Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 07-03-2024 8:33pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS Trần Thiện Khiêm
Nhóm Nam khoa, đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD
 
Giới thiệu:
Hiện nay, với sự gia tăng của dân số thế giới cùng với tuổi thọ ngày càng cao, phơi nhiễm các yếu tố độc hại và các công cụ chẩn đoán mới mà tỷ lệ ung thư được phát hiện ngày càng nhiều. Cùng với đó các phương pháp điều trị hiện đại ra đời giúp nhiều loại ung thư có thể điều trị khỏi, tỷ lệ sống còn tăng và kỳ vọng sống của người bệnh cũng gia tăng qua các năm.
 
Nhiều bệnh nhân vẫn muốn có con sau khi điều trị ung thư, đặc biệt đối với nhóm trong độ tuổi sinh sản, ung thư tinh hoàn ảnh hương nhiều nhất đến nam giới và chiếm đến 17% các trường hợp được chẩn đoán. Ngoài ra còn có một số loại ung thư khác như ung thư đường tiêu hóa, cơ xương,… Điều trị chính cho các trường hợp này chủ yếu là hóa trị, xạ trị và thậm chí là cắt tinh hoàn đối với ung thư tinh hoàn, làm ảnh hưởng đáng kể đến chức năng sinh sản của người đàn ông và có thể mất vài tháng đến vài năm để hồi phục trở lại, thậm chí mất hoàn toàn khả năng sinh sản.
 
Hiện nay cách duy nhất để bảo tồn chức năng sinh sản là đông lạnh tinh trùng trước điều trị. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng mẫu tinh trùng trữ hiện này vẫn còn thấp, nguyên nhân có thể do bệnh nhân qua đời, hồi phục khả năng sinh sản hoặc không muốn có con nữa. Mặc dù vậy một vài nghiên cứu cho thấy, kết quả điều trị điều trị tương đương khi sử dụng mẫu tinh trùng trữ giữa nhóm có và không có ung thư.
 
Câu hỏi nghiên cứu:
Loại ung thư và phương pháp điều trị ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng tinh trùng và sức khỏe sinh sản của người bệnh? Bên cạnh đó, tỷ lệ người bệnh sử dụng tinh trùng trữ sau điều trị ung thư là bao nhiêu?
 
Thiết kế nghiên cứu:
Nghiên cứu hồi cứu những bệnh nhân trữ tinh trùng do ung thư từ năm 2000 đến 2022 tại IVI Tây Ban Nha sẽ được hồi cứu lại, các mẫu trữ gồm mẫu tinh trùng khi xuất tinh hoặc mẫu tinh trùng có được từ phẫu thuật trích tinh trùng đối với các trường hợp vô tinh. Các thông số tinh dịch được phân tích trước và sau điều trị. Tỷ lệ mẫu được sử dụng và tiêu hủy cũng được ghi nhận lại. Tổng số lượng tinh trùng di động (TMSC) được dùng để quyết định phương pháp hỗ trợ sinh sản.
 
Kết quả:
Có 724 bệnh nhân ung thư được trữ tinh trùng trong nghiên cứu. Trong đó gồm ung thư tinh hoàn (36.05%), Hodgkin’s lymphoma (7.3%), ung thư đường tiêu hóa (5.9%) và các loại ung thư khác (50.75%). Các trường hợp ung thư có thể được điều trị bằng hóa trị (47.7%), xạ trị (5.9%) và phẫu thuật (39.4%).
 
Kết quả tinh dịch đồ trước và sau điều trị không đồng nhất với nhau, với sự khác biệt đáng kể giữa các loại ung thư và các chỉ số tinh dịch. Mật độ tinh trùng giảm nhiều nhất trong ung thư tinh hoàn, ung thư nội tiết và non-Hodgkin’s lymphoma. Tỷ lệ tinh trùng di động thấp nhất trong nhóm ung thư tuyến tiền liệt. Hình thái tinh trùng thấp ở nhóm Hodgkin’s và non-Hodgkin’s lymphoma, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đường tiết niệu (<4%). TMSC thấp nhất ở nhóm ung thư tinh hoàn (22.4%), ung thư tuyến tiền liệt (25%), non-Hodgkin’s lymphoma (25.5%).
 
Tỷ lệ sử dụng mẫu tinh trùng trữ lạnh rất thấp (0.4%) trong khi đó tỷ lệ hủy mẫu là 20%.
 
Hạn chế:
Cỡ mẫu không nhiều ở mỗi nhóm ung thư, mỗi loại ung thư đều có nhiều giai đoạn và tương ứng với nhiều phác đồ điều trị khác nhau do đó khó đánh giá chính xác được tác động của ung thư và phương pháp điều trị lên chức năng sinh sản của người bệnh.
 
Tỷ lệ sử dụng mẫu thấp, do đó không đánh giá chính xác được vai trò của trữ đông tinh trùng đối với hỗ trợ sinh sản ở những bệnh nhân có bệnh lý ác tính.
 
Kết luận:
Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng đến chức năng sinh sản rất khác nhau, do đó vấn đề trữ tinh trùng nên được đặt ra cho tất cả bệnh nhân trước khi điều trị nhằm đảm bảo khả năng sinh sản của họ trong tương lai. Bên cạnh đó, ngoài việc đánh giá mẫu tinh dịch theo các tiêu chuẩn của WHO, thì số lượng tinh trùng di động cũng là một thông số quan trọng cho việc lựa chọn phương pháp hỗ trợ sinh sản.  
 
Nguồn: Santana-Plata, A., R. Rivera-Egea, and N. Garrido, Semen cryopreservation for an oncological reason: a retrospective study. Reproductive BioMedicine Online. https://doi.org/10.1016/j.rbmo.2024.103898

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK