Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 31-12-2023 9:56pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Trần Hồ Khánh Duyên
Bệnh viện Đại Học Y Dược Buôn Ma Thuột

Sẩy thai tự nhiên liên tiếp (RSA) và thất bại làm tổ liên tiếp (RIF) là những tình trạng phổ biến liên quan đến thất bại mang thai liên tiếp (RPF). Trong đó, sẩy thai tự nhiên liên tiếp được định nghĩa là hai lần sẩy thai tự nhiên trở lên. Thất bại làm tổ liên tiếp là không có thai lâm sàng sau khi chuyển ít nhất bốn phôi chất lượng tốt trong tối thiểu ba chu kì phôi tươi hoặc phôi trữ ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Đáng chú ý, phôi có các bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân chính gây nên thất bại làm tổ hoặc sẩy thai sớm, trong đó lệch bội là bất thường về nhiễm sắc thể phổ biến nhất. Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ để phát hiện lệch bội nhiễm sắc thể (PGT-A) là một công nghệ mới nhằm xác định phôi lệch bội, giảm nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể phôi. Tuy nhiên, lợi ích lâm sàng của PGT-A ở bệnh nhân thất bại mang thai liên tiếp (RPF), đặc biệt ở bệnh nhân RPF trẻ, vẫn chưa chắc chắn.

Phân tích tổng hợp này nhằm xác định xem liệu bệnh nhân RPF thực hiện PGT-A có kết quả lâm sàng tốt hơn so với những bệnh nhân không thực hiện PGT-A hay không, từ đó đánh giá giá trị của PGT-A trong thực hành lâm sàng.
Nghiên cứu này đã tìm kiếm có hệ thống các cơ sở dữ liệu từ năm 2002 đến năm 2022 trên PubMed, Thư viện Cochrane, CNKI, Wanfang Data và VIP, bao gồm 930 bệnh nhân RPF được sàng lọc bằng PGT-A và hơn 1.434 bệnh nhân RPF được sàng lọc không có PGT-A được đưa vào phân tích tổng hợp này. Kết quả lâm sàng được đánh giá dựa trên chuyển phôi sau PGT-A (n=1.015) và không có PGT-A (n=1.799).

Nhóm PGT-A cho thấy kết quả lâm sàng vượt trội so với nhóm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)/tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI). Nhóm PGT-A có tỷ lệ làm tổ (IR) cao hơn đáng kể (RR=2,01, KTC 95%: [1,73; 2,34]), tỷ lệ thai lâm sàng (CPR) (RR=1,53, KTC 95%: [1,36; 1,71] ), tỷ lệ thai diễn tiến (OPR) (RR=1,76, 95% CI: [1,35; 2,29]), tỷ lệ trẻ sinh sống (LBR) (RR=1,75, 95% CI: [1,51; 2,03]) và tỷ lệ sẩy thai lâm sàng (CMR) thấp hơn đáng kể (RR=0,74, 95% CI: [0,54; 0,99]). Phân tích phân nhóm dựa trên độ tuổi của bệnh nhân (dưới 35 tuổi và 35 tuổi trở lên) cho thấy cả hai phân nhóm PGT-A đều có giá trị CPR (P<0,01) và LBR (P<0,05) tốt hơn đáng kể so với nhóm IVF/ICSI.

Phân tích tổng hợp này chứng minh rằng PGT-A ở bệnh nhân thất bại mang thai liên tiếp có liên quan đến kết quả lâm sàng được cải thiện, bao gồm tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ thai diễn tiến và tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn, trong khi tỷ lệ sẩy thai lâm sàng thấp hơn so với nhóm IVF/ICSI. Những phát hiện này hỗ trợ ứng dụng lâm sàng tích cực của PGT-A ở bệnh nhân có thất bại mang thai liên tiếp.

Nguồn: Liang Z, Wen Q, Li J, Zeng D, Huang P. A systematic review and meta-analysis: clinical outcomes of recurrent pregnancy failure resulting from preimplantation genetic testing for aneuploidy. Front Endocrinol (Lausanne). 2023 Oct 2;14:1178294. doi: 10.3389/fendo.2023.1178294. PMID: 37850092; PMCID: PMC10577404.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK