Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 08-05-2024 2:37pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như - IVFMD
 
Người bị khuyết tật phát triển (developmental disabilities – DD), bao gồm cả bệnh tự kỷ, thường ít được tiếp cận với các nguồn lực về sức khỏe sinh sản và tình dục khi trưởng thành, bao gồm tư vấn tránh thai, sàng lọc ung thư cổ tử cung, so với những người bình thường cùng tuổi. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục dưới mức tối ưu có thể khiến những thanh thiếu niên này có nguy cơ cao hơn về các vấn đề sức khỏe sinh sản như là kinh nguyệt không đều, đau và khó chịu khi đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc bị ngược đãi và lạm dụng tình dục. Các bằng chứng hiện tại cho thấy dữ liệu rất ít về các đối tượng này; vì vậy, nghiên cứu này nhằm đánh giá những khác biệt trong chăm sóc sức khỏe sinh sản giữa nhóm trẻ bị khuyết tật và trẻ bình thường.
 
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ dựa trên dữ liệu của hệ thống chăm sóc sức khỏe tích hợp Kaiser Permanente Northern California (KPNC) từ 2017-2019. Quần thể thanh thiếu niên được chia thành 3 nhóm bao gồm 700 người mắc chứng tự kỷ (1), 836 người bị DD khác (2) và 2187 người phát triển bình thường (3) trong độ tuổi từ 14-18 tuổi. Trong đó, 97% người trong mỗi nhóm có ít nhất 1 lần thăm khám sơ sinh ban đầu và 75% người có số lần khám cả sơ sinh và trưởng thành ít nhất 5 lần.
 
Trong 3 nhóm (1), (2) so với (3):
-Tỉ lệ người chẩn đoán rối loạn kinh nguyệt lần lượt là 38,1%; 39,7% so với 32,2%.
-Tỉ lệ người bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là 17,0%; 15,8% so với 10,6%.
-Tỉ lệ người có hội chứng tiền kinh nguyệt là 5,4%; 2,8% so với 1,6%.
-Nhóm (1) và (2) ít khả năng nhiễm trùng đường tiết niệu (urinary tract infection - UTI) (và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục – sexually transmitted infection - STI) hơn với tỉ lệ lần lượt là 6,7% (<1%); 10,5% (<1%) so với 15,0% (3,1%). 
-Người mắc chứng tự kỷ và các khuyết tật phát triển khác ít khi thăm khám sản phụ khoa trong những năm thanh thiếu niên của họ so với người bình thường (28,4%; 27,9% so với 39,1%).
-Khoảng 80-87% người sử dụng biện pháp tránh thai hormone dạng thuốc uống ở độ tuổi 14-18 tuổi; trong đó, nhóm (1) và (2) là 34,3% và 32,2%, đều ít hơn so với nhóm (3) – 43,8%.
-Depo Provera là thuốc tránh thai dạng tiêm dường như thông dụng ở nhóm (1) và (2) (5,7% và 6,2%) hơn so với nhóm (3) là 4,4%.
-Các biện pháp tránh thai khác như cấy hormone, đặt vòng hay miếng dán tránh thai được ít ưa chuộng nhất ở cả 3 nhóm (<3%).
Ngoài ra, xác suất xảy ra các tình trạng như chảy máu bất thường, hội chứng tiền mãn kinh và PCOS xảy ra thường xuyên hơn ở người tự kỷ và khuyết tật (28-45%). Sự tương quan này chưa được hiểu rõ nhưng có thể liên quan đến sinh lý, các tình trạng xảy ra đồng thời khác hoặc do tác dụng phụ của thuốc điều trị. Ví dụ như là chức năng tiết serotonin bị thay đổi - một yếu tố gây bệnh tự kỷ có thể tăng độ nhạy cảm với những thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt. Các rối loạn co giật thường xảy ra ở bệnh tự kỷ và DD cũng có liên quan đến PCOS, nghĩa là thuốc chống động kinh hoặc sự gián đoạn trục vùng dưới đồi tuyến yên trong quá trình phát triển thần kinh có thể đóng một vai trò nhất định. Nhiều thanh thiếu niên trong nhóm này cũng sử dụng thuốc an thần, ổn định tâm trạng và chống loạn thần, điều này có thể gây ra nồng độ prolactin cao và tăng cân, góp phần gây ra kinh nguyệt không đều.
 
Từ 2000 đến 2017, giai đoạn mở rộng đáng kể những khóa tập huấn lâm sàng, bảo lãnh từ bảo hiểm cho các phương pháp tránh thai bởi KPNC. Khuyến cáo lâm sàng về biện pháp tránh thai cho những thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ, khuyết tật được chỉ định theo thứ tự ưu tiên là đặt vòng, thuốc tránh thai dạng uống hoặc tiêm. Tuy nhiên, mặc dù vòng tránh thai có hiệu quả cao nhưng ít được sử dụng thường bởi những đối tượng này vì việc đặt vòng đòi hỏi phải khám vùng chậu gây khó chịu vì cảm giác, và nhiều khi dùng thuốc an thần cần thêm thời gian và nguồn lực. Dù vậy, nghiên cứu gần đây cho thấy những thanh thiếu niên DD vẫn tiếp tục sử dụng vòng tránh thai. Thêm vào đó, miếng dán tránh thai là phương pháp sử dụng phổ biến thứ 2 ở những thanh niên này. Một nghịch lý là các nhà cung cấp lo lắng về ảnh hưởng của miếng dán đến những bệnh nhân có BMI cao cũng như nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu ở những người khả năng vận động kém.
 
Đối với việc chăm sóc sức khỏe sinh sản thì cho đến nay vẫn chưa có đồng thuận nào về việc khuyến cáo người trẻ nên kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ. Hướng dẫn lâm sàng của KPNC là người từ 18 tuổi nên bắt đầu quan tâm về vấn đề này nhưng trên thực tế thì nhiều người chỉ đến khám sản phụ khoa nếu được bắt đầu chỉ định tầm soát ung thư cổ tử cung từ tuổi 21 hoặc bắt đầu xảy ra quan hệ tình dục.
 
Tóm lại, thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ hoặc các bệnh DD khác có tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến kinh nguyệt cao hơn và ít đến gặp bác sĩ sản phụ khoa cũng như ít sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố hơn so với các bạn cùng lứa đang phát triển bình thường. Nghiên cứu này cho thấy những nỗ lực cải thiện chăm sóc sức khỏe sinh sản trong quá trình trưởng thành sẽ được hưởng lợi từ việc kiểm tra các dịch vụ sức khỏe sinh sản được cung cấp ở cả cơ sở nhi khoa và sản phụ khoa. Tuy nhiên, nhiều khía cạnh về sự khác biệt trong việc chăm sóc phân theo loại khuyết tật, bao gồm khuyết tật trí tuệ, nhu cầu hỗ trợ và giao tiếp cũng cần được khám phá.
 
Nguồn: Ames J.L, Anderson M.C, Cronbach E, Lee C, Onaiwu M.G, Vallerie A.M, Croen L.A. Reproductive healthcare in adolescents with autism and other developmental disabilities. American Journal of Obstetrics & Gynecology. 2024.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK