Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 17-05-2024 3:23am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Đoàn Thị Thùy Dương, ThS. Nguyễn Huyền Minh Thụy - IVF Tâm Anh
 

Giới thiệu
Tinh dịch đồ là xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá khả năng sinh sản của nam giới trong hỗ trợ sinh sản. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, và một trong số đó chính là thời gian kiêng xuất tinh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization-WHO), thời gian kiêng xuất tinh phù hợp là từ 2-7 ngày và theo Hiệp hội Sinh sản và Phôi học Châu Âu (European Society of Human Reproduction and Embryology-ESHRE) là từ 3-4 ngày. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng thời gian kiêng xuất tinh kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các thông số tinh dịch như tỉ lệ di động, tỉ lệ sống, số lượng tinh trùng và thể tích tinh dịch. Ngoài ra, việc lưu trữ tinh trùng ở mào tinh trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến cấu trúc acrosome, ty thể và DNA của tinh trùng.
 
Thụ tinh bình thường là khi hợp tử có sự xuất hiện của 2 thể cực và 2 tiền nhân (2 Pronuclear-2PN). Tuy nhiên vẫn có các trường hợp thụ tinh bất thường như hình thành hợp tử 1PN hoặc 3PN. Theo các tài liệu trước đây, tỉ lệ hình thành hợp tử 3PN trong chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization-IVF) dao động từ 5-8% và chiếm 2-6% ở các chu kỳ tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic sperm injection-ICSI). Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có thể là do thất bại trong quá trình tống xuất thể cực thứ hai, tinh trùng đơn bội kết hợp với noãn lưỡng bội hoặc ngược lại. Mối quan hệ giữa chất lượng tinh dịch và kết quả ICSI vẫn là mối quan tâm cho đến nay. Vì thế việc chuẩn hoá thời gian kiêng xuất tinh có thể cải thiện việc lựa chọn tinh trùng và kết quả lâm sàng trong điều trị hỗ trợ sinh sản. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng của thời gian kiêng xuất tinh đến kết quả thụ tinh ở các cặp vợ chồng vô sinh thực hiện ICSI.
 
Phương pháp
Nghiên cứu được thực hiện trên 6919 chu kỳ ICSI trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 3 năm 2022. Tinh trùng được thu nhận từ các bệnh nhân nam được hướng dẫn kiêng xuất tinh từ 2-7 ngày theo khuyến cáo của WHO. Các chu kỳ thực hiện xét nghiệm tiền làm tổ (Preimplantation Genetic testing for structural chromosomal rearrangements-PGT-SR) và chu kỳ có ngày kiêng xuất tinh <2 ngày và >7 ngày bị loại khỏi nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chính là đánh giá ảnh hưởng thời gian kiêng xuất tinh so với kết quả thụ tinh. Ngoài ra, tiến hành đánh giá kết quả phụ gồm tỉ lệ tạo phôi nang, tỉ lệ phôi nang chất lượng tốt, tỉ lệ β-HCG dương tính và tỉ lệ thai lâm sàng.
 
Kết quả
Nghiên cứu cho thấy nhóm có thời gian kiêng xuất tinh từ 5-7 ngày có thể tích tinh dịch và mật độ tinh trùng cao nhất (p<0,001) và tỉ lệ di động tiến tới có sự giảm nhẹ (p<0,043). Bên cạnh đó, tổng số tinh trùng di động có sự khác biệt đáng kể ở các giai đoạn kiêng xuất tinh, cao nhất ở nhóm kiêng xuất tinh từ 5-7 ngày và thấp nhất ở nhóm kiêng xuất tinh 2 ngày (p<0,001).
 
Thời gian kiêng xuất tinh không ảnh hưởng đến tỉ lệ hình thành hợp tử 1PN. Tuy nhiên, với số ngày kiêng xuất tinh càng tăng, tỉ lệ hình thành hợp tử 2PN giảm 3% (0,97; 95% KTC 0,94–0,99, p=0,029) và tỉ lệ hình thành hợp tử 3PN tăng đáng kể 14% (1,14; 95% KTC 1,07–1,22; p<0,001).
 
Về kết quả lâm sàng, thời gian kiêng xuất tinh không ảnh hưởng đến sự hình thành phôi nang, tỉ lệ phôi nang chất lượng tốt, kết quả β-HCG dương tính, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ sảy thai.
 
Bàn luận
Thời gian kiêng xuất tinh đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng tinh dịch. Do đó, việc thời gian kiêng xuất tinh kéo dài có thể tạo ra các gốc oxy hóa tự do (Reactive Oxygen Species-ROS) trong tinh dịch. Nồng độ ROS cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng di động, phản ứng acrosome và chức năng của tinh trùng, từ đó làm giảm khả năng thụ tinh. Bên cạnh đó, việc tiêm tinh trùng bất thường như tinh trùng bị phân mảnh DNA có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thụ tinh của noãn. Đây là nghiên cứu đầu tiên phân tích sự thụ tinh trong các chu kỳ ICSI liên quan đến thời gian kiêng xuất tinh với cỡ mẫu lớn và thời gian dài. Tuy nhiên nghiên cứu chưa xác định thời gian kiêng xuất tinh tối ưu cho kỹ thuật ICSI. Ngoài yếu tố tinh trùng thì chất lượng noãn cũng là yếu tố cần thiết để đánh giá chất lượng thụ tinh và nên sử dụng hệ thống quan sát bằng camera để có thể quan sát được toàn bộ quá trình thụ tinh để đánh giá kết quả đầy đủ và khách quan hơn.
 
Kết luận
Nghiên cứu cho thấy kiêng xuất tinh lâu ngày hơn sẽ làm giảm tỉ lệ hình thành hợp tử 2PN và tăng tỉ lệ hình thành hợp tử 3PN, tuy nhiên không ảnh hưởng đến tỉ lệ hình thành phôi nang và tỉ lệ thai lâm sàng. 
 
Nguồn: Cermisoni, G. C., Minetto, S., Marzanati, D., Alteri, A., Salmeri, N., Rabellotti, E., ... & Pagliardini, L. (2024). Effect of ejaculatory abstinence period on fertilization and clinical outcomes in ICSI cycles: a retrospective analysis. Reproductive BioMedicine Online, 48(1), 103401.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK