Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 02-03-2024 10:34pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Đỗ Lê Đình Thiện – IVFMD Phú Nhuận

Giới thiệu:
Trong hỗ trợ sinh sản, môi trường nuôi cấy phù hợp là rất quan trọng để tối ưu hóa sự phát triển của phôi và tối đa hóa kết quả lâm sàng. Do đó, các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi trong ống nghiệm cần được kiểm soát chính xác. Độ ẩm môi trường nuôi cấy phôi đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn sự gia tăng áp suất thẩm thấu trong môi trường nuôi cấy (điều này có thể dẫn đến tăng độ pH). Tuy nhiên, điều kiện độ ẩm cao (humidity condition - HC) có một số nhược điểm, chẳng hạn như khả năng nhiễm vi sinh vật cao hơn. Trong một nghiên cứu trước đây, cho thấy áp suất thẩm thấu và pH của môi trường nuôi cấy tăng đáng kể trong suốt 6 ngày nuôi cấy trong cả điều kiện khô (dry condition – DC) và HC, mặc dù sự thay đổi xảy ra ít hơn với HC. Một số báo cáo chỉ ra rằng việc bao phủ môi trường nuôi cấy với một lượng dầu vừa đủ có thể ngăn chặn, hoặc ít nhất là giảm bay hơi và các tác động không mong muốn liên quan. Tuy nhiên, bằng chứng liên quan đến tác động của HC trên kết quả lâm sàng là khan hiếm. Một vài nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ phôi làm tổ và tỷ lệ mang thai diễn tiến bị ảnh hưởng do sự gia tăng áp suất thẩm thấu của môi trường nuôi cấy xảy ra trong tủ cấy khô. Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng cao hơn rõ rệt trong HC hơn so với điều kiện khô (DC) trong các chu kỳ xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (preimplantation genetic testing - PGT), mà không phải chu kì xin cho noãn hoặc tự thân. Dữ liệu về tác động của điều kiện độ ẩm đến kết quả lâm sàng bị hạn chế và không thuyết phục. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện để tìm hiểu xem điều kiện độ ẩm tương đối (HC) cao, khi sử dụng hệ thống tủ nuôi cấy có camera theo dõi liên tục với môi trường nuôi cấy chuyển tiếp có lợi cho quá trình nuôi cấy phôi, cải thiện tỷ lệ thai diễn tiến hay không?

Phương pháp nghiên cứu:
Nghiên cứu bệnh chứng hồi cứu (retrospective case control study). Dữ liệu được thu thập từ những chu kỳ ICSI điều trị lần đầu, chuyển phôi tươi ngày 3 hoặc ngày 5 từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022. Số bệnh nhân được chỉ định nuôi cấy trong điều kiện khô (DC) hoặc ẩm (HC) lần lượt là 278 và 218. Nghiên cứu đã sử dụng tủ cấy timelapse GERI, ba ngăn được cài đặt điều kiện độ ẩm tương đối cao (HC) và ba ngăn cài đặt điều kiện khô (DC) và những cài đặt khác về điều kiện như nồng độ khí, nhiệt độ không khác biệt giữa hai nhóm này. Ảnh hưởng của HC đối với tỷ lệ mang thai diễn tiến được đánh giá bằng đối sánh điểm xu hướng (the propensity matched sample), để giảm sự khác biệt tiềm ẩn giữa những phụ nữ trải qua HC hoặc DC và giảm ước tính sai lệch về hiệu quả điều trị. Các tiêu chuẩn loại bao gồm các chu kỳ ICSI sử dụng tinh trùng từ thủ thuật hoặc tinh trùng đông lạnh và tinh trùng hiến tặng.

Kết quả nghiên cứu:
  • Tổng cộng có 496 chu kì ICSI điều trị lần đầu, các phôi được nuôi cấy ở DC (278 chu kỳ) hoặc HC (218 chu kỳ). Không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tuổi người mẹ, tuổi người bố, chỉ số BMI của mẹ, AMH, FSH, số lượng noãn thu nhận được và chất lượng tinh dịch. Nguyên nhân gây vô sinh có sự phân bố tương tự ở hai nhóm nghiên cứu.
  • Sau khi điều chỉnh một số biến số gây nhiễu và đối sánh điểm xu hướng (propensity score – PS), không có sự khác biệt đáng kể nào được ghi nhận về tỷ lệ thụ tinh bình thường (2PN) và bất thường (1PN và 3PN), tỷ lệ phôi nang [48,87 ± 22,60 (DC) vs 46,80 ± 22,80 (HC)], phôi nang chất lượng cao [34,72 ± 13,77 (DC) vs 38,55 ± 17,67 (HC)], số phôi nang đông lạnh (3,55 ± 1,65 vs 3,53 ± 1,78).
  • Tỷ lệ thai diễn tiến [1,04 (0,45–2,29), p=0,992] và sẩy thai [1,21 (0,62–1,98), p=0,575]. Kết quả khi chuyển phôi cũng tương tự khi phân tích riêng biệt tuổi phôi chuyển ngày 3. Tỷ lệ thai diễn tiến sau chuyển phôi ngày 5 ở nhóm HC cao hơn ([1,20 (0,33–4,73), p=0,731]) nhưng không có ý nghĩa thống kê.
  • Sau khi điều chỉnh độ tuổi của người phụ nữ, chỉ số BMI của người mẹ, loại vô sinh, tuổi người chồng và chất lượng tinh trùng, hai thông số động học hình thái ở giai đoạn 2 tế bào (t2) và 4 tế bào (t4) xảy ra sớm hơn trong nhóm DC so với HC (t2: 26,6 ± 4,6 vs 27,2 ± 4,8, p=0,019; t4: 37,8 ± 6,8 vs 38,9 ± 7,4, p = 0,016). Sự đồng bộ của chu kì phân bào từ giai đoạn hai tế bào đến bốn tế bào (s2) dài hơn ở HC (11,7 ± 6,5 ở HC vs 11,2 ± 5,7 ở DC, p=0,049). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các thông số động học hình thái giữa hai nhóm.
Bàn luận:
Trong một nghiên cứu mới đây, tỷ lệ thai lâm sàng cao hơn đáng kể ở nhóm HC trong chu kỳ PGT, nhưng không cao hơn đáng kể trong chu kỳ hiến trứng hoặc chu kỳ tự thân. Các tác giả cho rằng HC góp phần tối ưu hóa kết quả lâm sàng trong hệ thống nuôi cấy time-lapse với môi trường đơn bước. Tuy nhiên, họ quan sát thấy tác động của HC chỉ đối với thai kỳ lâm sàng chứ không phải thai diễn tiến và trẻ sinh sống. Trong nghiên cứu này, các tác giả thu được tỷ lệ phôi nang và số lượng phôi nang đông lạnh tương tự nhau ở hai nhóm nghiên cứu. Ngược lại với kết quả của nghiên cứu này, một báo cáo khác cho thấy phôi phát triển trong điều kiện DC tạo ra tỷ lệ phôi nang thấp hơn, nhưng quần thể nghiên cứu rất nhỏ. Do đó, tác dụng của HC đối với kết quả xét nghiệm và lâm sàng vẫn còn gây tranh cãi. Trong nghiên cứu này, phát hiện ra rằng hai thời gian phân cắt (t2, t4) và sự đồng bộ của quá trình phân chia tế bào từ giai đoạn 2 tế bào đến giai đoạn 4 tế bào xảy ra sớm hơn và tương ứng ngắn hơn trong điều kiện DC. Ngược lại, một nghiên cứu trước đây cho thấy sự phát triển nhanh hơn khi phôi được nuôi cấy trong HC. Do đó, ý nghĩa của những phát hiện này vẫn chưa chắc chắn Nghiên cứu này bị hạn chế bởi thiết kế hồi cứu và thiếu tính ngẫu nhiên, mặc dù mô hình điểm xu hướng có thể giảm thiểu điểm yếu đó.

Kết luận:
Những kết quả này cho thấy các điều kiện độ ẩm tương đối cao, sử dụng tủ cấy timelapse và môi trường chuyển tiếp thay mới môi trường vào ngày thứ 3 không cải thiện tỷ lệ mang thai diễn tiến và một số kết quả phôi học.

Nguồn: Bartolacci A, Borini A, Cimadomo D, Fabozzi G, Maggiulli R, Lagalla C, Pignataro D, dell'Aquila M, Parodi F, Patria G, Zacà C, Ubaldi FM, Rienzi L, Coticchio G. Humidified atmosphere in a time-lapse embryo culture system does not improve ongoing pregnancy rate: a retrospective propensity score model study derived from 496 first ICSI cycles. J Assist Reprod Genet. 2023 Jun;40(6):1429-1435.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK