Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 22-04-2024 6:00am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Nguyễn Thị Tú Trinh – IVFMD Phú Nhuận
 
Giới thiệu
Các giai đoạn sớm nhất của quá trình phát triển phôi rất nhạy cảm với những thay đổi về thể tích noãn. Sự điều chỉnh thể tích của noãn bắt đầu từ khi rụng trứng, noãn ra khỏi màng trong suốt và chỉ diễn ra cho đến khi phôi nén lại, khiến nó trở thành một hệ thống độc nhất của giai đoạn phôi sớm. Thể tích noãn do các cơ chế điều hòa thể tích đặc biệt duy nhất có liên quan đến sự điều hòa thẩm thấu nội bào, chủ yếu dựa trên dòng ra và dòng vào của các chất thẩm thấu hữu cơ như glycine và betaine. Cân bằng thẩm thấu nội bào có thể bị thay đổi bởi thành phần môi trường nuôi cấy và bảo quản lạnh, dẫn đến thay đổi thể tích noãn và làm tăng nguy cơ phôi ngừng phát triển. Do đó, các dấu hiệu về kích thước của noãn, chẳng hạn như thể tích và diện tích, được đề xuất như là dấu hiệu hình thái tiên lượng cho sự phát triển và chất lượng phôi sớm.
 
Sự giảm thể tích noãn có thể do quá trình apoptosis của noãn gây ra hoặc có thể do rối loạn cơ chế điều hòa thể tích. Các nghiên cứu ban đầu trên động vật xác nhận rằng kích thước noãn càng lớn thì khả năng phát triển và tỉ lệ tạo phôi càng cao. Ở người, Weghofer và cộng sự (2019) đã báo cáo rằng những noãn có diện tích và đường kính lớn hơn có nhiều khả năng thụ tinh hơn và phát triển thành phôi giai đoạn phân chia có xếp loại cao hơn. Ngoài ra, phôi từ noãn có đường kính lớn hơn có khả năng được chuyển hoặc bảo quản lạnh cao hơn. Trong nghiên cứu của Bassil và cộng sự (2021), phôi phát triển từ những noãn có đường kính lớn hơn hoặc nhỏ hơn đường kính trung bình có tỷ lệ tạo phôi chất lượng tốt thấp hơn. Ngoài ra, những noãn có đường kính gần bằng với đường kính trung bình có tỷ lệ cao hơn để trở thành phôi nang ngày 5 chất lượng tốt. Hiện tại, chưa đủ bằng chứng để chứng minh rằng kích thước noãn của con người có thể là một dấu hiệu động học hình thái và là yếu tố dự đoán quá trình thụ tinh và phát triển phôi sớm trong cả phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và điều trị bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) không xâm lấn. Do đó, nghiên cứu này hướng tới mục tiêu (i) mô tả các động học phát triển noãn người từ quá trình thụ tinh đến lần phân chia đầu tiên ở những noãn đã sử dụng và bị loại bỏ sau khi điều trị IVF/ICSI, và (ii) điều tra mối liên hệ với sự phát triển, sử dụng và chất lượng phôi để thiết lập một phạm vi diện tích noãn như là dấu hiệu cho sự phát triển phôi sớm trong nghiên cứu lâm sàng.
 
Phương pháp
Nghiên cứu này là một phần của nghiên cứu Virtual EmbryoScope. Nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu Rotterdam từ năm 2017 đến năm 2020. Dữ liệu được thu thập từ 378 cặp vợ chồng có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (cIVF) (n = 124) sử dụng noãn tự thân tươi hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) (n = 254) (không loại trừ tinh trùng thủ thuật). Số lượng noãn thu được (n = 2810) đã được thụ tinh và nuôi cấy bằng hệ thống nuôi cấy theo dõi phôi liên tục EmbryoScope.
 
Diện tích noãn bào được đo tại thời điểm thụ tinh (t0), xuất hiện tiền nhân (tPNa) và biến mất tiền nhân (tPNf). Tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi hữu dụng và chất lượng phôi cũng như động học hình thái của phôi từ giai đoạn 2 tế bào đến giai đoạn phôi nang nở rộng (t2-tEB) được sử dụng làm thước đo kết quả liên quan đến diện tích noãn bào. Noãn được gọi là "được sử dụng" nếu chúng được thụ tinh và phát triển lên phôi có thể dùng để chuyển phôi hoặc đông lạnh, còn nếu không thì được gọi là "bị loại bỏ". Noãn bị loại bỏ được phân loại thành đã thụ tinh (2PN hoặc thụ tinh bất thường), không thụ tinh hoặc không xác định được. Thuật ngữ “oocyte area” dùng để chỉ diện tích bào tương noãn không bao gồm màng trong suốt.
 
Các phân tích đã được điều chỉnh cho các yếu tố gây nhiễu có liên quan.
 
Kết quả
- Diện tích noãn bào giảm từ t0 đến tPNf:
+ Noãn sử dụng (t0 10,519 µm2 ± 624; tPNa 9898 µm2 ± 614, p < 0,001), (tPNa 9898 µm2 ± 614; tPNf 9864 µm2 ± 595, p = 0,005).
+ Noãn bị loại bỏ (t0 10,379 µm2 ± 677; tPNa 9730 µm2 ± 681, p < 0,001), (tPNa 9730 µm2 ± 681; tPNf 9679 µm2 ± 673, p = 0,02).
+ Tốc độ thu nhỏ diện tích noãn bào trung bình từ t0-tPNf là 25,9 µm2 /h ± 23,8 đối với noãn được sử dụng và 26,1 µm2 /h ± 24,1 đối với noãn bị loại bỏ. Các noãn có diện tích lớn hơn co lại nhanh hơn (β − 12,6 µm2 /h, 95%CI − 14,6; − 10,5, p < 0,001).
- Trong những noãn đã thụ tinh (diện tích từ 7120 đến 11930 µm2) diện tích noãn có tương quan thuận với việc sử dụng phôi ở cả t0, tPNa và tPNf, diện tích noãn lớn hơn có tỷ lệ chuyển phôi hoặc bảo quản lạnh cao hơn so với bị loại bỏ, diện tích noãn ở t0 aOR-embryo usage 1,58, 95%CI 1,27 - 1,95, p < 0,001.
- Trong những noãn đã sử dụng (diện tích từ 7120 đến 11930 µm2) diện tích lớn hơn ở tPNf liên quan đến sự phát triển phôi nhanh hơn đáng kể ở t2, t3, t4, t5, t6, t7 và t9. Sau khi điều chỉnh thì βt9 – 0,131 phút 95%KTC – 0,237, - 0,025, p = 0,16, ví dụ nếu biến đổi beta thành các giá trị ban đầu thì cứ gia tăng diện tích noãn 200 µm2 phôi sẽ đạt đến giai đoạn t9 sớm hơn 0,44 giờ.
- Noãn phát triển thành phôi nang với ICM loại A lớn hơn đáng kể ở tPNf (10008 µm2 ± 582) so với noãn phát triển thành phôi nang với ICM loại B (9811 µm 2 ± 538) hoặc C (9721 µm2 ± 696) ( p < 0,01). Đối với TE, diện tích noãn không khác biệt đáng kể giữa các loại A, B hoặc C.
 
Kết luận
Diện tích noãn là một dấu hiệu cung cấp thông tin cho sự phát triển tiền làm tổ của phôi, vì diện tích lớn hơn có liên quan đến chất lượng cao hơn, phôi phát triển nhanh hơn và cơ hội được sử dụng cao hơn nhưng không liên quan đến kết quả điều trị lâm sàng. Việc xác định các yếu tố quyết định liên quan đến khả năng sống sót và chất lượng của noãn và phôi có thể góp phần cải thiện việc chăm sóc trước khi thụ thai và mang thai khỏe mạnh sau đó.
 
 
Nguồn: Wiegel RE, Rubini E, Rousian M, Schoenmakers S, Laven JSE, Willemsen SP, Baart EB, Steegers-Theunissen RPM. Human oocyte area is associated with preimplantation embryo usage and early embryo development: the Rotterdam Periconception Cohort. J Assist Reprod Genet. 2023 Jun;40(6):1495-1506. doi: 10.1007/s10815-023-02803-1. Epub 2023 May 2. PMID: 37129725; PMCID: PMC10310608.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK