Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 19-05-2024 12:48pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Trịnh Thị Mỹ Ngà, Ths. Lê Thị Bích Phượng- Olea Fertility Nha Trang, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
 
Giới thiệu
Độ tuổi của phụ nữ được xem là một yếu tố quan trọng để đánh giá dự trữ buồng trứng, đồng thời cũng là yếu tố tiên lượng cho tỉ lệ thành công khi thực hiện hỗ trợ sinh sản. Do đó, phụ nữ trẻ tuổi (<35 tuổi) có cơ hội mang thai cao hơn vì có nhiều noãn chất lượng tốt hơn. Phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng (decreased ovarian reserve- DOR) là những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và giảm đáp ứng với kích thích buồng trứng có kiểm soát (controlled ovarian stimulation- COS) và/hoặc có khả năng sinh sản thấp hơn so với những phụ nữ cùng tuổi. DOR là một trong những nguyên nhân gây vô sinh cũng như có ít nghiên cứu về tỉ lệ phụ nữ dưới 35 tuổi giảm dự trữ buồng trứng. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có sự đồng thuận về việc có nên bảo tồn noãn của những phụ nữ DOR hay không. Do đó, vẫn còn những nghi ngờ về tỉ lệ mang thai tự nhiên hoặc tỉ lệ thành công khi thưc hiện hỗ trợ sinh sản ở những bệnh nhân này. Hiện nay, có rất ít nghiên cứu về mối tương quan giữa DOR với chất lượng noãn ở phụ nữ trẻ tuổi thực hiện hỗ trợ sinh sản. Do đó, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu khảo sát mối tương quan giữa DOR (đánh giá dựa trên hàm lượng FSH nền, nồng độ AMH và AFC) với chất lượng noãn dựa vào đánh giá hình thái và sự trưởng thành ở phụ nữ trẻ tuổi. Đồng thời nhóm nghiên cứu cũng khảo sát liệu rằng liều gonadotropin sử dụng trong kích thích buồng trứng có làm tăng nguy cơ thay đổi chất lượng noãn thông qua giảm dự trữ buồng trứng hay không.

Vật liệu và phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu này thực hiện từ tháng 5 năm 2012 đến tháng 6 năm 2016 tại Brazil. Tiêu chuẩn nhận bao gồm những phụ nữ từ 18 đến 35 tuổi vô sinh, đã từng hoặc chưa từng điều trị hỗ trợ sinh sản. Tiêu chuẩn loại bao gồm những phụ nữ sử dụng các phương pháp tránh thai dựa trên hormone hoặc liệu pháp thay thế hormone trong vòng 30 ngày trước khi đánh giá dự trữ buồng trứng, phụ nữ có tiền sử điều trị bằng tia X hoặc hóa trị tại vùng bụng, phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng (oophorectomy) hoặc chỉnh hình buồng trứng (oophoroplasty), các bệnh nội tiết (hội chứng buồng trứng đa nang, tăng prolactin máu và suy tuyến yên), bệnh tự miễn (autoimmune), hoặc các bệnh di truyền được xác định bởi bác sĩ lâm sàng và được xác nhận bằng cách kiểm tra nhiễm sắc thể đồ.

Bệnh nhân được phân loại là có dự trữ buồng trứng bình thường (NOR) khi hàm lượng FSH nền <10 mIU/mL, nồng độ AMH ≥ 1,2 ng/mL hoặc AFC ≥10. Bệnh nhân có hàm lượng FSH nền >10 mIU/mL, nồng độ AMH <1,2 ng/mL, hoặc AFC <10 được phân loại DOR.

Kết quả
Trong số 534 bệnh nhân được điều trị trong thời gian nghiên cứu, có 49 bệnh nhân thoả tiêu chuẩn nhận với 348 noãn được phân tích. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 31,1±3,3 tuổi và BMI trung bình là 23,2±2,5 kg/m2. Bệnh nhân được phân bố thành các nhóm NOR hoặc DOR khác nhau dựa trên các thông số FSH, AMH và AFC.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối tương quan giữa nồng độ AMH <1,2ng/mL với xác suất có noãn chưa trưởng thành (OR 3,3; KTC 95% 1,2-8,8; P = 0,017). Nghiên cứu còn chỉ ra rằng khả năng có noãn chưa trưởng thành ở bệnh nhân có hàm lượng FSH nền ≥10 mIU/mL cao gấp 4,4 lần so với bệnh nhân có hàm lượng FSH nền <10 mIU/mL (OR 4,4; KTC 95% 1,2- 15,5; P=0,023). Với mỗi đơn vị bổ sung của hàm lượng FSH nền, bệnh nhân có thêm 23% khả năng có noãn chưa trưởng thành (OR, 1,23; 95% CI, 1,0-1,5; P = 0,040). Khi DOR được phân loại theo AFC, nghiên cứu quan sát thấy nguy cơ noãn có hình dạng bất thường tăng cao (OR 2,9; KTC 95% 1,1-7,6; P = 0,035). Khi DOR được phân loại theo mức AMH, nguy cơ có noãn bất thường khoảng không quanh noãn tăng cao hơn đáng kể (OR 3.0; KTC 95% 1.2-7.6; P = 0,018). Kết quả tương tự đã được tìm thấy liên quan đến sự hiện diện của những thay đổi trong tế bào chất noãn của những bệnh nhân DOR cao gấp 5,3 lần so với bệnh nhân NOR (OR 5,3; KTC 95% 1,7-16,7; P=0,004).

Không có mối tương quan đáng kể nào được quan sát thấy giữa sự hiện diện của những thay đổi trong khoảng không quanh noãn với các biến số của dự trữ buồng trứng hoặc giữa tuổi bệnh nhân với các thông số chất lượng noãn.

Kết luận
Theo nghiên cứu, giảm dự trữ buồng trứng được phân loại dựa trên nồng độ AMH, hàm lượng FSH nền và AFC có tương quan với noãn chất lượng kém ở những phụ nữ trẻ tuổi thực hiện kích thích buồng trứng có kiểm soát.

TLTK: Viviane Margareth Scantamburlo và cộng sự, 2021., Association between decreased ovarian reserve and poor oocyte quality.  Reproductive Endocrinology Obstetrics & Gynecology Science 2021;64(6):532-539. DOI: https://doi.org/10.5468/ogs.20168.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Giang mai trong thai kỳ - Ngày đăng: 19-05-2024
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK