Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 26-04-2024 2:11am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Đỗ Lê Đình Thiện – IVFMD Phú Nhuận
 
Giới thiệu
Với việc ứng dụng rộng rãi công nghệ hỗ trợ sinh sản (assisted reproductive technology – ART), sự an toàn cần được đặt lên hàng đầu. Mang thai sau IVF và ICSI có liên quan đến nguy cơ xảy ra các kết quả bất lợi về kết cục sản khoa và sơ sinh cao hơn so với mang thai sau khi thụ thai tự nhiên. Các nghiên cứu cho thấy ICSI có thể dẫn đến các rủi ro trong quá trình phát triển phôi cao hơn vì đây là một kỹ thuật xâm lấn. Tuy nhiên, độ an toàn của ICSI vẫn chưa được xác định.
 
Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (preimplantation genetic testing – PGT) bao gồm sinh thiết một hoặc một vài tế bào từ phôi giai đoạn phân tách vào ngày thứ 3 hoặc phôi giai đoạn phôi nang ngày thứ 5 hoặc 6. Hiện tại, PGT đã trở thành một phần không thể thiếu của các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization – IVF) ở những bệnh nhân bị rối loạn di truyền, sẩy thai liên tiếp và người mẹ lớn tuổi. Hơn nữa, số lượng chu kỳ PGT đã tăng với tốc độ chưa từng thấy trong những năm gần đây. Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ có thể được coi là phương pháp xâm lấn nhất trong ART. Tuy nhiên, chỉ có một số ít nghiên cứu khảo sát nguy cơ về hậu quả sơ sinh liên quan đến PGT. Năm 2017, De Rycke và cộng sự (2012) so sánh kết quả sản khoa và sơ sinh giữa PGT và ICSI và thấy rằng kết quả chu sinh là tương đương nhau. Ngoài ra, Desmyttere và cộng sự không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào về kết quả sơ sinh của trẻ sinh ra qua PGT hoặc ICSI. Hơn nữa, cho đến nay, các biến chứng sản khoa và biến chứng sau sinh của thai kỳ có thực hiện PGT hiếm khi được báo cáo. Năm 2016, Bay và cộng sự so sánh các biến chứng sản khoa của thai kỳ PGT với các biến chứng của thai kỳ sau khi thụ thai tự nhiên và nhận thấy rằng thai kỳ PGT có khả năng bị nhau tiền đạo, mổ lấy thai, sinh non (preterm birth – PB) cao hơn và thời gian mang thai ngắn hơn, tương tự như kết quả mang thai đạt được sau IVF hoặc ICSI. Do đó, nghiên cứu này đã tiến hành một đánh giá có hệ thống các nghiên cứu đã công bố và so sánh kết quả sản khoa và sơ sinh của thai kỳ PGT với kết quả của thai kỳ IVF/ICSI để điều tra xem liệu PGT có liên quan đến bất lợi về kết cục sản khoa và sơ sinh hay không. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu đã thực hiện phân tích phân nhóm chỉ sinh thiết phôi nang và chỉ các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (frozen-thawed embryo transfer – FET) để giảm ảnh hưởng của các yếu tố này đến kết quả.
 
Phương pháp:
Vào tháng 12 năm 2020, các nghiên cứu đã được xác định trong các cơ sở dữ liệu điện tử sau: PubMed, Medline, Embase và Thư viện Cochrane. Không có giới hạn về thiết kế nghiên cứu.
Tiêu chuẩn nhận:
  • Tất cả các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng và các nghiên cứu so sánh tiến cứu và hồi cứu (nghiên cứu đoàn hệ hoặc bệnh chứng) so sánh kết quả sản khoa và sơ sinh của thai kỳ PGT với thai kỳ IVF/ICSI.
Tiêu chuẩn loại:
  • Các bài báo đánh giá, bài xã luận, thư gửi biên tập viên, báo cáo ca bệnh và nghiên cứu thực nghiệm trên động vật
 
Kết cục chính của đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp này gồm kết quả sản khoa và sơ sinh sau PGT và IVF/ICSI, bao gồm cân nặng khi sinh trung bình, cân nặng khi sinh thấp, cân nặng khi sinh rất thấp (very low birth weight - VLBW), tuổi thai trung bình khi sinh, sinh non, sinh rất non, dị tật bẩm sinh , chậm phát triển trong tử cung (intrauterine growth retardation - IUGR), tỷ lệ giới tính. Kết cục phụ bao gồm các biến chứng thai kỳ bao gồm đái tháo đường thai kỳ (gestational diabetes mellitus - GDM), rối loạn tăng huyết áp thai kỳ (hypertensive disorders of pregnancy – HDP), vỡ ối sớm (preterm premature rupture of membranes – PPROM) và tỷ lệ mổ lấy thai.
 
Kết quả:
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung của 37 bài báo, 18 nghiên cứu đã bị loại. Bốn nghiên cứu không đủ điều kiện để đưa vào phân tích tổng hợp vì chúng là các đánh giá, phân tích tổng hợp hoặc báo cáo ca bệnh. Tám nghiên cứu không đủ điều kiện vì thiếu nhóm đối chứng phù hợp hoặc không cung cấp dữ liệu mong muốn. Sáu nghiên cứu còn lại không đủ điều kiện vì báo cáo trùng lặp dữ liệu. Cuối cùng, 19 nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí lựa chọn và được đưa vào phân tích tổng hợp này.
 
Tổng cộng có 785.445 người tham gia đã được ghi nhận vào phân tích tổng hợp này và được phân vào nhóm PGT (n=54.294) và nhóm IVF/ICSI (n=731.151). Tuy nhiên, chất lượng của các nghiên cứu được đưa vào nhìn chung còn thấp.
 
Kết cục sơ sinh giữa nhóm PGT và nhóm IVF/ICSI
Kết quả từ phân tích gộp cho thấy nhóm PGT có tỷ lệ cân nặng khi sinh thấp (low birth weight – LBW) thấp hơn (RR 0,85, 95% KTC 0,75-0,98), tỷ lệ VLBW thấp hơn (RR 0,52, CI 95% 0,33 - 0,81) và tỷ lệ sinh non rất sớm (very preterm birth – VPB) thấp hơn (RR 0,55, 95% KTC 0,42 - 0,70) so với nhóm IVF/ICSI.Không có sự khác biệt đáng kể về cân nặng trung bình khi sinh (khác biệt trung bình có hiệu chỉnh (weighted mean differences-WMD)- 23,96g, 95% KTC 3,89 - 51,81), tuổi thai trung bình khi sinh (WMD 0,08 tuần, 95% KTC 0,01 - 0,18), tỷ lệ PB (RR 0,99, 95% KTC 0,89 đến 1,09), dị tật bẩm sinh (RR 1,35, 95% KTC 0,95-1,93), tỷ lệ giới tính (RR 1,03, 95% KTC 1,00 đến 1,07) hoặc tỷ lệ IUGR (RR 1,00, 95% KTC 0,73-1,36) là được quan sát giữa nhóm PGT và nhóm IVF/ICSI
 
Kết quả sản khoa giữa nhóm PGT và nhóm IVF/ICSI
Nhóm PGT có tỷ lệ HDP (RR 1,28, 95% KTC 1,05-1,57) cao hơn nhóm IVF/ICSI. Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mổ lấy thai (RR 0,97, 95% KTC 0,84-1,12), GDM (RR 0,87, 95% KTC 0,72-1,05), nhau tiền đạo (RR 1,59, 95% KTC 0,90-2,81), nhau bong non (RR 1,90, 95% CI 0,60-5,95), nhau cài răng lược (RR 0,81, 95% KTC 0,21-3,04) hoặc PPROM (RR 1,15, 95% KTC 0,82-1,59) được quan sát giữa nhóm PGT và nhóm IVF/ICSI.
 
Kết quả sản khoa và sơ sinh giữa PGT sinh thiết phôi ngày 5 và IVF/ICSI.
Phân tích phân nhóm nhận thấy rằng thai kỳ PGT có tỷ lệ VLBW thấp hơn so với thai kỳ IVF/ICSI (RR 0,55, 95% KTC 0,31-0,95). Không có sự khác biệt đáng kể về cân nặng trung bình khi sinh (WMD 12,70g, 95% KTC 22,47-47,86, p=0,48, I2=0%), tỷ lệ LBW (RR 0,97, 95% KTC 0,71-1,22), tuổi thai trung bình ở thời điểm sinh (WMD 0,04 tuần, 95% KTC 0,10-0,18, p=0,61, I2=0%), tỷ lệ PB (RR 0,98, 95% KTC 0,86-1,13), tỷ lệ VPB (RR 0,67, 95% KTC 0,41-1,09), tỷ lệ dị tật bẩm sinh (RR 1,66, 95% KTC 1,00-2,76), tỷ lệ giới tính (RR 0,95, 95% KTC 0,78 đến 1,15), tỷ lệ mổ lấy thai (RR 1,02, 95% KTC 0,81 đến 1,28) , tỷ lệ HDP (RR 1,27, 95% KTC 0,96 đến 1,68), tỷ lệ GDM (RR 1,15, 95% KTC 0,90 đến 1,47), tỷ lệ nhau tiền đạo (RR 1,91, 95% KTC 0,33-10,95), tỷ lệ PPROM (RR 0,79, 95% KTC 0,43-1,44), tỷ lệ nhau bong non (RR 1,90, 95% KTC 0,60-5,95), tỷ lệ nhau cài răng lược (RR 0,81, 95% KTC 0,21-3,04), hoặc tỷ lệ IUGR (RR 1,15, 95% KTC 0,76-1,72) được quan sát thấy giữa các thai kỳ PGT và các thai kỳ IVF/ICSI.
 
Kết quả sản khoa và sơ sinh giữa thai kỳ PGT và IVF/ICSI sau chu kỳ FET.
Thực hiện phân tích phân nhóm cho thấy rằng thai kỳ PGT có tỷ lệ VLBW thấp hơn (RR 0,55, 95% KTC 0,31-0,97) và mổ lấy thai (RR 0,90, 95% KTC 0,82-0,99) và tỷ lệ PB (RR 1,10, 95% KTC 1,02-1,18) và IUGR (RR 1,21, 95% KTC 1,06-1,38) cao hơn so với những trường hợp mang thai IVF/ICSI. Không có sự khác biệt đáng kể về cân nặng trung bình khi sinh (WMD 13,12g, 95% KTC 42,93-16,69, p=0,39, I2= 0%), tỷ lệ LBW (RR 1,04, CI 95% 0,84-1,29), tuổi thai trung bình khi sinh (WMD 0,07 tuần, 95% KTC 0,06-0,21, p=0,29, I2= 0%), tỷ lệ VPB (RR 0,65, 95% KTC 0,40-1,07), tỷ lệ dị tật bẩm sinh (RR 1,51, 95% KTC 0,95-2,51), tỷ lệ giới tính (RR 1,01, 95% KTC 0,90-1,14), tỷ lệ HDP (RR 1,16, 95% KTC 0,91-1,48), tỷ lệ GDM (RR 1,13, 95% KTC 0,82-1,54), tỷ lệ nhau tiền đạo (RR 1,01, 95% KTC 0,14-7,21), tỷ lệ PPROM (RR 1,07, 95% KTC 0,32 đến 3,51) , tỷ lệ nhau bong non (RR 1,53, 95% KTC 0,22-10,70) hoặc tỷ lệ phù nhau thai (RR 0,49, 95% KTC 0,09-2,77) được quan sát thấy giữa các thai kỳ PGT và các thai kỳ IVF/ICSI.
 
Kết luận:
Phân tích tổng hợp cho thấy kết quả sản khoa và sơ sinh tương đương giữa thai kỳ PGT và thai kỳ IVF/ICSI. Phân tích cho thấy PGT không làm tăng nguy cơ xảy ra các kết quả bất lợi khác ở trẻ sơ sinh so với IVF/ICSI nhưng làm tăng nguy cơ mắc HDP. Nhưng phân tích phân nhóm về sinh thiết phôi nang và FET cho thấy PGT không làm tăng nguy cơ HDP. Mối liên quan giữa PGT và nguy cơ IUGR cao hơn cần được điều tra thêm. Việc phân tích sâu hơn, bao gồm mang thai tự nhiên như một nhóm đối chứng, có thể giúp xác định thêm sự an toàn của PGT và sinh thiết phôi về mặt kết cục sơ sinh và sản khoa.
 
Nguồn: Hou W, Shi G, Ma Y, Liu Y, Lu M, Fan X, Sun Y. Impact of preimplantation genetic testing on obstetric and neonatal outcomes: a systematic review and meta-analysis. Fertil Steril.2021 Oct;116(4): 990-1000. doi:10.1016/j.fertnstert. 2021. 06.040. Epub 2021 Aug 7. PMID: 34373103.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK