Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 27-01-2024 9:11pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Thu Phương – IVF Mỹ Đức, Tân Bình

Giới thiệu
Trong IVF, chất lượng noãn là một thông số quan trọng. Do vậy, việc cải thiện khả năng lựa chọn không xâm lấn noãn trưởng thành có thể làm tăng hiệu quả điều trị IVF.
 
Sự hiện diện của thể cực (polar bodies - PB) là dấu hiệu của trưởng thành nhân noãn cho quá trình thụ tinh. Tuy nhiên, noãn có PB có thể vẫn chưa trưởng thành hoàn toàn (giai đoạn sớm Telophase I - kỳ cuối giảm phân I) mặc dù PB có mặt trong khoang quanh noãn. Trong giai đoạn này, có sự tiếp tục giữa tế bào chất noãn và sự hình thành PB; và thoi vô sắc (meiotic spindle – MS) nằm xen kẽ giữa hai tế bào phân chia. MS biến mất vào cuối Telophase I nhưng có thể tái tạo lại sau 40–60 phút ở giai đoạn xen kẽ giữa phân chia giảm phân I và II. Trong Telophase I, thể cực đầu tiên có thể được nhìn thấy, nhưng quá trình phân bào vẫn chưa kết thúc và cầu nối tế bào chất giữa noãn và thể cực vẫn tồn tại. Giảm phân II bắt đầu ngay sau quá trình phân chia tế bào; MS đầu tiên biến mất. MS thứ hai xuất hiện trở lại ở kỳ giữa II, và các nhiễm sắc thể xếp thẳng hàng trên trục chính với các vi ống từ các cực đối diện của trục chính được gắn vào kinetochores của nhiễm sắc thể chị em. MS là một cấu trúc vi ống liên quan đến sự phân chia nhiễm sắc thể và rất quan trọng trong quá trình phân bào. Các vi ống MS sắp xếp song song có tính lưỡng chiết và có thể dịch chuyển ánh sáng phân cực phẳng gây ra độ trễ. Đặc tính MS lưỡng chiết cho phép kính hiển vi ánh sáng phân cực tạo ra cấu trúc hình ảnh cấu trúc tương phản của MS. Vị trí và độ trễ của MS có liên quan đến khả năng phát triển của noãn. Sử dụng kính hiển vi ánh sáng phân cực để điều chỉnh thời điểm tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) dựa trên hình thái MS có thể có lợi cho noãn trưởng thành muộn. Sự xuất hiện MS ở noãn cũng được đánh giá như một yếu tố tiên lượng cho độ bội phôi nang.
 
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá thời điểm tối ưu cho ICSI. Góc giữa PB và MS cùng với khả năng hiển thị của MS được đánh giá không xâm lấn bằng kính hiển vi quang học có bộ lọc phân cực.
 
Thiết kế nghiên cứu
Phụ nữ dưới 40 tuổi đã thực hiện ICSI từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2022. Sau khi kích thích trưởng thành noãn bằng hCG hoặc GnRH, chọc hút noãn được thực hiện trong khoảng thời gian từ 36 đến 37 giờ. Bệnh nhân tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm tuổi: nhóm 1 trên 35 tuổi và dưới 40 tuổi; nhóm 2 dưới 35 tuổi.
 
Trong nhóm bệnh nhân được xác định MS bằng kính hiển vi phân cực, vị trí của PB và MS được sử dụng đánh giá trưởng thành noãn. Noãn được xoay bằng kim trong quá trình quan sát để đánh giá góc giữa thể cực và MS. Tất cả các bệnh nhân noãn có thoi vô sắc được chia thành hai nhóm: nhóm 1 gồm bệnh nhân có hơn 60% noãn có góc giữa PB và MS < 5◦ hoặc MS không nhìn thấy được được dự đoán là noãn chưa trưởng thành. Đối với nhóm này, ICSI được thực hiện 4–5 giờ sau khi đánh giá bằng kính hiển vi phân cực, tức là 7–8 giờ sau OPU; nhóm 2 gồm bệnh nhân có ít nhất 40% noãn có MS nhìn thấy rõ và góc giữa PB và MS > 5◦ được dự đoán là noãn trưởng thành. Đối với nhóm này, ICSI thường được thực hiện 2–3 giờ sau khi đánh giá bằng kính hiển vi phân cực, tức là 5–6 giờ sau OPU (chọc hút).
 
Kết quả chính của nghiên cứu gồm: Tỷ lệ sử dụng noãn là số lượng phôi chất lượng cao (để chuyển/đông lạnh) trên số lượng noãn có PB; Tỷ lệ có thai lâm sàng của bệnh nhân là số bệnh nhân có thai ở mỗi nhóm chia cho tổng số bệnh nhân trong nhóm này. Thai lâm sàng được xác nhận bằng siêu âm hình ảnh túi thai hoặc nhịp tim tại tuần thứ 4 sau chuyển phôi.
 
Kết quả
Trong số 679 bệnh nhân, 377 bệnh nhân thuộc nhóm 1 (trên 35 tuổi và dưới 40 tuổi) và 302 bệnh nhân thuộc nhóm 2 (dưới 35 tuổi). 377 bệnh nhân nhóm 1 (1418 noãn) có tỷ lệ mang thai là 28% và tỷ lệ sử dụng trung bình là 53%. 302 bệnh nhân nhóm 2 (1211 noãn) có tỷ lệ mang thai là 41% và tỷ lệ sử dụng trung bình là 45%. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tỷ lệ mang thai giữa bệnh nhân dưới 40 đánh giá MS (116/32) và bệnh nhân dưới 40 không đánh giá MS (113/357).
 
Với nhóm 2: 140 bệnh nhân (681 noãn) được đánh giá bằng hình ảnh MS thì 41% (58/140) đã mang thai và tỷ lệ sử dụng trung bình là 49%. 162 bệnh nhân không đánh giá hình ảnh MS thì 41% (66/162) đã mang thai và tỷ lệ sử dụng trung bình là 45%. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tỷ lệ mang thai đối với bệnh nhân dưới 35 tuổi có đánh giá MS và không đánh giá MS. Trong nhóm 2, bằng đánh giá MS thì tỷ lệ bệnh nhân có thai khi ICSI được thực hiện 5–6 giờ sau OPU là 43% và tỷ lệ bệnh nhân có thai khi ICSI được thực hiện 7-8 giờ sau OPU là 40% (p > 0.1). Điều này cho thấy đánh giá MS không có ảnh hưởng tới tỷ lệ mang thai ở nhóm bệnh nhân dưới 35 tuổi.
 
Với nhóm 1: 182 bệnh nhân được đánh giá bằng hình ảnh MS thì 32% (54/182) đã mang thai và tỷ lệ sử dụng trung bình là 53%. 195 bệnh nhân không đánh giá hình ảnh MS thì 24% (47/195) đã mang thai và tỷ lệ sử dụng trung bình là 42%. Trong nhóm 1, có sự khác biệt về tỷ lệ mang thai giữa bệnh nhân được đánh giá MS ≥ 35 với ICSI được tiến hành 5–6 giờ sau OPU (tỷ lệ mang thai 37%) và bệnh nhân được đánh giá MS ≥ 35 với ICSI được thực hiện 7–8 giờ sau OPU (tỷ lệ mang thai 27%). Bệnh nhân được MS đánh giá thực hiện ICSI 5–6 giờ sau OPU có số lượng noãn tương đối cao hơn so với bệnh nhân được đánh giá MS thực hiện ICSI 7–8 giờ sau OPU.
 
Bàn luận

Sự khác biệt về tỷ lệ mang thai ở bệnh nhân ≥ 35 đánh giá MS và không đánh giá MS có ý nghĩa lâm sàng: 32% bệnh nhân ≥ 35 đánh giá MS có thai và chỉ 24% bệnh nhân ≥ 35 không đánh giá MS có thai. Đối với những bệnh nhân trên 35 tuổi, sự trưởng thành noãn ít đồng bộ hóa một cách tự nhiên và thời điểm ICSI thay đổi theo trạng thái MS. Đối với noãn của bệnh nhân ≥ 35 tuổi, thời gian nuôi cấy noãn lâu hơn cho phép số lượng noãn trưởng thành nhiều hơn (giai đoạn MII) cho ICSI. Ngược lại, đối với những bệnh nhân dưới 35 tuổi, quá trình trưởng thành noãn đồng bộ hóa một cách tự nhiên và thời điểm ICSI theo trạng thái MS không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả hỗ trợ sinh sản.
 
Kết luận
Việc đánh giá hình ảnh thoi vô sắc là một khía cạnh quan trọng trong đánh giá trưởng thành noãn và thời điểm ICSI cho nhóm bệnh nhân trên 35 tuổi.
 
TLTK: Tepla, O., Topurko, Z., Jirsova, S., Moosova, M., Fajmonova, E., Cabela, R., Komrskova, K., Kratochvilova, I., & Masata, J. (2022). Timing of ICSI with Respect to Meiotic Spindle Status. International Journal of Molecular Sciences, 24(1), 105. https://doi.org/10.3390/ijms24010105

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Y học sinh sản tập 57, Qúy I/2021 - Thai lạc chỗ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK