Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 27-04-2024 7:42am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Tăng Lê Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 

 
Giới thiệu chung
Nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội hiện đại, nhựa đã cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp khác nhau và góp phần thay đổi đời sống sinh hoạt của con người. Với những đặc tính vượt trội như độ bền, tính linh hoạt và khả năng chống phân hủy, nhựa được sử dụng linh hoạt và rộng rãi trong đóng gói, xây dựng, điện tử, chăm sóc sức khỏe và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nhựa lại giải phóng các hóa chất độc hại, bao gồm các chất phụ gia và monomer còn sót lại, cả trong quá trình sử dụng và thải bỏ, dẫn đến những mối lo ngại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Các nghiên cứu ở cả động vật và con người đã cho thấy việc tiếp xúc với nhựa có mối liên hệ với tình trạng rối loạn hormone, cũng như dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực khác đến khả năng sinh sản. Hơn nữa, việc tiếp xúc trước sinh với các hóa chất liên quan đến nhựa có thể gây ra hậu quả lâu dài đến sức khoẻ của trẻ, bao gồm những bất thường về phát triển và tăng khả năng mắc một số bệnh về sau.
 
Hiệu quả của Hỗ trợ sinh sản (ART) phụ thuộc chủ yếu vào việc duy trì sự kiểm soát chặt chẽ các điều kiện môi trường để đảm bảo sự phát triển tối ưu của phôi in vitro. Tuy nhiên, độc tính kết hợp do các chất ô nhiễm có trong môi trường, hóa chất và các yếu tố vật lý khác nhau đều có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với tiềm năng phát triển của phôi trong IVF. Việc sử dụng các thiết bị và dụng cụ khác nhau trong quá trình thực hiện IVF đã làm dấy lên mối lo ngại về tác động gây độc cho phôi thai tiềm ẩn của chúng. Ngoài ra, các vật dụng bằng nhựa sử dụng trong IVF có thể giải phóng các hợp chất hữu cơ bay hơi và làm thay đổi điều kiện nuôi cấy. Tất cả các chất ô nhiễm hóa học này có thể ảnh hưởng xấu đến giao tử và phôi tại tại thời điểm sử dụng và lâu dài. Do đó, ESHRE và ASRM đề xuất rằng tất cả các thiết bị y tế có thể tiếp xúc với giao tử và phôi phải trải qua các cuộc kiểm tra chất lượng thích hợp để ngăn chặn việc giải phóng độc tố. Trong đó, thử nghiệm phôi chuột (mouse embryo assay – MEA) và thử nghiệm khả năng di động của tinh trùng người (human sperm motility assay – HSMA) là hai thử nghiệm sinh học chính được sử dụng để kiểm soát chất lượng của môi trường và vật tư trong ART. MEA được thực hiện thông qua việc nuôi cấy phôi chuột đến giai đoạn phôi nang trong môi trường mà trước đó đã tiếp xúc với vật tư tiêu hao muốn kiểm tra. Thử nghiệm này sử dụng tỉ lệ phôi phát triển lên phôi nang làm chỉ số đánh giá độc tính. Mặc khác, HSMA đo lường khả năng di động của tinh trùng người sau khi tiếp xúc với vật tư tiêu hao, so sánh nó với những tinh trùng không tiếp xúc trong một khoảng thời gian cụ thể. Kết quả của thử nghiệm được biểu thị bằng chỉ số di động của tinh trùng (sperm motility index – SMI) được tính bằng tỉ lệ di động của tinh trùng trong mẫu được đánh giá chia cho độ di động của mẫu tinh trùng đối chứng.
 
Hiện tại, các thử nghiệm này được thực hiện riêng cho từng vật tư tiêu hao, đảm bảo rằng mỗi vật tư tiêu hao đều có giấy chứng nhận phù hợp. Tuy nhiên, nhiều vật tư và thiết bị được sử dụng liên tiếp trong một quy trình IVF có khả năng dẫn đến phơi nhiễm tích lũy với các chất ô nhiễm hóa học. Việc phơi nhiễm tích luỹ này có thể không được phát hiện khi đánh giá các vật tư tiêu hao một cánh đơn lẻ. Vì vậy, nghiên cứu trên đã được thực hiện nhằm đánh giá độc tính tích lũy do sử dụng vật tư tiêu hao trong quy trình IVF.
 
Phương pháp nghiên cứu
Đây là nghiên cứu quan sát được thực hiện từ tháng 3 năm 2021 đến tháng 10 năm 2022 nhằm đánh giá độc tính tích luỹ khi sử dụng tuần tự một số loại vật tư tiêu hao dùng một lần bằng HSMA. Tổng cộng có 14 loại vật tư tiêu hao hiện đang được sử dụng trong quy trình IVF thông thường đã được nghiên cứu, bao gồm các thiết bị dùng để thu nhận giao tử (lọ tinh dịch, bao cao su và kim chọc hút noãn), dụng cụ thao tác (bình, ống, đầu tip, pipette, catheter chuyển phôi, ống tiêm và găng tay), đĩa nuôi cấy và cọng trữ phôi.
 
Sau khi có được sự đồng ý của bệnh nhân, tinh dịch thừa được đánh giá là có các thông số bình thường theo tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới 2010 đã được sử dụng để thực hiện HSMA. Đầu tiên, mỗi vật tư tiêu hao đều được kiểm tra riêng lẻ. Sau đó, tổ hợp của ba, bốn và năm vật tư tiêu hao, trước đây được xác nhận là không độc hại trong thử nghiệm riêng lẻ đã được phân tích lại. HSMA được tiến hành ba lần để đảm bảo độ tái lập của nghiên cứu, với ngưỡng độc tính được xác định khi chỉ số di động của tinh trùng (SMI) dưới 0,85 trong ít nhất hai trong ba thử nghiệm.
 
Kết quả nghiên cứu
  • Tổng cộng có 36 mẫu vật tư tiêu hao từ 14 loại đã được thử nghiệm riêng lẻ trên 53 lô sản xuất. Trong đó, 49 lô (92%) đã thể hiện sự tuân thủ với SMI trên 0,85. Tuy nhiên, có (8%) lô cho thấy có độc tính: một lô ống tiêm 1 ml, hai lô lọ chứa tinh dịch và một lô bình 25 cm2. Bốn loại vật tư này đã bị loại khỏi quy trình IVF thông thường. Tổng cộng có 48 tổ hợp vật tư tiêu hao đã được đánh giá, bao gồm 41 lô từ 32 mẫu đã được thử nghiệm riêng lẻ trước đó.
  • Trong số các tổ hợp được đánh giá, 17 trong số 48 (35%) có biểu hiện độc tính với SMI dưới 0,85 đối với hai trong ba thử nghiệm (n = 8) hoặc cả ba thử nghiệm (n = 9). Đáng chú ý, 3 trong số 17 (18%) tổ hợp giữa 3 vật tư tiêu hao, 5 trong số 16 (31%) tổ hợp giữa 4 vật tư tiêu hao và 9 trong số 15 (60%) tổ hợp với 5 vật tư tiêu hao mang độc tính trong thử nghiệm HSMA. Nguy cơ độc tính tích lũy tăng lên cùng với số lượng vật tư tiêu hao được đưa vào tổ hợp (thống kê Cochran–Mantel–Haenszel, P = 0,013).
  •  
Kết luận
Tóm lại, những quan sát sơ bộ của nhóm tác giả đã ghi nhận một số độc tính tích lũy từ thử nghiệm HSMA trên các vật tư tiêu hao được sử dụng tuần tự trong các quy trình ART. Độc tính không bắt nguồn từ một vật tư tiêu hao duy nhất, bởi vì chỉ những vật tư tiêu hao đã được xác nhận trước là không độc hại mới được đưa vào tổ hợp, nhưng độc tính lại có khả năng tích lũy. Tuy nhiên, nhóm tác giả bàn luận thêm về tỉ lệ cao các tổ hợp vật tư tiêu hao không tuân thủ theo thử nghiệm HSMA có thể là do các điều kiện chiết xuất để đánh giá độc tính từ vật tư tiêu hao được thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt trong các thử nghiệm, khác với các điều kiện thực tế trong quy trình lâm sàng. Ngoài ra, phương pháp được sử dụng trong HSMA có thể ảnh hưởng đến độ nhạy của xét nghiệm. Cần tiến hành thêm những nghiên cứu để điều tra xem liệu độc tính tích lũy quan sát được trong các điều kiện chiết xuất nghiêm ngặt có còn được tìm thấy trong điều kiện thực tế hay không. Việc hiểu được cơ chế gây độc của vật liệu tổng hợp đối với sức khỏe và khả năng sinh sản của con người là rất quan trọng để giảm thiểu tác động bất lợi của chúng và xây dựng các biện pháp quản lý hiệu quả.
 
Nguồn: Delaroche, L., Besnard, L., Ouary, V., Bazin, F., & Cassuto, G. (2024). Disposables used cumulatively in routine IVF procedures could display toxicity. Human Reproduction, deae028.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK