Tin tức
on Friday 22-03-2024 12:50pm
Danh mục: Tin quốc tế
Liệu pháp Gonadotropin tái tổ hợp giúp cải thiện sự sinh tinh trùng ở bệnh nhân vô tinh không do tắc nghẽn
NHS Trần Thị Hoài Thu – IVFMD - Bệnh viện Mỹ Đức
Từ khóa: vô tinh, vô tinh không do tắc.
Tài liệu tham khảo: Laursen RJ, Alsbjerg B, Elbaek HO, et al. Recombinant gonadotropin therapy to improve spermatogenesis in nonobstructive azoospermic patients - A proof of concept study. Int Braz J Urol. 2022;48(3):471-481. doi:10.1590/S1677-5538.IBJU.2022.9913.
NHS Trần Thị Hoài Thu – IVFMD - Bệnh viện Mỹ Đức
Vô tinh hay Azoospermia là tình trạng không có tinh trùng trong mẫu xuất tinh sau khi ly tâm và là một nguyên nhân phổ biến gây hiếm muộn ở nam giới. Khoảng 40% các trường hợp azoospermia là do tắc nghẽn hệ thống ống dẫn (vô tinh bế tắc), 60% các trường hợp còn lại liên quan đến sự suy giảm khả năng sinh tinh trùng, được gọi là vô tinh không do tắc nghẽn (Non-obstructive azoospermia-NOA). Đáng chú ý, sự vắng mặt của tinh trùng trong mẫu xuất tinh ở bệnh nhân NOA không phải lúc nào cũng phản ánh sự thất bại sinh tinh trùng hoàn toàn vì vẫn có thể tìm thấy các sản phẩm còn sót lại của quá trình sinh tinh ở mô tinh hoàn. Hiện nay, phương pháp hiệu quả nhất để lấy tinh trùng là vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn (micro-TESE), tinh trùng thu được có thể sử dụng để thụ tinh ngay hoặc trữ đông. NOA là một thách thức to lớn đối với các cặp vợ chồng đang tìm kiếm quyền làm cha mẹ. Các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng sự trưởng thành của tinh trùng có thể được thúc đẩy bởi các chất điều hoà thụ thể estrogen chọn lọc và gonadotropin ngoại sinh. Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít bằng chứng liên quan đến hiệu quả của liệu pháp gonadotropin đối với nam giới bị NOA.
Để đánh giá vai trò của liệu pháp gonadotropin tái tổ hợp trong việc kích thích sinh tinh trùng ở những bệnh nhân NOA do thất bại sinh tinh, đồng thời báo cáo kết cục lâm sàng của việc điều trị và các tác dụng phụ có thể xảy ra, một nghiên cứu đã được thực hiện trên tám bệnh nhân nam mắc NOA tại Phòng khám sinh sản ở Đan Mạch.
Tám bệnh nhân đều được chẩn đoán NOA thông qua kết quả mô bệnh học tinh hoàn được lấy bởi kỹ thuật TESA (Hút tinh trùng từ tinh hoàn). Ba trường hợp được chẩn đoán mô học là tinh trùng ngưng trưởng thành giai đoạn sớm, ba trường hợp là giảm sinh tinh, một trường hợp là ngưng trưởng thành giai đoạn muộn và một trường hợp mắc Hội chứng chỉ có tế bào Sertoli. Tất cả các bệnh nhân đều có kết quả nhiễm sắc thể đồ bình thường, không có vi mất đoạn nhiễm sắc thể Y hoặc các biến thể gen gây bệnh xơ nang. Hơn nữa, không bệnh nhân nào có giãn tĩnh mạch thừng tinh nặng trên lâm sàng.
Các bệnh nhân bắt đầu điều trị bằng hCG người tái tổ hợp (recombinant-human chorionic gonadotropin hay rec-hCG) 60 mcg, tiêm dưới da, hai lần mỗi tuần. Liều rec-hCG được điều chỉnh để duy trì nồng độ Testosterone trong khoảng từ 17-29 nmol/l trong tối thiểu 3 tháng. Hormone kích thích nang noãn tái tổ hợp (recombinant-Follicle Stimulating Hormone hay rec-FSH) được thêm vào khi nồng độ FSH < 1.5 IU/L, với liều 150-225 IU, tiêm dưới da hai lần mỗi tuần trong ít nhất ba tháng (6/8 bệnh nhân). Ngoài ra, chất ức chế men thơm hoá (anastrozole, 1mg mỗi ngày) được sử dụng nếu tỷ lệ testosterone/estradiol <10 (ng/dL:pg/mL) (1/8 bệnh nhân). Tất cả bệnh nhân được điều trị với rec-hCG để kích thích sinh tinh trong khoảng 10 tháng (từ 8 đến 15 tháng).
Có 4 trường hợp thu được tinh trùng sau điều trị, là các trường hợp có mô bệnh học tinh hoàn là giảm sinh tinh hoặc tinh trùng ngưng trưởng thành ở giai đoạn muộn (2 mẫu xuất tinh và 2 mẫu từ TESA). Các trường hợp tinh trùng ngưng trưởng thành giai đoạn sớm hoặc Hội chứng chỉ có tế bào Sertoli vẫn không tìm được tinh trùng. Ở các bệnh nhân thu được tinh trùng, ba trường hợp có trẻ sinh sống khỏe mạnh và một trường hợp thai diễn tiến được ghi nhận. Không có tác dụng phụ đáng kể nào trong thời gian điều trị. Tuy nhiên, một trường hợp được chẩn đoán U tế bào mầm ở tinh hoàn (P) sau chín tháng điều trị, bệnh nhân này được cắt tinh hoàn một bên. Có thể đây là ngẫu nhiên vì các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra bệnh nhân NOA có tăng nguy cơ phát triển ung thư tinh hoàn.
Ở nam giới, FSH kích thích tế bào Sertoli sản sinh tinh trùng, kích thích phân bào cho đến giai đoạn tiền tinh trùng (hay tinh tử) và vận chuyển các chất dinh dưỡng đến tế bào mầm. Tuy nhiên, nồng độ FSH tăng cao sẽ làm giảm các thụ thể FSH trên tế bào Sertoli. hCG kích thích thụ thể LH trên các tế bào Leydig dẫn đến tăng sản xuất testosterone, thúc đẩy quá trình trưởng thành của tinh trùng. Ở những bệnh nhân NOA, nồng độ FSH thường tăng, việc điều trị hCG sẽ làm giảm FSH huyết thanh, từ đó tăng sự nhạy cảm của tế bào Sertoli đối với FSH và tăng cường chức năng của tế bào Sertoli. Ở một số bệnh nhân NOA lại ghi nhận nồng độ FSH bị ức chế sâu (< 1,5 IU/L), những bệnh nhân này cần được bổ sung FSH ngoại sinh để kích thích các tế bào Sertoli và quá trình phân chia của tinh trùng. Ở nghiên cứu trên, các nhà khoa học tập trung vào việc đạt được mức testosterone và FSH tối ưu trước khi bắt đầu điều trị hiếm muộn và liệu pháp vẫn được tiếp tục trong quá trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm tiếp theo.
Kỹ thuật TESA và xuất tinh tự nhiên để thu thập mẫu tinh trùng là lựa chọn trong nghiên cứu này. Mặc dù kỹ thuật micro-TESE có tỉ lệ tìm thấy tinh trùng cao hơn TESA, đây là một kỹ thuật nâng cao và không có sẵn tại đơn vị thực hiện nghiên cứu. Tỷ lệ thu được tinh trùng là 50% trong tổng số BN tham gia nghiên cứu. Tinh trùng sau khi được thu nhận đã được bảo quản lạnh bằng phương pháp Cell-Sleeper.
Mặc dù vẫn còn nhiều điểm hạn chế như cỡ mẫu nhỏ, có sự khác biệt về nguyên nhân NOA ở các bệnh nhân, nghiên cứu cho thấy liệu pháp gonadotropin tái tổ hợp có thể là một chiến lược có giá trị trong điều trị hiếm muộn cho nam giới bị NOA và thất bại sinh tinh trùng, là một giải pháp thay thế cho việc xin tinh trùng. Trong tương lai, cần có những nghiên cứu quy mô lớn hơn để xác định tính hiệu quả và độ an toàn của phương pháp này.
Từ khóa: vô tinh, vô tinh không do tắc.
Tài liệu tham khảo: Laursen RJ, Alsbjerg B, Elbaek HO, et al. Recombinant gonadotropin therapy to improve spermatogenesis in nonobstructive azoospermic patients - A proof of concept study. Int Braz J Urol. 2022;48(3):471-481. doi:10.1590/S1677-5538.IBJU.2022.9913.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Phát hiện gen ZEB1 trong các tế bào hạt ở phụ nữ đang điều trị IVF - Ngày đăng: 18-03-2024
Tác động của tuổi cha đến kết quả hỗ trợ sinh sản và sức khỏe con cái: một nghiên cứu tổng quan hệ thống - Ngày đăng: 18-03-2024
Tác động của sinh thiết tế bào lá nuôi phôi trong xét nghiệm di truyền tiền làm tổ đến kết quả sản khoa và sơ sinh: một phân tích tổng hợp - Ngày đăng: 18-03-2024
So sánh chất lượng phôi và kết cục mang thai của bệnh nhân có dự trữ buồng trứng thấp trong các chu kỳ tự nhiên và chu kỳ kích thích nhẹ: Một nghiên cứu đoàn hệ - Ngày đăng: 18-03-2024
Tác động của lạc nội mạc tử cung giai đoạn trung bình và nặng đến tỷ lệ sinh sống tích lũy ivf: nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu có đối chứng - Ngày đăng: 17-03-2024
Canxi ionophore cải thiện sự phát triển của phôi và kết quả mang thai ở những bệnh nhân gặp vấn đề về sự phát triển của phôi ở chu kỳ ICSI trước đó - Ngày đăng: 14-03-2024
Kết quả sinh lý của thế hệ con được sinh ra bằng phương pháp IVF, IVM và ICSI: một tổng quan hệ thống và phân tích gộp các nghiên cứu trên động vật - Ngày đăng: 13-03-2024
Bơm tinh tương vào âm đạo sau chọc hút không làm tăng tỷ lệ trẻ sinh sống sau IVF hoặc ICSI: Nghiên cứu ngẫu nhiên mù đôi có nhóm chứng. - Ngày đăng: 12-03-2024
Mối liên quan giữa chuyển phôi và tỷ lệ đa thai/tỷ lệ sinh sống trong các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh: Một nghiên cứu hồi cứu - Ngày đăng: 07-03-2024
Đánh giá kết quả dự trữ tinh trùng ở nhóm bệnh nhân có bệnh lý ác tính - Ngày đăng: 07-03-2024
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Năm 2020
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK