Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 05-03-2024 4:22pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Võ Minh Tuấn – IVFMD Tân Bình
 
Số lượng chu kỳ FET được thực hiện đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (frozen embryo transfers – FET) đã giúp làm tăng tỷ lệ trẻ sinh sống so với chu kỳ chuyển phôi tươi (IVF/ET) ở những bệnh nhân có progesterone tăng, cũng như ngăn nguy cơ quá kích buồng trứng ở những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều nghiên cứu cho rằng, việc chuyển phôi đông lạnh có liên quan đến việc tăng nguy cơ các rối loạn huyết áp khi mang thai, xuất huyết sau sinh và thai to/trẻ sinh ra lớn so với tuổi thai (large for gestational age – LGA) so với các chu kỳ chuyển phôi tươi. Mặc dù, việc trẻ có cân nặng lớn ở các chu kỳ FET dường như không kéo dài, nhưng sự gia tăng LGA và thai to được sinh ra từ các chu kỳ FET có liên quan đến việc tăng tỷ lệ mổ lấy thai và tăng cân ở mẹ đồng thời xuất huyết cũng được ghi nhận trong các chu kỳ này. Thời gian nuôi cấy phôi trước khi đông lạnh có liên quan đến việc tăng tỷ lệ LGA sau FET, vì một nghiên cứu gần đây đã chứng minh cân nặng khi sinh tăng lên và tăng nguy cơ LGA ở những bệnh nhân sau đông lạnh phôi vào ngày thứ 6 so với ngày thứ 5 với lần chuyển phôi trữ tiếp theo. Một nghiên cứu khác cũng được tiến hành nhưng không tìm thấy sự khác biệt về tỷ lệ trẻ LGA ở nhóm đông lạnh phôi ngày 2-4 và ngày 5-6. Do những kết quả không nhất quán này và phương pháp khác nhau ở các nghiên cứu trên, nghiên cứu này đã tiến hành một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu sử dụng dữ liệu từ Hệ thống báo cáo kết quả lâm sàng của Hiệp hội Hỗ trợ Sinh sản Mỹ (Society of Assisted Reproduction Clinical Outcomes Reporting System – SARTCORS) để kiểm tra mối liên quan giữa ngày đông lạnh phôi và trẻ sinh lớn so với tuổi thai (LGA) ở phụ nữ chuyển phôi đông lạnh (FET) sau 2-7 ngày nuôi cấy và so sánh nguy cơ các yếu tố rủi ro có thể có của LGA sau chu kỳ FET.

Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện trong giai đoạn 2014–2019 và có 182.574 chu kỳ FET được đưa vào phân tích. Kết quả chính là tỷ lệ LGA của các ngày đông lạnh phôi. Nghiên cứu so sánh tất cả dữ liệu về chu kỳ IVF/ET và chu kỳ FET của bệnh nhân với các yếu tố như các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra đối với LGA (tuổi, chủng tộc/dân tộc, BMI), năm thực hiện chu kỳ IVF, tình trạng hút thuốc, vô sinh chẩn đoán, hormone kích thích nang trứng (FSH), PGT-A, số lượng tế bào noãn thu được, độ dày nội mạc tử cung, số lượng phôi được chuyển, loại phôi và ngày đông lạnh phôi giữa các kết quả LGA và không LGA.

Kết quả cho thấy 33.030 chu kỳ FET (18,2%) của nhóm nghiên cứu có trẻ LGA. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về LGA theo ngày đông lạnh phôi (p<0,001). Tỷ lệ LGA tăng theo ngày đông lạnh: ngày 2 (13,7%), từ ngày 3 đến ngày 7 (lần lượt là 14,4%, 15,0%, 18,2%, 18,5% và 18,9%). Những bệnh nhân da trắng (không phải gốc Tây Ban Nha) có nguy cơ LGA cao nhất (20,4%) trong khi người Châu Á có nguy cơ thấp nhất (10,9%). Ở nhóm tuổi 25-29 và 40 trở lên có nguy cơ LGA cao nhất (lần lượt là 18,7% và 18,6%). Chỉ số BMI tăng có nguy cơ LGA tăng với BMI >35 kg/m2 có tỷ lệ LGA cao nhất (29,5%) trong khi BMI <18,5 kg/m2 có tỷ lệ LGA thấp nhất (8,6%). Các chẩn đoán liên quan nhiều nhất đến nguy cơ LGA là lạc nội mạc tử cung và thắt ống dẫn trứng (lần lượt là 19,5% và 19,3%). Số lượng noãn thu được nhiều (>30) và độ dày nội mạc tử cung (>12 mm) có liên quan đến nguy cơ LGA (lần lượt là 18,8% và 20,1%). Chất lượng phôi kém (loại 3) cũng liên quan đến nguy cơ LGA (19,7% so với 18,1%).

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên đánh giá nguy cơ của LGA liên quan đến việc nuôi cấy phôi dài ngày nhưng có điểm mạnh là nghiên cứu này có một cơ sở dữ liệu bao gồm >90% tất cả các chu kỳ IVF tại Hoa Kỳ nên đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất và toàn diện nhất để đánh giá nguy cơ LGA liên quan đến ngày đông lạnh đối với các chu kỳ FET. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế như nghiên cứu hồi cứu và thiếu thông tin đầy đủ về các quy trình đông lạnh cụ thể được sử dụng trong mỗi chu kỳ.

Tóm lại, nghiên cứu cũng chứng minh rằng có mối liên quan giữa ngày đông lạnh phôi và nguy cơ trẻ sinh có kích thước lớn so với tuổi thai đối với phôi đông lạnh. Cần có nhiều nghiên cứu hơn tìm hiểu rõ nguyên nhân cũng như cách làm giảm nguy cơ trẻ LGA sau FET, giúp ngăn nguy cơ cho cả thai nhi và bà mẹ liên quan đến LGA.

Nguồn: Pier B, Roshong A, Santoro N, Sammel M. Association of Duration of Embryo Culture with Risk of Large for Gestational Age (LGA) Delivery in Cryopreserved Embryo Transfer Cycles. Fertil Steril. 2024 Jan 5:S0015-0282(24)00003-7. doi: 10.1016/j.fertnstert.2024.01.002. Epub ahead of print. PMID: 38185197.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK