Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 03-06-2024 12:30am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương
 
Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome - PCOS) là một rối loạn nội tiết phức tạp được đặc trưng chủ yếu bởi sự kết hợp của các đặc điểm lâm sàng bao gồm tăng tiết androgen, không rụng trứng và sự hiện diện của buồng trứng đa nang. Sinh lý bệnh phức tạp của PCOS vẫn còn chưa được hiểu rõ, được cho là do sự tương tác phức tạp của các thành phần bao gồm di truyền, rối loạn chức năng thần kinh nội tiết, ảnh hưởng trước khi sinh và các yếu tố lối sống. Tỷ lệ mắc PCOS trên toàn cầu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản rất khác nhau, dao động từ 6% đến 21%. PCOS là tác nhân góp phần đáng kể gây vô sinh. Ngoài ra, PCOS thường tồn tại cùng với các rối loạn chuyển hóa như béo phì, tăng lipid máu, kháng insulin, làm phức tạp thêm tình trạng lâm sàng của hội chứng này.
 
Công nghệ hỗ trợ sinh sản (Assisted Reproductive Technology - ART) bao gồm các phương pháp như thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization - IVF) hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection - ICSI), mang lại triển vọng đầy hứa hẹn cho bệnh nhân PCOS nhằm vượt qua những thách thức về khả năng sinh sản. Tỷ lệ sinh sống tích lũy (Cumulative Live Birth Rate - CLBR) là một thước đo xem xét kết quả từ cả chu kỳ chuyển phôi tươi và chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (frozen embryo transfer - FET), cung cấp thước đo toàn diện hơn để đánh giá thành công chung của các biện pháp can thiệp IVF/ICSI. Kết quả đáng kể trong quá trình kích thích buồng trứng ở phụ nữ PCOS là góp phần tạo ra CLBR khoảng 70%. Mặc dù bệnh nhân PCOS có thể biểu hiện khả năng sinh sản được cải thiện, nhưng sự hiện diện của các rối loạn chuyển hóa cơ bản làm tăng nguy cơ dễ bị tổn thương trước các biến chứng thai kỳ và kết quả chu sinh bất lợi. Trong khi khoảng 40–60% bệnh nhân PCOS bị thừa cân hoặc béo phì, một nhóm nhỏ có ý nghĩa lâm sàng duy trì chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) bình thường (BMI < 25 kg/m2). Những bất thường về chuyển hóa này không những ảnh hưởng tới những người thừa cân hoặc béo phì mắc PCOS, mà còn ảnh hưởng đến ngay cả những người có chỉ số BMI bình thường. Nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh tác động bất lợi của béo phì đến kết quả IVF, bao gồm tỷ lệ sinh sống và nguy cơ sẩy thai. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu đáng kể các nghiên cứu chuyên biệt nhằm mục đích khám phá kết quả lâm sàng của IVF/ICSI ở những người được chẩn đoán PCOS không béo phì. Do đó, nghiên cứu này đã tiến hành đánh giá toàn diện về kết quả lâm sàng ở nhóm bệnh nhân PCOS đang điều trị IVF/ICSI, đặc biệt là so sánh các kết quả này với những bệnh nhân không có PCOS. Ngoài ra, nghiên cứu nhằm mục đích cung cấp thêm những hiểu biết có giá trị về sự khác biệt tiềm ẩn trong kết quả điều trị có thể phát sinh giữa nhóm bệnh nhân PCOS không béo phì và béo phì.
 
Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu này bao gồm 4839 bệnh nhân đã trải qua chu kỳ điều trị IVF/ICSI đầu tiên từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 12 năm 2021. Tỷ lệ thai tích lũy, sinh sống tích lũy và sẩy thai muộn được so sánh giữa nhóm PCOS và nhóm đối chứng. Phân tích phân nhóm được thực hiện để phân tích ảnh hưởng của BMI đến kết quả lâm sàng ở những người được chẩn đoán PCOS.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người được chẩn đoán PCOS có độ tuổi trung bình trẻ hơn một chút so với nhóm đối chứng (29,39 ± 3,53 so với 31,97 ± 4,28, P < 0,001). Bên cạnh đó, những bệnh nhân PCOS có chỉ số BMI cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (22,60 ± 3,43 so với 21,50 ± 2,81, P < 0,001). Về kết quả kích thích buồng trứng, so với nhóm đối chứng, đoàn hệ PCOS có phản ứng với kích thích buồng trứng thuận lợi hơn, được đặc trưng bởi tổng liều lượng gonadotropin giảm và số lượng noãn thu được tăng lên. Bên cạnh đó, tỷ lệ phân cắt và hình thành phôi nang đều tăng nhẹ trong nhóm PCOS so với nhóm đối chứng (lần lượt là 97,8% so với 97,4%, P = 0,017 và 67,5% so với 64,3%, P < 0,001). Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể nào về tỷ lệ phôi chất lượng tốt giữa hai nhóm này. Về kết quả thai, so với nhóm đối chứng, đoàn hệ PCOS có tỷ lệ thai lâm sàng, thai tích lũy và sinh sống tích lũy tăng đáng kể. Mặc dù tỷ lệ sẩy thai tổng thể ở cả hai nhóm tương đương (15% so với 14,8%, P = 0,891) nhưng tỷ lệ sẩy thai muộn trong nhóm PCOS cao hơn nhóm đối chứng, có ý nghĩa thống kê (3,8% so với 2,3%, P = 0,023). Khi xem xét kỹ lưỡng các chu kỳ chuyển phôi, nghiên cứu cho thấy nhóm PCOS có tỷ lệ sẩy thai cao hơn nhóm đối chứng trong chu kỳ chuyển phôi tươi (21,2% so với 13,5%, P = 0,034). Hơn nữa, mặc dù có xu hướng tăng về tỷ lệ sẩy thai muộn trong chu kỳ FET trong nhóm PCOS, nhưng mức tăng này không có ý nghĩa thống kê (3,4% so với 2,2%, P = 0,058).
 
Bên cạnh đó, để hiểu sâu hơn về ảnh hưởng tiềm tàng của BMI đến kết quả lâm sàng ở những bệnh nhân được chẩn đoán PCOS, nghiên cứu tiến hành phân chia bệnh nhân thành hai phân nhóm riêng biệt dựa trên chỉ số BMI. Kết quả cho thấy những bệnh nhân PCOS không béo phì (BMI < 25 kg/m2) có tỷ lệ thai tích lũy, sinh sống tích lũy và sẩy thai muộn cao hơn so với nhóm đối chứng có BMI bình thường (84,7% so với 71,2%, P < 0,001; 74,1% so với 61,6%, P < 0,001; 4,1% so với 2,0%, P = 0,002) nhưng không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ sẩy thai sớm giữa hai nhóm. Trong phân nhóm béo phì (BMI ≥ 25 kg/m2), bệnh nhân PCOS cũng có tỷ lệ sinh sống tích lũy cao hơn nhóm đối chứng và có xu hướng tỷ lệ sẩy thai muộn cao hơn (4,9% so với 2,4%, P = 0,181) nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
 
Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân PCOS không béo phì có tỷ lệ sinh sống tích lũy cao hơn đáng kể nhưng cũng có nguy cơ sẩy thai muộn cao hơn so với những bệnh nhân không có PCOS có chỉ số BMI bình thường. Nghiên cứu góp phần quan trọng đối với các bác sĩ lâm sàng về mối liên hệ này nhằm đưa ra tư vấn cũng như theo dõi thích hợp để giảm thiểu nguy cơ sẩy thai muộn ở bệnh nhân không béo phì với PCOS.
 
Từ khóa: Chỉ số khối cơ thể, tỷ lệ sinh sống tích lũy, thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, sẩy thai muộn, hội chứng buồng trứng đa nang.
 
Tài liệu tham khảo: Simin Liu, Xiu Zhou, Huiying Jie và cộng sự. Higher Cumulative Live Birth Rate but Also Higher Late Miscarriage Risk in Non-Obese Women with Polycystic Ovary Syndrome Undergoing the First IVF/ICSI Cycle. Int J Womens Health. 2024.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK