Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 30-03-2024 8:38am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS Lê Khắc Tiến
Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
Nhóm Nghiên cứu Lạc nội mạc tử cung và Bệnh tuyến – cơ tử cung Mỹ Đức (SEAMD)

 
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý lành tính, trong đó có sự hiện diện của mô giống nội mạc tử cung nằm ngoài khoang nội mạc tử cung chính vị. Biểu hiện của lạc nội mạc tử cung đa dạng, bệnh nhân có thể có đau vùng chậu mạn tính có liên quan hoặc không liên quan đến chu kỳ kinh, hiếm muộn, hoặc đôi khi không triệu chứng. Cũng chính vì triệu chứng đa dạng, tần suất lạc nội mạc tử cung cũng dao động tuỳ theo báo cáo, ước tính có khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc lạc nội mạc tử cung.

Tương tự như đái tháo đường và không giống như nhiều bệnh do mầm bệnh gây ra, lạc nội mạc tử cung có thể là kết quả của sự thích nghi kém với quá trình tiến hóa của con người. Nhằm đánh giá mối liên quan này, tác giả S. Mumusoglu và cộng sự đã thực hiện tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu PubMed và EMBASE các nghiên cứu đăng trên các tạp chí có bình duyệt trước 1/5/2023 với từ khoá: ‘endometriosis’, ‘evolution’, ‘menstruation’, ‘pelvic pain’, ‘medical treatment’ và ‘ovarian suppression’; và tìm bằng thuật ngữ MeSH ‘human’ và ‘animal’.

Giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất về hình thành lạc nội mạc tử cung là thuyết trào ngược máu kinh (thuyết Sampson), theo đó, các tế bào nội mạc tử cung theo máu kinh trào ngược qua ống dẫn trứng đi vào khoang phúc mạc chậu. Nhiều bằng chứng khác nhau ủng hộ giả thuyết này như: lạc nội mạc tử cung được tìm thấy nhiều ở những động vật có hiện tượng trào ngược máu kinh (như linh trưởng hoặc con người), tần suất mắc lạc nội mạc tử cung cao ở các bé gái có bất thường đường sinh dục (vách ngăn ngang âm đạo hoàn toàn, màng trinh không thủng,…). Thêm vào đó, những yếu tố nguy cơ của lạc nội mạc tử cung như dậy thì sớm, mãn kinh muộn, cường kinh cũng có liên quan đến tăng tần suất hành kinh hoặc lượng máu kinh, và cũng tăng nguy cơ trào ngược máu kinh. Và cũng tương tự vậy, các yếu tố liên quan đến giảm tần suất hành kinh hoặc lượng máu kinh như đa sản, thời gian cho con bú dài, dậy thì muộn cũng liên quan đến nguy cơ lạc nội mạc tử cung thấp. Mặc dù thuyết Sampson không thể giải thích được hết các trường hợp lạc nội mạc tử cung, và có đến 90% phụ nữ có phóng noãn và ống dẫn trứng thông có hiện tượng trào ngược máu kinh nhưng chỉ có 10% phụ nữ có lạc nội mạc tử cung, vì vậy, không thể loại trừ các nguyên nhân bổ sung nào khác có thể giải thích cho tỷ lệ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung tương đối thấp ở phụ nữ hiện đại. Các biến thể di truyền và thượng di truyền tiềm ẩn tác động đến các tế bào biểu mô và mô đệm của tổn thương nội mạc tử cung, cùng với việc tiếp xúc kéo dài với kinh nguyệt trong suốt cuộc đời ở một số phụ nữ, có thể giải thích tại sao trào ngược máu kinh gây nên lạc nội mạc tử cung ở một số phụ nữ, nhưng không phải tất cả.

Bằng lý luận của mình, tác giả S. Mumusoglu cho rằng phụ nữ thời kỳ săn bắt hái lượm có nhiều lần mang thai hơn, kèm theo đó là thời gian cho con bú dài và tuổi thọ ngắn, vì vậy, số lần hành kinh của họ ít hơn rất nhiều so với phụ nữ hiện đại. Ông cho rằng có ba đặc điểm quan trọng khiến cho phụ nữ hiện đại dễ mắc lạc nội mạc tử cung hơn: (i) sự màng rụng hoá tự phát của tế bào nội mạc tử cung ngay cả khi không có sự hiện diện của phôi thai; (ii) tần suất tác động liên tục của estrogen và progesterone lên nội mạc tử cung, cùng với sự hành kinh nhiều do sụt giảm progesterone và (iii) tính xâm lấn cao của bánh nhau, đặc trưng bởi việc tế bào bánh nhau xâm lấn vào cơ tử cung trong thai kỳ. Đầu tiên, ở các động vật không phải linh trưởng như các loài gặm nhấm, sau 4-5 ngày trong chu kỳ động dục sẽ có hơn 12 noãn trưởng thành phóng noãn, sau đó noãn được thụ tinh và sẽ kích hoạt sự màng rụng hoá của nội mạc tử cung. Linh trưởng và con người có ít phôi hơn vì chỉ phóng một noãn duy nhất trong chu kỳ. Estrogen và progesterone tác động tới nội mạc tử cung một cách đều đặn trong chu kỳ, hình thành nên các động mạch xoắn và các tế bào nội mạc tử cung có liên quan. Sự thay đổi về hình thái và chức năng của các tế bào nội mạc tử cung xảy ra trước và không phụ thuộc vào sự làm tổ của phôi. Ở loài người, bánh nhau sẽ phát triển từ thai nhi và xâm lấn sâu vào nội mạc tử cung, phá vỡ các động mạch xoắn để cung cấp máu cho thai nhi. Để chuẩn bị cho sự làm tổ, nội mạc tử cung sẽ dày lên và tự màng rụng hoá dưới tác động của progesterone mà không cần sự làm tổ của phôi. Nếu không có thai, nội mạc tử cung sẽ bong ra và hành kinh. Sự hành kinh theo chu kỳ và việc ra kinh có liên quan đến tính xâm lấn sâu của nhau thai có liên quan đến nguy cơ hình thành lạc nội mạc tử cung. Đầu tiên, lượng máu kinh nhiều do nội mạc tử cung dày làm tăng nguy cơ trào ngược máu kinh. Một báo cáo của tác giả Olive và Henderson năm 1987 trên 64 phụ nữ có bất thường ống Mullerian cho thấy: 8/9 (89%) phụ nữ có ứ máu buồng tử cung hoặc ứ máu cổ tử cung có lạc nội mạc tử cung, so sánh với 18/47 (38%) phụ nữ có nội mạc tử cung bình thường và không phụ nữ nào bất sản nội mạc tử cung có lạc nội mạc tử cung kèm theo. Tiếp theo, sự bong ra của nội mạc tử cung theo kinh nguyệt là một yếu tố gây viêm có thể khởi phát quá trình viêm của nội mạc tử cung lạc chỗ. Cuối cùng, quá trình làm tổ và hình thành bánh nhau sẽ tiết ra các yếu tố tiền viêm và các yếu tố này có thể làm tăng thêm các tổn thương viêm tại chỗ và duy trì sự xâm lấn của nội mạc tử cung lạc chỗ.

So sánh với phụ nữ săn bắt lái lượm, phụ nữ hiện đại có con trễ hơn, ít mang thai và cho con bú hơn, sống lâu hơn và mãn kinh muộn hơn. Vì vậy, họ có số lần hành kinh trong cuộc đời nhiều hơn so với phụ nữ săn bắt hái lượm (trung bình 450 lần so với khoảng 100 lần). Những yếu tố này dẫn tới tăng số lần trào ngược máu kinh vào vùng chậu, và có thể là tiềm năng dẫn tới tăng tần suất mắc lạc nội mạc tử cung. Cũng chính vì vậy, một số biện pháp điều trị gây vô kinh như sử dụng vòng nội tiết chứa Levonorgestrel, progestin đường uống, GnRH đồng vận, GnRH đối vận có thể là các biện pháp tiềm năng giúp dự phòng những bệnh nhân có nguy cơ diễn tiến thành lạc nội mạc tử cung (nếu có thể xác định được nhóm đối tượng này), hoặc có thể làm chậm diễn tiến lạc nội mạc tử cung.

Nhìn chung, bài báo này đưa ra giả thuyết của tác giả về cơ chế hình thành lạc nội mạc tử cung liên quan đến tiến hoá, chủ yếu dựa trên suy luận và một số nghiên cứu dịch tễ học. Cần thêm những bằng chứng về phân tử cũng như thực nghiệm để có thể củng cố giả thuyết trên.
 
Nguồn: Mumusoglu, S., & Hsueh, A. J. W. (2024). Is endometriosis due to evolutionary maladaptation?. Reproductive biomedicine online48(2), 103695. https://doi.org/10.1016/j.rbmo.2023.103695

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK