Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 06-05-2024 9:16am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Trương Quốc Thịnh, ThS. Nguyễn Huyền Minh Thuỵ - IVF Tâm Anh

Giới thiệu
Hiện nay, số trẻ em trên thế giới được ra đời từ các phương pháp hỗ trợ sinh sản (ARTs) ngày càng tăng. Ở châu Âu, 3,5% trẻ em sinh ra từ ARTs, trong đó có 35,5% sinh ra từ chuyển phôi đông lạnh (frozen embryo transfer – FET) và các chu kỳ đông lạnh phôi toàn bộ ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, sự phát triển lâu dài của những đứa trẻ này cũng là một vấn đề xã hội rất quan tâm. Nhiều nghiên cứu với dữ liệu lớn ghi nhận thai nhi có kích thước lớn hơn trung bình tuổi thai và trẻ nặng cân hơn khi sinh hoặc BMI cao hơn từ FET. Tình trạng trên có thể làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và một số bệnh lý khác sau này. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu cho rằng không có sự khác biệt trong quá trình phát triển của trẻ khi nghiên cứu trẻ đến 5 tuổi. Rất ít nghiên cứu ghi nhận quá trình phát triển của trẻ đến độ tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy, nghiên cứu này thực hiện để theo dõi sự phát triển đến tuổi trưởng thành của những trẻ em sinh đơn từ FET so với chu kỳ chuyển phôi tươi (fresh embryo transfer – ET) và chu kỳ tự nhiên (natural conception – NC).
 
Phương pháp nghiên cứu
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ, dữ liệu thu thập từ cơ quan đăng ký quốc gia, cơ quan sinh sản y tế Phần Lan (FMBR), và cơ quan đăng ký chăm sóc sức khỏe. Nghiên cứu theo dõi những trẻ em sinh sống đơn thai từ năm 1995 đến 2006 tại Phần Lan, sau chuyển phôi FET (n = 1825), ET (n = 2933) với NC (n = 31136). Dữ liệu phát triển của trẻ được ghi nhận hàng năm, riêng biệt cho bé trai và bé gái, và được thu thập từ 7 đến 18 tuổi. Dữ liệu phát triển của trẻ bao gồm trung bình cân nặng (kg), chiều cao (cm) và BMI (kg/m2) được thu thập và so sánh giữa các nhóm.
 
Kết quả
Đối với bé trai, tỉ lệ thừa cân trung bình theo độ tuổi ở nhóm FET, ET và NC lần lượt là 28%, 22% và 26% (P < 0,001 khi so sánh nhóm FET với ET; P = 0,014 khi so sánh nhóm FET với NC; P < 0,001 khi so sánh nhóm ET với NC). Bé trai ở nhóm FET có chỉ số cân nặng và BMI cao hơn nhóm ET ở độ tuổi từ 12 đến 18, và cao hơn nhóm NC ở độ tuổi từ 14 đến 18. Xét ở mọi độ tuổi, tỉ lệ OR sau điều chỉnh (aOR) của tình trạng thừa cân ở nhóm FET so với ET là 1,14 (95% Cl 1,02 – 1,27), và nhóm FET so với NC là 1,08 (95% Cl 0,99 – 1,18). Không có sự khác biệt về chiều cao giữa nhóm FET và ET qua các độ tuổi, tuy nhiên có sự khác biệt về chiều cao giữa nhóm trẻ FET và NC trong độ tuổi từ 9 đến 18.
Đối với bé gái, tỉ lệ thừa cân trung bình theo độ tuổi ở nhóm FET, ET và NC lần lượt là 18%, 19%, và 22% (P = 0,169 khi so sánh nhóm FET với ET; P < 0,001 khi so sánh nhóm FET với NC; P < 0,001 khi so sánh nhóm ET với NC). Tỉ lệ aOR của tình trạng thừa cân ở nhóm bé gái sinh ra từ FET ở độ tuổi 15 – 16 thấp hơn so với nhóm NC. Xét ở mọi độ tuổi, tỉ lệ aOR ở nhóm FET so với ET là 0,92 (95% Cl 0,81 – 1,06), và nhóm FET so với NC là 0,89 (95% Cl 0,8 – 0,99). Không ghi nhận sự khác biệt giữa các nhóm ở chỉ số trung bình cân nặng, chiều cao và BMI qua các độ tuổi.
 
Bàn luận
Cân nặng, BMI và tỉ lệ thừa cân ở nhóm bé trai sinh từ FET cao hơn so với nhóm ET và NC. Không có sự khác biệt về chiều cao giữa các bé trai sau FET và ET. Đối với bé gái, không có sự khác biệt đáng kể về chiều cao trung bình, cân nặng hoặc chỉ số BMI giữa các nhóm. Kết quả này cũng phù hợp với sự ghi nhận tình trạng thai nhi có kích thước lớn hơn trung bình tuổi thai và trẻ cân nặng hơn khi sinh từ các bé ở nhóm FET, gợi ý rằng tình trạng trên có thể liên quan với giới tính của trẻ. Sự thay đổi của di truyền biểu sinh ở trẻ sinh ra từ ARTs có thể là nguyên nhân của sự khác nhau về cân nặng giữa các nhóm FET, ET và NC. Sự di truyền này không được giải thích là do quá trình methyl hóa DNA của cha mẹ hoặc khả năng sinh sản kém, mà có thể được gây ra bởi quá trình đông lạnh phôi hoặc sự khác biệt trong môi trường nội tiết của tử cung tại thời điểm chuyển phôi. Giai đoạn dậy thì là yếu tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng, sự khác biệt về thời điểm dậy thì có thể giải thích sự khác biệt về tăng trưởng. Quá trình dậy thì không đồng nhất giữa các cá thể trẻ cũng có thể dẫn đến sự khác biệt trong các chỉ số phát triển của trẻ ở độ tuổi từ 12 đến 18.
Hạn chế lớn của nghiên cứu này là chưa điều chỉnh đặc điểm nền của bố mẹ trước khi có thai ở tất cả nhóm dân số. Phôi chuyển từ nghiên cứu này là phôi phân chia và đông lạnh chậm vì thế kết quả này vẫn chưa khái quát cho việc chuyển phôi nang và phương pháp thuỷ tinh hoá.
Ưu điểm của nghiên cứu này ở dữ liệu đáng tin cậy thu nhận từ hệ thống đăng ký y tế quốc gia. Đây là nghiên cứu theo dõi lâu dài nhất cập nhật sự phát triển của trẻ sinh ra từ FET đến tuổi dậy thì và chia theo giới tính.
 
Kết luận
Nguy cơ thừa cân của các bé trai ở nhóm FET cần được nghiên cứu sâu hơn để xác minh kết quả và  làm rõ cơ chế thừa cân liên quan đến giới tính này. Tuy nhiên, không khác biệt về chiều cao ở trẻ FET so với trẻ ET phần nào cho thấy tính an toàn và khả thi của chuyển phôi trữ. Ngoài ra, các dữ liệu về sự phát triển và sức khỏe về sau của trẻ cần được theo dõi để tìm hiểu mối quan hệ của nguy cơ mắc bệnh rối loạn chuyển hoá ở trẻ sinh ra từ hỗ trợ sinh sản.

Nguồn: Terho AM, Tiitinen A, Salo J, Martikainen H, Gissler M, Pelkonen S. Growth of singletons born after frozen embryo transfer until early adulthood: a Finnish register study. Hum Reprod. 2024 Mar 1;39(3):604-611. doi: 10.1093/humrep/dead264. PMID: 38177081; PMCID: PMC10905505.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK