Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 10-05-2024 9:27am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Quảng Thị Phước Tín – IVFMD SIH - Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn
 
Quá trình trưởng thành noãn non trong ống nghiệm (In vitro maturation - IVM) sử dụng hệ thống nuôi cấy in vitro để nuôi cấy noãn chưa trưởng thành (GV hoặc MI) thành noãn trưởng thành. Phác đồ IVM ngày càng được sử dụng rộng rãi trong công nghệ hỗ trợ sinh sản cho phụ nữ hiếm muộn, đặc biệt ở các trường hợp bệnh nhân (BN) buồng trứng đa nang (PCOS) và nguy cơ cao quá kích buồng trứng (OHSS). IVM mang lại những lợi ích đáng kể cho BN như giảm nguy cơ mắc OHSS, giảm chi phí thuốc và rút ngắn thời gian điều trị so với các phác đồ IVF tiêu chuẩn.
 
IVM lần đầu tiên được thực hiện thành công ở người vào năm 1991 và có hơn 5000 ca trẻ sinh sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, chất lượng noãn IVM và khả năng phát triển của phôi kém hơn so với IVF. Tỷ lệ làm tổ thấp (0%– 9%) trong các nghiên cứu ban đầu, tuy nhiên hiện nay với những tiến bộ, cải tiến về công nghệ và phương pháp, tỷ lệ làm tổ IVM có thể đạt tới 40%–50%.
 
Đây là nghiên cứu sử dụng phác đồ IVM hCG cải biên (hệ thống nuôi cấy IVM hCG bổ sung melatonin – MT). MT là một loại indolamine, có vai trò quan trọng trong sự trưởng thành và phát triển của noãn. Nghiên cứu trước đây về noãn IVM tiết lộ rằng MT cải thiện chức năng ty thể và khả năng phát triển của phôi.
 
Các điện thế màng ty thể (MMP) bị ảnh hưởng bởi môi trường ngoại bào và nội bào. Ca2+ trong ty thể được giải phóng quá mức vào tế bào chất khi chức năng ty thể bị tổn thương, ROS cũng là một sản phẩm khác từ ty thể. Việc tăng MMP và giảm nồng độ Ca2+, ROS là những tín hiệu tốt về chức năng ty thể. Như vậy, 3 thông số này có thể phản ánh tốt chức năng của ty thể.
 
Mục đích chính của nghiên cứu nhằm so sánh khả năng phát triển của phôi, kết quả lâm sàng của noãn trưởng thành IVF (noãn MII được thu nhận vào ngày chọc hút sau chu kì IVM hCG) và IVM (noãn non được thu nhận vào ngày chọc hút) từ cùng chu kỳ IVM hCG (trong nghiên cứu này gọi là chu kỳ IVM/IVF). Phân tích hiệu quả lâm sàng của hệ thống IVM bổ sung melatonin trong chu kỳ IVM/IVF cải biên.
 
22 BN đang thực hiện phác đồ điều trị IVM/IVF tại trung tâm nghiên cứu được chọn ngẫu nhiên. Trong đó có 19 BN PCOS và 3 trường hợp liên quan đến yếu tố ống dẫn trứng, nam giới và vô sinh do viêm vùng chậu.
 
Khi các nang noãn đạt đường kính 12–14 mm, BN được chọc hút noãn 36 giờ sau khi tiêm 10.000 IU hCG. Sự trưởng thành của noãn được đánh giá sau khi loại bỏ các tế bào hạt xung quanh noãn. Noãn MII được chọn để ICSI (noãn IVF), noãn GV hoặc MI được nuôi cấy trong hệ thống IVM (noãn IVM) ở 37oC với 6% CO2 và 5% O2. Sau 24–48 giờ, noãn IVM được thu nhận để ICSI.
 
Tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi phân chia và phôi nang cũng như tỷ lệ thai lâm sàng, làm tổ và tỷ lệ trẻ sinh sống, thai diễn tiến được phân tích và so sánh giữa noãn IVF và IVM. Đồng thời đánh giá các chỉ số chức năng ty thể (nhuộm huỳnh quang) gồm mức MMP, Ca2+, ROS từ 15 noãn IVM (14 BN có noãn non ngày chọc hút) và 15 noãn IVF (13 BN có noãn trưởng thành ngày chọc hút).
 
Một số kết quả ghi nhận được
Trong 22 chu kỳ điều trị của mỗi BN, tổng cộng có 146 noãn trưởng thành và 252 noãn chưa trưởng thành (96GV và 156MI) được thu nhận. Tổng cộng có 150 (59,5%) noãn IVM được quan sát sau 24-48 giờ nuôi cấy IVM.
 
Có 16 phôi phân chia từ noãn IVM trong 9 chu kỳ chuyển phôi tươi (nếu BN có NMTC ≥7mm). Nếu NMTC <7mm, các phôi sẽ được tiếp tục nuôi tới N5/N6 và trữ lại để chuyển phôi trữ. Tỷ lệ thai lâm sàng từ các chu kỳ chuyển phôi tươi là 44,4% (4/9) và chưa có trường hợp sẩy thai nào. Ngoài ra, có 11 chu kỳ chuyển phôi trữ với 18 phôi từ noãn IVM, 14 chu kỳ chuyển phôi trữ với 21 phôi từ noãn IVF. Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thai lâm sàng, làm tổ và thai diễn tiến/ tỷ lệ trẻ sinh sống giữa các nhóm IVF và IVM.
 
Đến nay đã có 3 trường hợp trẻ sinh sống khỏe mạnh và 9 trường hợp thai diễn tiến từ các chu kỳ điều trị IVF/IVM. Tỷ lệ thai lâm sàng, làm tổ và thai diễn tiến /trẻ sinh sống tích lũy sau mỗi lần chuyển phôi trong các chu kỳ điều trị IVM/IVF tương ứng là 44,1%, 34,6% và 35,3%. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ thai lâm sàng tích lũy và tỷ lệ thai diễn tiến/ trẻ sinh sống tích lũy từ noãn IVM/ IVF tương ứng là 68,2% (15/22) và 54,5% (12/22).
 
Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thụ tinh, phôi nang, làm tổ, thai lâm sàng và trẻ sinh sống giữa nhóm IVF và IVM. Trong khi tỷ lệ phôi phân chia cao hơn đáng kể ở nhóm IVF so với IVM (100% so với 93,4 ± 10,9%, p = 0,03).
 
Sự khác biệt chính của nghiên cứu này là bổ sung MT vào môi trường nuôi cấy IVM. MT và các chất chuyển hóa của nó có tác động mạnh mẽ đến chất chống oxy hóa (trực tiếp hoặc gián tiếp) và loại bỏ gốc tự do trong nhiều mô và cơ quan. MT có thể cải thiện chức năng của ty thể bằng cách giảm ROS và tăng mức ATP trong noãn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của phôi.
 
Việc bổ sung MT trong 1 nghiên cứu gần đây của nhóm tác giả cho thấy làm tăng đáng kể tỷ lệ phôi nang chất lượng cao từ noãn chưa trưởng thành (28,4% so với 2,0% ở  nhóm không MT). Trong nghiên cứu này, tỷ lệ phôi nang đạt được khi bổ sung MT là 44,6%, và thai lâm sàng là 40,0%. Những kết quả này chỉ ra rằng MT có ảnh hưởng đáng kể đến sự sinh sản ở người.
 
Như đã nói ở trên, việc tăng MMP, giảm nồng độ ROS và Ca2+ là tín hiệu tốt về chức năng của ty thể. Nghiên cứu hiện tại cho thấy noãn IVM biểu hiện chức năng ty thể giảm so với với noãn IVF: mức MMP cao hơn đáng kể ở noãn IVF so với noãn IVM, nồng độ Ca2+ và ROS trong noãn IVM tăng đáng kể so với noãn IVF. Những kết quả trên có thể lý giải nguyên nhân tiềm năng noãn IVM kém hơn so với IVF. Tuy vậy, việc sử dụng phác đồ IVM nên được coi là một cách tiếp cận bổ sung ở các trường hợp như BN PCOS hoặc nguy cơ cao OHSS.
 
Nguồn: LI, Xinyuan, et al. Comparison of IVF and IVM outcomes in the same patient treated with a modified IVM protocol along with an oocytes-maturing system containing melatonin: A pilot study. Life Sciences, 2021, 264: 118706.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK