trong việc phát hiện những sai khác nhỏ giữa nhóm điều trị và nhóm đối chứng.
 
Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được thực hiện ở Hà Lan vào năm 2017, người ta phát hiện ra rằng sáu tháng sau phẫu thuật, thuốc cản quang gốc dầu làm tăng tỷ lệ mang thai lên 10% so với thuốc cản quang gốc nước ở nhóm vô sinh nói chung. Tuy nhiên, nghiên cứu này loại trừ những bệnh nhân mắc các bệnh như lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang, cùng những bệnh lý phụ khoa khác. Mặc dù có sự đồng thuận về hiệu quả của thuốc cản quang gốc dầu trong việc cải thiện khả năng sinh sản ở những người vô sinh nói chung, nhưng vẫn chưa chắc chắn liệu HSG với thuốc cản quang gốc dầu có mang lại lợi ích tương tự cho bệnh nhân vô sinh liên quan đến lạc nội mạc tử cung hay không.
 
Để giải quyết câu hỏi này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu hồi cứu so sánh tác động của thuốc cản quang gốc dầu và thuốc cản quang gốc nước đối với kết quả mang thai ở những bệnh nhân vô sinh liên quan đến lạc nội mạc tử cung.

Phương pháp:
Nghiên cứu này thực hiện trên 512 bệnh nhân bệnh nhân vô sinh do nội mạc tử cung đã thực hiện HSG tại bệnh viện Đại học Y Quảng Tây trong thời gian từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 6 năm 2022.
Tiêu chuẩn nhận:
  • Bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung độ tuổi từ 18-39 tuổi
  • Có chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên
  • Đã thực hiện HSG
Tiêu chuẩn loại:
  • Bệnh nhân nữ có bệnh rối loạn nội tiết không kiểm soát làm giảm khả năng mang thai tự nhiên (ví dụ: lupus ban đỏ hệ thống cấp tính)
  • Tổng số tinh trùng di động sau lọc rửa <3 triệu/ml
  • Bệnh nhân tham gia không có dữ liệu đầy đủ
Các thông số cơ bản của bệnh nhân bao gồm tuổi, biến chứng, BMI, thời gian vô sinh, tình trạng hút thuốc, tiền sử phẫu thuật, tổng số lần mang thai trước đó dẫn đến sinh sống, số lần sẩy thai, điều trị sau HSG và khoảng thời gian giữa HSG và thai kỳ.
Kết cục chính của nghiên cứu này là tỷ lệ thai lâm sàng tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng sau một năm thực hiện HSG. Kết cục phụ bao gồm tỷ lệ sinh sống, tỷ lệ sẩy thai, thai ngoài tử cung.
 
Kết quả:
Nghiên cứu thực hiện 216 bệnh nhân được đưa vào nhóm HSG sử dụng thuốc cản quang gốc dầu, trong khi đó 296 bệnh nhân được đưa vào nhóm HSG sử dụng thuốc cản quang gốc nước.

Tỷ số chênh mang thai tích lũy ở nhóm dùng thuốc cản quang gốc dầu so với nhóm dùng thuốc cản quang gốc nước:
So sánh cho thấy có tác động nâng cao khả năng sinh sản của HSG hiệu quả hơn ở nhóm gốc dầu. Trong vòng 12 tháng sau HSG, 111/216 phụ nữ ở nhóm gốc dầu (51,39%) đã có thai lâm sàng, trong khi 81/296 phụ nữ ở nhóm gốc nước (27,36%) đã có thai lâm sàng (OR: 2,81; 95%, KTC 1,94 - 4,06).

Ngoài ra, nhóm gốc dầu có tỷ lệ sinh sống cao hơn ở tuần thai ≥ 28 tuần (68 (31,48%) so với 59 (19,93%), OR: 1,85, 95%: KTC 1,23 - 2,77) so với nhóm gốc nước.

Ở nhóm dùng thuốc gốc dầu, tỷ lệ sẩy thai sớm là 10 (4,6%), trong khi ở nhóm dùng thuốc gốc nước, tỷ lệ này là 6 (2,0%), không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (OR, 0,43; 95% CI, 0,15 - 1,19).
Tương tự, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm về tỷ lệ thai ngoài tử cung (OR, 0,73; 95% CI, 0,15 - 3,64).


Mối liên hệ giữa thuốc cản quang và thai lâm sàng:
So sánh với nhóm gốc dầu, nhóm không chứa dầu cho thấy tỷ số chênh (OR) của mô hình chưa được điều chỉnh là 0,38 (KTC 95%: 0,27–0,55, p< 0,001).
Trong phân tích đa biến, OR: 0,34 95% KTC 0,22–0,51, p< 0,001. Sử dụng phân tích hồi quy trọng số theo nghịch đảo của xác suất can thiệp (IPTW), OR: 0,39 95% KTC 0,27–0,57, p< 0,001. Ngoài ra, bằng cách sử dụng so sánh điểm xu hướng, OR: 0,22 95% KTC 0,14–0,35, p< 0,001.
Tất cả các phương pháp thống kê này đều chứng minh một cách nhất quán tỷ lệ mang thai lâm sàng cao hơn ở nhóm gốc dầu.

Tỷ lệ thai lâm sàng tích lũy:
Tỷ lệ thai lâm sàng tích lũy trong vòng 12 tháng sau khi dùng HSG cao hơn đáng kể ở nhóm gốc dầu (51,39%) so với nhóm gốc nước (27,36%). Ở nhóm gốc dầu, thời gian trung bình giữa thời điểm HSG và thời điểm mang thai là 4,0 tháng (95% KTC: 3,0–5,0 tháng), trong khi ở nhóm gốc nước là 6,0 tháng (95% KTC: 5,0–7,0 tháng).
 
Kết luận
Những bệnh nhân vô sinh do lạc nội mạc tử cung điều trị HSG bằng chất cản quang gốc dầu cho thấy khả năng sinh sản được cải thiện đáng kể so với những bệnh nhân không dùng chất cản quang gốc dầu. Việc thực hiện HSG sử dụng chất cản quang gốc dầu có thể mang lại lợi ích trong điều trị vô sinh, đặc biệt ở những người bị lạc nội mạc tử cung, bên cạnh các ứng dụng chẩn đoán của nó. Tuy nhiên, do giới hạn bởi tính chất hồi cứu của nghiên cứu, mặc dù có phân tích phân tầng, vẫn có khả năng xảy ra các tác động gây nhiễu còn sót lại do các yếu tố không được đo lường hoặc không xác định được. Những hạn chế này cần được xem xét khi diễn giải các kết quả nghiên cứu.
 
Nguồn: Xie, B., Huang, Y., Hang, F. et al. Impact of oil-based contrast agents in hysterosalpingography on fertility outcomes in endometriosis: a retrospective cohort study. Reprod Biol Endocrinol 22, 19 (2024).

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK