Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 27-05-2024 10:06am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương
 
Hiện nay, béo phì không còn là vấn đề của địa phương hay quốc gia mà là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Tỷ lệ béo phì và thừa cân đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới. Trong vài thập kỷ qua, tình trạng béo phì đã gia tăng, góp phần gây ra nhiều lo ngại về sức khỏe cũng như vấn đề sinh sản. Mặc dù mối liên hệ giữa béo phì với bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác đã được biết rõ, nhưng ảnh hưởng của béo phì hoặc thừa cân đối với sức khỏe sinh sản vẫn còn gây tranh cãi.
 
Vô sinh được định nghĩa là tình trạng không có thai ngay cả khi quan hệ tình dục thường xuyên không dùng biện pháp bảo vệ trong hơn 1 năm. Nguyên nhân gây vô sinh được phân loại thành nhiều yếu tố như tuổi tác, các vấn đề liên quan đến rụng trứng, yếu tố tử cung, yếu tố nam giới và các yếu tố không rõ nguyên nhân. Béo phì có thể là nguyên nhân gây vô sinh liên quan đến các yếu tố liên quan đến rụng trứng và tử cung, đặc biệt là các yếu tố nội mạc tử cung và được biết là ảnh hưởng đến kinh nguyệt, khả năng sinh sản tự nhiên, tỷ lệ thụ thai cũng như tỷ lệ thành công và sự an toàn của điều trị vô sinh. Ngoài ra, béo phì có liên quan đến các vấn đề sức khỏe của mẹ và thai nhi và làm tăng tỷ lệ biến chứng khi mang thai. Bằng chứng dịch tễ học đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa béo phì với vô sinh, sẩy thai, cũng như gia tăng các biến chứng ở thai nhi và mẹ trong thai kỳ. Do đó, các chuyên gia, hiệp hội y tế lớn và các chương trình y tế cộng đồng đã tán thành hoặc thậm chí bắt buộc phải giảm trọng lượng cơ thể trước khi điều trị vô sinh ở phụ nữ béo phì. Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì và vô sinh được khuyên nên giảm trọng lượng cơ thể trước khi mang thai và điều trị vô sinh để cải thiện kết quả sinh sản và khả năng sinh sản, mặc dù bằng chứng từ các nghiên cứu trước đây còn thiếu và không nhất quán.
 
Nhiều bằng chứng và nghiên cứu khác nhau đã chứng minh rằng béo phì ảnh hưởng đến kết quả sinh sản và mang thai, nhưng hiệu quả của việc giảm cân trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization - IVF) đối với kết quả thai ở phụ nữ thừa cân hoặc béo phì và vô sinh vẫn còn gây tranh cãi. Do đó, tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp này đã nghiên cứu xem liệu việc giảm cân trước IVF ở những phụ nữ này có ảnh hưởng đến kết quả IVF và kết quả sinh sản hay không.
 
Nghiên cứu tiến hành tìm kiếm trên các cơ sở dữ liệu PubMed, Embase và Cochrane Library từ ngày thành lập cho đến tháng 12 năm 2022, bằng cách sử dụng kết hợp các từ khóa có liên quan. Các kết quả chính được đánh giá là sự thay đổi cân nặng và tỷ lệ sinh sống, và các kết quả thứ cấp bao gồm tỷ lệ thai lâm sàng, thai diễn tiến, sẩy thai và thai ngoài tử cung sau khi can thiệp ở nhóm kiểm soát cân nặng và nhóm đối chứng. Một phân tích phân nhóm về tỷ lệ sinh sống được thực hiện bằng cách phân nhóm kiểm soát cân nặng thành hai nhóm nhỏ: một nhóm sử dụng thuốc và nhóm còn lại sử dụng các biện pháp điều chỉnh lối sống để giảm cân.
 
Kết quả nghiên cứu đã tìm kiếm được 842 bài báo, tất cả đều được lấy từ cơ sở dữ liệu điện tử. Sau khi loại bỏ các bài viết trùng lặp, các tác giả đã loại trừ 544 bài báo không đáp ứng tiêu chí lựa chọn sau khi sàng lọc tiêu đề hoặc tóm tắt. Trong số 28 bài báo còn lại, 22 bài bị loại vì các bài báo này là những nghiên cứu trên bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang (polycystic ovary syndrome - PCOS), có kết quả chính khác với kết quả được chọn, là các bài báo trong đề cương hoặc có dữ liệu trùng lặp. Đối với sáu bài báo còn lại, nghiên cứu đã lấy được toàn văn để đánh giá chi tiết và trích xuất dữ liệu cần thiết để phân tích. Tất cả các nghiên cứu được đưa vào tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp này đều là các thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng (randomized controlled trials - RCT). Các định nghĩa về béo phì và thừa cân khác nhau đôi chút giữa các nghiên cứu nhưng chủ yếu bao gồm những bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (body mass index - BMI) ≥ 25 kg/m2 , những người đang trải qua hoặc dự định thực hiện IVF do vô sinh.

Trong sáu thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng này, bao gồm 1627 phụ nữ béo phì hoặc thừa cân được phân tích. Sự thay đổi cân nặng ở nhóm kiểm soát cân nặng so với nhóm đối chứng thực hiện IVF mà không giảm cân là – 4,62 kg. Trong đó có một nghiên cứu về giảm cân bằng thuốc, so với nhóm đối chứng thì sự thay đổi cân nặng ở nhóm kiểm soát cân nặng sử dụng thuốc là −2,49 kg. Trong bốn nghiên cứu về giảm cân thông qua điều chỉnh lối sống, so với nhóm đối chứng thì sự thay đổi cân nặng ở nhóm kiểm soát cân nặng là −5,49 kg. Ngoài ra, kết quả cho thấy giảm cân trước IVF không cải thiện đáng kể tỷ lệ sinh sống ở phụ nữ béo phì hoặc thừa cân và vô sinh. Ngay cả khi giảm cân đạt được nhờ điều chỉnh lối sống và dùng thuốc, vẫn không thể xác nhận được sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ sinh sống ở nhóm kiểm soát cân nặng so với nhóm đối chứng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thai lâm sàng, sẩy thai, thai diễn tiến và thai ngoài tử cung không khác nhau giữa nhóm giảm cân và nhóm đối chứng.
 
Tóm lại, tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp này cho thấy rằng giảm cân ở phụ nữ béo phì hoặc thừa cân và vô sinh ngay trước IVF có hiệu quả trong việc giảm trọng lượng cơ thể, nhưng không cải thiện kết quả thai kỳ, chẳng hạn như tỷ lệ sinh sống, thai lâm sàng, thai diễn tiến, sẩy thai và thai ngoài tử cung. Điều này cho thấy rằng giảm cân ngay lập tức ngay trước IVF ở phụ nữ béo phì hoặc thừa cân và vô sinh không cải thiện kết quả sinh sản.
 
Tài liệu tham khảo: Hye Gyeong Jeong, Sumin Cho, Ki-Jin Ryu và cộng sự. Effect of weight loss before in vitro fertilization in women with obesity or overweight and infertility: a systematic review and meta-analysis. Sci Rep. 2024.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Giang mai trong thai kỳ - Ngày đăng: 19-05-2024
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK