Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 10-05-2024 9:47am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Trần Phương Duyên – IVFMD Tân Bình

Mở đầu
Chất lượng phôi là yếu tố tiên lượng đến thành công của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART). Hầu hết các phác đồ điều trị ART hiện nay đang chuyển hướng sang chuyển đơn phôi (eSET) và lựa chọn chuyển phôi chất lượng tốt nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Phôi kém chất lượng thường không được ưu tiên chuyển hoặc trữ đông do khả năng làm tổ thấp hơn so với phôi chất lượng tốt. Mặc dù thiếu bằng chứng, nhiều người tin rằng chuyển phôi kém chất lượng có thể dẫn đến sẩy thai hoặc thai lưu. Mặc dù khả năng phôi mang nhiễm sắc thể (NST) bình thường cao hơn ở phôi nang có hình thái đẹp, nhưng ảnh hưởng của chất lượng phôi đến bất thường NST vẫn chưa rõ ràng. Do đó, một phôi có hình thái đẹp vẫn có thể mang bất thường di truyền và ngược lại và không loại trừ khả năng phôi có hình thái kém chất lượng vẫn có thể mang NST bình thường. Nghiên cứu được thực hiện trong những năm gần đây, người ta quan sát thấy rằng tỷ lệ thai sau chuyển phôi chất lượng kém và tốt cũng như kết cục lâm sàng tương tự nhau, và chất lượng phôi không liên quan đến việc tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ và trẻ sơ sinh.
 
Xét đến việc chuyển phôi kém chất lượng không ảnh hưởng đến kết quả chu sinh, điều này có thể cung cấp lựa chọn cho các cặp vợ chồng trong chu kỳ chỉ có phôi chất lượng kém. Mục đích của nghiên cứu này là điều tra các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả lâm sàng sau chuyển phôi kém chất lượng và sự hiện diện của các thông số để dự báo tiên lượng.
 
Vật liệu và Phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu các chu kỳ chuyển đơn phôi tươi được đưa vào nghiên cứu. Bao gồm các chu kỳ chuyển đơn phôi tươi ngày 3 và ngày 5; loại trừ bệnh nhân chuyển phôi hai lần trở lên, chu kỳ phôi trữ, bệnh nhân hủy chu kỳ cũng như chuyển phôi ngày 2, ngày 4 và ngày 6.
Phôi ngày 3 (61-65 giờ sau ICSI) được đánh giá bằng thang điểm phôi theo số lượng tế bào, kích thước, tính đối xứng và tỷ lệ phân mảnh. Thang điểm cho phôi ngày 5 bằng cách xem xét sự giãn nở của phôi nang, khối tế bào nội mô (ICM) và lá nuôi phôi (TE). Thang điểm từ tốt nhất (Loại 1) đến kém nhất (Loại 5) theo tiêu chí này. Phôi loại 1 và 2 được phân loại là phôi chất lượng tốt, và phôi loại 3 và 4 được coi là phôi chất lượng kém. Phôi loại 5 không được chuyển. Kết quả thu được từ nhóm nghiên cứu chuyển phôi chất lượng kém được so sánh với nhóm đối chứng chuyển phôi chất lượng tốt.
 
Kết quả
Trong nghiên cứu này, 2123 chu kỳ IVF, được chia thành hai nhóm chuyển phôi chất lượng tốt và chuyển phôi chất lượng kém. Trong đó, 1768 chu kỳ thu được phôi chất lượng tốt và 355 chu kỳ thu được phôi chất lượng kém.
 
Tỷ lệ thai lâm sàng là 38,3% ở nhóm phôi chất lượng tốt và 14,9% ở nhóm phôi chất lượng kém, và sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê (p < 0.001). Tương tự, sự khác biệt về tỷ lệ sinh con sống giữa các nhóm cũng được tìm thấy là có ý nghĩa thống kê (30,6% ở nhóm phôi chất lượng tốt so với 10,1% ở nhóm phôi chất lượng kém, p < 0.001). Tỷ lệ sinh con sống trên mỗi thai lâm sàng cao hơn đáng kể ở nhóm phôi chất lượng tốt so với nhóm phôi chất lượng kém (79,9% so với 67,9%) (p < 0.001), nhưng không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thai sinh hóa và sẩy thai (p> 0,05). Có 53 bệnh nhân mang thai lâm sàng sau chuyển phôi trong nhóm phôi chất lượng kém (14,9%). Trong số 53 bệnh nhân này, 36 người đã sinh con sống (tỷ lệ sinh con sống trên một thai lâm sàng là 67,9%).
 
Khi so sánh về tuổi phôi chuyển, tỷ lệ thai lâm sàng và sinh con sống khi chuyển phôi ngày 5 cao hơn đáng kể so với chuyển phôi ngày 3 trong nhóm chuyển phôi tốt (46,1% so với 33% và 37,7% so với 26,1%). Ở nhóm phôi chất lượng kém, không có sự khác biệt thống kê giữa chuyển phôi ngày 3 và ngày 5 đối với tỷ lệ thai lâm sàng và sinh con sống (p> 0,05). Tuy nhiên ở nhóm phôi kém, tỷ lệ sinh con sống cao hơn khi chuyển phôi ngày 3 so với phôi được chuyển vào ngày 5 (75% so với 57,1%) và tỷ lệ sẩy thai thấp hơn ở phôi ngày 3 so với ngày 5 (25% so với 42,8%) (p < 0.001).
 
Thảo luận
Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ sinh con sống thấp hơn ở nhóm chuyển phôi chất lượng kém so với nhóm chuyển phôi chất lượng tốt. Tuy nhiên, 67,9% bệnh nhân trong nhóm chuyển phôi chất lượng kém đã sinh con sống. Mặc dù tỷ lệ thai lâm sàng và sinh con sống cao hơn đáng kể sau chuyển phôi ngày 5 ở nhóm phôi tốt. Nhưng ở nhóm phôi kém tỷ lệ thai lâm sàng tương tự nhau giữa chuyển phôi ngày 3 và ngày 5 và ngược lại so với nhóm phôi tốt, tỷ lệ sinh con sống khi chuyển phôi ngày 3 lại cao hơn phôi ngày 5.
 
Nhiều nghiên cứu trong tài liệu đã chỉ ra mối tương quan mạnh mẽ giữa tỷ lệ thai lâm sàng thấp và tỷ lệ sinh con sống trên mỗi lần chuyển phôi chất lượng kém. Trong nghiên cứu của họ so sánh các chu kỳ chuyển phôi của 488 bệnh nhân, nhóm tác giả Kirilovabáo cáo rằng tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ sinh con sống của các chu kỳ chuyển phôi chất lượng kém thấp hơn so với các chu kỳ chuyển phôi chất lượng tốt và kết quả không khác biệt giữa chuyển phôi ngày 3 hay ngày 5. Ngược lại, Oron G và cộng sự báo cáo rằng tỷ lệ sẩy thai và sinh con sống tương đương nhau giữa nhóm chuyển phôi chất lượng kém và tốt. Một nghiên cứu của Zhu J và cộng sự cho thấy tỷ lệ sinh con sống thấp hơn đáng kể ở nhóm chuyển phôi chất lượng kém so với nhóm chuyển phôi chất lượng tốt và tỷ lệ sẩy thai cao hơn. Tương tự, nhóm tác giả Akamine thấy rằng, ở nhóm chuyển phôi chất lượng kém, tỷ lệ sinh con sống thấp hơn đáng kể và tỷ lệ sẩy thai cao hơn so với nhóm chuyển phôi chất lượng tốt (69,1% so với 49,1% và 26% so với 40,4%). Mặt khác, Li M và cộng sự báo cáo 70% (17/22) bệnh nhân vô sinh đã sinh con sống sau khi đạt được thai lâm sàng (21,6%, 22/102) ở nhóm chuyển phôi nang chất lượng thấp.
 
Nghiên cứu này cũng cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa nhóm chuyển phôi chất lượng tốt và chất lượng kém về tỷ lệ có thai lâm sàng và sinh con sống (38,3% so với 14,9% và 30,6% so với 10,1%). Tuy nhiên, trong số các trường sau khi huyển phôi chất lượng kém đạt đến giai đoạn thai lâm sàng, thì có đến 67,9% trường hợp sinh con sống, một tỷ lệ khá cao.
Gần đây, một bài tổng quan đề xuất quan điểm nên tập trung chuyển phôi nang chất lượng kém thay vì phôi ngày 3 chất lượng kém. Phôi phân chia chỉ nên chuyển khi chỉ có một phôi ngày 3 chất lượng kém duy nhất. Việc nuôi phôi ngày 5 đến giai đoạn phôi nang cho phép lựa chọn phôi chất lượng cao hơn và mô phỏng thời điểm phôi thụ tinh tự nhiên. Tuy nhiên, nuôi phôi ngày 5 phải chịu rủi ro mất phôi trong quá trình nuôi cấy. Nghiên cứu của chúng tôi không thấy sự khác biệt về tỷ lệ thai lâm sàng và sinh con sống dựa trên ngày chuyển phôi sau khi chuyển phôi chất lượng kém. Nhưng ở phôi phân chia (ngày 3), tỷ lệ sinh con sống trên mỗi thai lâm sàng cao hơn ở nhóm chuyển phôi ngày 5 chất lượng kém (75% so với 57,1%).
 
 
Kết luận
Mặc dù tỷ lệ có thai thấp, nhưng khi đã mang thai lâm sàng thì khả năng sinh con sau khi chuyển phôi kém chất lượng vẫn cao. Do đó, xét thấy kết quả sản khoa và sơ sinh của thai kỳ xảy ra sau chuyển phôi chất lượng kém giống như phôi chất lượng tốt, đây có thể được coi là lựa chọn chấp nhận được trong các chu kỳ khi chỉ có phôi chất lượng kém. Bệnh nhân cần được thông báo rõ ràng rằng mặc dù khả năng mang thai thấp, nhưng khi thai lâm sàng được thiết lập, tỷ lệ chuyển dạ đủ tháng và sinh con sống là rất cao.

Tài liệu tham khảo
Kadioglu N, Kahyaoğlu İ, Kaplanoğlu İ, Dilbaz S, Engin Üstün Y. Evaluation of Clinical Outcomes after Poor-Quality Embryo Transfer and Prognostic Parameters. Journal of Clinical Medicine. 2023; 12(19):6236. https://doi.org/10.3390/jcm12196236

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK