Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 15-04-2024 9:04am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Minh Anh _IVMD Tân Bình
 
Nhiều bằng chứng gần đây cho thấy rằng người cha có con khi lớn tuổi thì con cái của họ dễ mắc nhiều tình trạng rối loạn và bệnh lý hơn. Nghiên cứu của nhóm tác giả Arslan và cộng sự (2017) sử dụng dữ liệu nhân khẩu học cho thấy con của những người cha lớn tuổi có tỷ lệ tử vong cao hơn và khả năng sinh sản thấp hơn. Dữ liệu về nhân khẩu học ở Tây Bán Cầu cho thấy độ tuổi có con của nam giới ngày càng tăng dẫn đến những mối lo ngại về sức khỏe dân số và sự phát triển nhận thức của con người đang rất được quan tâm. Một nghiên cứu gần đây dựa trên dữ liệu của 4172 quan sát từ 140 quốc gia (2024) giúp cung cấp thêm cái nhìn tổng quan về xu hướng này cũng như tác động của nó đối với sức khoẻ dân số.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
  • Xu hướng tuổi của người cha tăng cao đã từng xuất hiện trong quá khứ. Xu hướng này không chỉ xuất hiện ở các nước Châu Âu và Bắc Mỹ mà còn được quan sát ở một số nơi như Chile, Nhật Bản, Úc. Khoảng 120 năm trước tại Châu Âu, tuổi sinh sản của người cha tăng cao do tác động của yếu tố tôn giáo. Tuy nhiên giai đoạn 1950 độ tuổi sinh sản của người cha bắt đầu giảm. Các yếu tố quan trọng góp phần vào xu hướng này là những tiến bộ trong quá trình sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hóa, giúp giải phóng dân số khỏi những giới hạn tăng trưởng trước đây. Sau năm 1975, điều này đã hoàn toàn bị đảo ngược ở tất cả các quốc gia được quan sát và độ tuổi sinh sản của người cha tăng mạnh trở lại. Thay đổi này có liên quan đến sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa và có thể cả sinh học. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức đã tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới cho phụ nữ và đặc biệt là phụ nữ có trình độ học vấn cao. Cùng với những biến đổi của nền kinh tế cả nam và nữ đều có khuynh hướng trì hoãn độ tuổi sinh sản. Sự gia tăng rõ rệt về độ tuổi sinh sản của người cha kể từ cuối những năm 1970 đã cảnh báo các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như dịch tễ học, nghiên cứu y học và tâm lý học. Mối lo ngại của họ có vẻ hợp lý khi có bằng chứng thuyết phục cho thấy việc làm cha ở độ tuổi cao có thể liên quan đến kết quả về sức khỏe và khả năng nhận thức kém hơn ở con cái, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của con người. Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu dài hạn được cung cấp bởi nghiên cứu này, sự gia tăng gần đây ở độ tuổi sinh sản cuả người cha dường như ít kịch tính hơn vì xu hướng này không phải là chưa từng có.
  • Với những bằng chứng được trình bày ở trên, chúng ta có nên bớt lo lắng hơn về xu hướng đi lên hiện nay ở độ tuổi sinh sản của đàn ông hay không? Câu trả lời cho câu hỏi này rất phức tạp và có thể phụ thuộc vào câu hỏi liên quan đến cấp độ cá nhân hay quần thể dân số chung. Ở một mức độ nhất định, các cơ chế di truyền như sự tích lũy đột biến de novo liên quan đến tuổi của người cha trong tế bào tinh trùng dường như là nguyên dẫn dẫn đến con cái của những người này dễ mắc nhiều tình trạng rối loạn và bệnh lý hơn. Tuy nhiên, ở cấp độ quần thể dân số chung vẫn chưa rõ tác động thực sự của độ tuổi người cha đến sức khoẻ của thế hệ con cháu. Đối với từng cá nhân, có thể một số cơ chế sinh học chịu trách nhiệm về sức khỏe liên quan đến tuổi tác của người cha ở một mức độ nào đó sẽ được cân bằng bởi các yếu tố xã hội (như đứa con của họ sẽ nhận được sự chăm sóc về y tế tốt hơn vì họ có điều kiện hơn). Cùng với đó, mối liên hệ giữa những tác động ở cấp độ cá nhân này với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển nhận thức của con người có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tiến bộ kỹ thuật và các quy định trong chẩn đoán trước sinh.
 
Đây là nghiên cứu đầu tiên cung cấp cái nhìn tổng quan về xu hướng tăng độ tuổi sinh sản của người cha trên thế giới hiện nay. Nghiên cứu này cho rằng tác động thực sự của việc tăng độ tuổi sinh sản ở nam giới đối với sức khoẻ của quần thể dân số chung đang bị bỏ ngỏ, do đó cần thêm nhiều nghiên cứu liên ngành nhằm làm sáng tỏ vấn đề trên.
 
Nguồn: Willführ, K. P., & Klüsener, S. (2024). The current ‘dramatically’high paternal ages at childbirth are not unprecedented. Human Reproduction, deae067. doi: https://orcid.org/0000-0003-4207-3016.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK