Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 01-04-2024 9:23pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Trần Nhật Ánh Dương – Bệnh viện Mỹ Đức
 
Phân tử HLA-G được xem như một yếu tố quan trọng góp phần cho sự thành công của thai kỳ. Biểu hiện của nó đã được phát hiện trong các nguyên bào lá nuôi. HLA-G hòa tan (sHLA-G) được tìm thấy trong đường sinh dục, phôi tiền làm tổ cũng như trong dịch tinh dịch. Do đó, một số giải thiết cho rằng có thể sự tham gia kết hợp HLA-G của bố, mẹ và phôi thai có thể ảnh hưởng đến quá trình làm tổ và sự thành công của thai kỳ.
 
Người ta nhận thấy, ở người HLA-G biểu hiện ở noãn và phôi ở mỗi giai đoạn từ phân chia cho đến phôi nang. Trước đây, một báo cáo của Yao (2005) đã chứng minh biểu hiện của các mRNA HLA-G  sẽ thay đổi ở mỗi giai đoạn khác nhau trong phôi tiền làm tổ, cụ thể là biểu thị các mRNA HLA-G3 và G4 bị cắt ngắn sẽ chiếm ưu thế ở giai đoạn phôi sớm, HLA-G5 không được tìm thấy cho đến giai đoạn phôi dâu và biểu hiện kém hơn so với HLA-G1 ở phôi nang. Trong các nghiên cứu khác, phôi nang tiếp xúc với nội mạc tử cung tại vị trí làm tổ sẽ biểu hiện protein HLA-G1 và – G5. Sau khi làm tổ, các dạng đồng phân HLA-G1, -G2 và -G6 được biểu hiện ở các nguyên bào lá nuôi hơn là ở các hợp bào lá nuôi.
 
Mục tiêu của bài nghiên cứu nhằm đánh giá  nồng độ sHLA-G (sHLA-G1 và sHLA-G5) trong môi trường nuôi cấy phôi trong khoảng thời gian 24 giờ cho đến 6 ngày sau IVF/ICSI và nghiên cứu ảnh hưởng của nó đến khả năng mang thai tùy thuộc vào chu kỳ sử dụng phôi tươi hoặc đông lạnh. Ngoài ra, nhóm tác giả còn đánh giá mối tương quan giữa sự tiết sHLA-G với chất lượng phôi cũng như các phác đồ kích thích buồng trứng.
 
Phương pháp
Nghiên cứu tiến hành khảo sát và đánh giá nồng độ sHLA-G (sHLA-G1 và sHLA-G5) trong môi trường từ 344 phôi được nuôi cấy đơn sau khi thực hiện IVF hoặc ICSI. Nồng độ sHLA-G (U/ml) đã được đo lường bằng bộ kit xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme (ELISA). Ngoài ra, nghiên cứu còn tiến hành đánh giá mối tương quan giữa sự tiết sHLA-G với các phác đồ kích thích buồng trứng (Long Agonist và Short Antagonist), loại phôi chuyển (chuyển phôi tươi hoặc phôi đông lạnh) và chất lượng phôi.
 
Kết quả
Nghiên cứu đã tiến hành phân tích môi trường nuôi cấy từ 344 phôi. Trong đó 116 mẫu không có sự hiện diện của sHLA-G hoặc kết quả nằm dưới mức giới hạn phát hiện của xét nghiệm, 228 mẫu còn lại (66,28%) ghi nhận có sự hiện diện của sHLA-G, lượng tiết trung bình là 3,3 U/ml. Sự ngừng phát triển được quan sát thấy ở 206 phôi (59,88%), trong khi 138 (40,12%) phát triển đến giai đoạn phôi nang vào ngày thứ 5 hoặc 6 hoặc được chuyển vào ngày 3.
Sự tiết sHLA-G và chất lượng phôi: nghiên cứu nhận thấy giữa những phôi ngừng phát triển không có sự khác biệt về khả năng tiết sHLA-G so với phôi phát triển bình thường. Người ta quan sát thấy ở giai đoạn phôi ngày 2, phôi loại A tiết ra nhiều sHLA-G hơn so với loại B. Tới ngày 3, phôi loại A lại tiết ít sHLA-G hơn so với loại B và C. Trong quá trình phát triển tiếp theo, 31,78% phôi đạt đến giai đoạn phôi dâu và 30% trong số đó đạt đến giai đoạn phôi nang, những phôi này đều được ghi nhận là tiết ít sHLA-G hơn so với những phôi bị dừng phát triển.
Sự tiết sHLA-G và các phác đồ kích thích buồng trứng: kết quả nhận thấy có sự khác biệt đáng kể giữa các phôi có nguồn gốc từ kích thích buồng trứng theo phác đồ short antagonist hoặc long agonist. Bất kể là tuổi phôi hay chất lượng phôi thì những phôi từ phác đồ long agonist đều tiết ra nồng độ sHLA-G cao hơn so với phôi từ phác đồ short antagonist. Ngoài ra, các phân tích cho thấy phôi loại A từ ngày phát triển thứ hai sau quy trình agonist đã tiết ra nhiều sHLA-G hơn đáng kể so với phôi loại B. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần lớn phôi chất lượng tốt đều có nguồn gốc từ phác đồ short antagonist, mặc dù sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
 
Sự tiết sHLA-G trong chu kỳ chuyển phôi tươi và phôi đông lạnh: Khi chia phôi theo chu kỳ – tươi hoặc đông lạnh, quan sát thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Phôi được chuyển trong chu kỳ tươi tiết ra nhiều sHLA-G hơn so với phôi trong chu kỳ đông lạnh. Vào ngày thứ 2, phôi loại A và C trong chu kỳ tươi tạo ra nồng độ sHLA-G cao hơn so với chu kỳ đông lạnh, những phôi nào đạt đến giai đoạn phôi dâu và phôi nang trong chu kỳ tươi có hàm lượng sHLA-G vào ngày 2 cao hơn so với phôi ở chu kỳ đông lạnh. Tuy nhiên, điều này có lẽ là do tỷ lệ phôi từ quy trình long agonist so với quy trình short antagonist trong nhóm này.
 
Sự tiết sHLA-G và kết quả thai kỳ: khi kiểm tra mức độ sHLA-G do phôi tiết ra và tiềm năng của nó đối với khả năng sinh sản thành công nhận thấy những phôi được chuyển dẫn đến kết quả mang thai và sinh con sẽ tiết ra nồng độ sHLA-G cao hơn đáng kể so với phôi được chuyển nhưng không thành công.
 
Kết luận
Nghiên cứu đã chứng minh nồng độ sHLA-G do phôi tiết ra phụ thuộc vào nhiều thông số, bao gồm: ngày đo, lượng vật liệu thu thập và trên hết là quy trình kích thích buồng trứng. Tóm lại, sHLA-G do phôi tiết ra có tác động đến quá trình làm tổ và sinh sống và có thể là dấu hiệu tiềm năng phát triển của phôi. Mức sHLA-G cao có khả năng liên quan đến sự thành công của thai kỳ.
 
Nguồn: Radwan, P., Tarnowska, A., Piekarska, K., Wiśniewski, A., Krasiński, R., Radwan, M., & Nowak, I. (2022). The impact of soluble HLA-G in IVF/ICSI embryo culture medium on implantation success. Frontiers in Immunology, 13, 982518

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK